Đầu tàu trong các phong trào ở cơ sở

(Mặt trận) -Với vai trò là Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận, ông Nguyễn Viết Đăng (thôn Đồng Ké, xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào, là nhịp cầu đoàn kết nhân dân.

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thanh Hóa: Hỗ trợ người nghèo “an cư” đón tết

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

 Ông Nguyễn Viết Đăng (người đầu tiên từ phải sang trái) tặng quà người cao tuổi trên địa bàn.

Phải khi đến Đồng Ké, mới hiểu hết những khó khăn của vùng đất này. Bốn bề là núi đá vôi, địa thế hiểm trở, đất đai cằn cỗi, manh mún, nhỏ lẻ khiến canh tác nông nghiệp của người dân gặp rất nhiều khó khăn... Nhưng hiện nay, thôn Đồng Ké đã đổi thay. Triển khai xây dựng nông thôn mới, xã Trần Phú được đầu tư hệ thống thủy lợi một cách đồng bộ, giúp người dân yên tâm sản xuất; chính quyền còn hỗ trợ người dân học nghề mây giang đan, giúp cho nghề này phát triển.

Những bước chuyển mình đó của người dân xã Trần Phú có đóng góp không nhỏ của cán bộ Mặt trận ở cơ sở; trong đó có vai trò của ông Nguyễn Viết Đăng. Ông Đăng sinh năm 1978, nhiều năm liên tục tham gia công tác địa phương với vai trò là Trưởng thôn. Từ đầu năm 2020 đến nay, ông được bà con nhân dân tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đồng Ké. Với vai trò đầu tàu gương mẫu của người cán bộ, đảng viên, ông Đăng đã tích cực vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Đáng chú ý, năm 2016, ông Đăng còn phối hợp với các tổ chức thành viên vận động 14 hộ trong thôn hiến tặng 461m2 đất vườn; 130m2 đất ở để xây dựng và mở rộng các trục đường làng - ngõ xóm...

Đồng thời, ông cũng tích cực tuyên truyền, vận động bà con nhân dân giữ gìn và phát huy những nét đặc sắc trong văn hóa của người Mường như: Nhạc cụ chiêng Mường, trang phục truyền thống... Ông Đăng cho biết, hiện thôn Đồng Ké đã duy trì và thành lập một đội văn nghệ gồm 24 người, được trang bị 24 chiếc cồng chiêng và 20 bộ trang phục dân tộc Mường. Đội văn nghệ của thôn thường xuyên tham gia phục vụ biểu diễn mỗi dịp lễ Tết và tại các chương trình, buổi lễ của địa phương.

Với vai trò là Trưởng thôn đến Bí thư chi bộ rồi đến Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn, ông Đăng đã vận động được 11 gia đình có người thân qua đời thực hiện hỏa táng theo nếp sống mới, tang văn minh. Đây là điều mà trước đây thôn chưa từng có và vẫn chưa thực hiện được. Năm 2020, thôn được UBND huyện công nhận danh hiệu Làng văn hóa.

Để mọi người tin tưởng làm theo, bản thân ông Đăng là người gương mẫu trong các phong trào thi đua, phát triển kinh tế. Vợ chồng ông tích cực tham gia các lớp tập huấn, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức trồng trọt, chăn nuôi từ những mô hình kinh tế hiệu quả trong xã. Từ đó đầu tư mô hình trang trại nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi lợn hướng nạc. Hiện gia đình ông đang nuôi 60 con lợn thịt và 10 con lợn nái sinh sản, mỗi năm cho xuất 14 lứa với sản lượng 15 tấn, cùng đó ao nuôi thả các loại cá truyền thống như trắm đen, trắm cỏ, chép trôi... mỗi năm cho xuất 7 tấn cá.

Kinh tế gia đình ổn định, vợ chồng ông còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi với người dân địa phương, giúp đỡ bằng hình thức cho vay không lấy lãi đối với 3 hộ gia đình khó khăn về vốn sản xuất với số tiền 70 triệu đồng. Trong đó, có một hộ chăn nuôi gà đẻ, một hộ chăn nuôi bò sinh sản và một hộ kinh doanh vận tải, góp phần tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho các hộ, từng bước giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

Với những đóng góp cho địa phương và bà con nhân dân trong xã, cuối năm 2022, ông Nguyễn Viết Đăng vinh dự được UBTƯ MTTQ Việt Nam tặng Bằng khen tại Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017 - 2022.

TUỆ PHƯƠNG