Dân vận khéo trong bảo vệ môi trường

(Mặt trận) -Thời gian qua, các cấp Hội phụ nữ tỉnh Ninh Bình đã duy trì nhiều mô hình "Dân vận khéo" gắn với bảo vệ môi trường. Qua đó góp phần nâng cao ý thức người dân trong xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư.

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thanh Hóa: Hỗ trợ người nghèo “an cư” đón tết

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

 Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Ninh Bình  thăm mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ bằng men vi sinh tại xã Khánh Cường, Yên Khánh.

Bước vào xây dựng khu dân cư nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu cũng là lúc Chi hội Phụ nữ thôn Đông Thành, xã Trường Yên (Hoa Lư) triển khai xây dựng mô hình dân vận khéo "Tuyến đường phụ nữ tự quản về môi trường". Mô hình thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ trong chi hội tham gia. 

Hàng tháng, các thành viên tham gia quét dọn đường làng ngõ xóm, tập kết và xử lý rác thải theo ngày. Đa số các hộ gia đình tự trang bị hai thùng chứa và tự phân loại rác thải tại nhà. 

Bà Nguyễn Thị Sơn, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Đông Thành cho biết: "Nếu như trước đây, người dân chưa chú trọng đến cảnh quan môi trường nơi mình sinh sống thì nay nhiều gia đình đã trồng hoa trước sân nhà. Hiện các trục đường bê tông trong thôn đều được trồng hoa bên cạnh, trên địa bàn không còn điểm tồn lưu rác như trước". 

Nhằm góp phần duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng NTM, đồng thời giảm tác hại từ việc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong bao bì vứt bừa bãi trên đồng ruộng, nhiều năm nay, Hội Phụ nữ xã Liên Sơn (Gia Viễn) luôn duy trì thực hiện mô hình "Điểm thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật" nhằm kịp thời xử lý lượng rác thải từ vỏ, chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật phát sinh trong sản xuất nông nghiệp. 

Để tiết kiệm kinh phí, nguyên liệu làm các thùng chứa rác đặt trên các trục đường, Hội liên hệ với các cửa hàng bán xăng để xin thùng phi cũ, nguyên vật liệu của các công trình xây dựng sau thi công còn thừa như tôn, thiếc... Những hội viên có tay nghề đã cắt, sơn lại thành thùng đựng rác đặt tại đường làng, bờ ruộng. 

Thấy lợi ích đem lại từ mô hình này, đến nay không chỉ ở xã Liên Sơn mà nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Gia Viễn cũng đang thực hiện hiệu quả mô hình. 

Cùng với việc thành lập và duy trì hoạt động mô hình này, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về tác hại của việc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đối với môi trường cũng được các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn huyện tập trung triển khai qua hệ thống đài truyền thanh, trên các hội, nhóm facebook, zalo của phụ nữ. Nhờ đó, nhiều người dân sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật đã tự giác mang bao bì bỏ đúng nơi quy định. 

Đồng chí Vũ Thị Hà, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: "Xác định tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tập trung xây dựng nhiều mô hình "dân vận khéo". 

Đồng thời, tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ, giúp chị em hiểu và tự giác thực hiện các tiêu chí về xây dựng NTM, trong đó đặc biệt chú trọng tiêu chí về "môi trường" gắn với tiêu chí "nhà sạch, bếp sạch, ngõ sạch" của cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", kiến thức về bảo vệ môi trường được chuyển tải đến hội viên, phụ nữ bằng nhiều hình thức như: tập huấn, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chi Hội, tổ nhóm, CLB… với hàng trăm buổi được tổ chức hàng năm.

Đặc biệt, để triển khai hiệu quả việc bảo vệ môi trường, các cấp Hội phụ nữ còn tích cực tham mưu cho cấp ủy ra nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ môi trường thông qua hội nghị chi bộ thôn, chi đoàn, chi hội các đoàn thể, tổ liên gia tự quản, qua loa truyền thanh... 

Đơn cử như tại xóm 3 Đông Cường, xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh, theo chia sẻ của ông Trần Văn Tỉnh, Bí thư chi bộ xóm, hiện có trên 85% hộ đang duy trì mô hình "phân loại và xử lý rác thải hữu cơ bằng men vi sinh" tại gia đình, làm giảm đáng kể lượng rác phải thu gom, xử lý trong khu dân cư. 

Trong 5 năm 2016-2021, các cấp Hội phụ nữ trong toàn tỉnh đã xây dựng được 320 mô hình "Dân vận khéo" trên các lĩnh vực, trong đó có trên 70 mô hình ở lĩnh vực bảo vệ môi trường. Nhiều mô hình tiêu biểu có thể kể tới như: "Tuyến đường phụ nữ tự quản về vệ sinh môi trường"; "Đường hoa phụ nữ"; "Bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật"; "Sử dụng làn nhựa đi chợ, hạn chế sử dụng ni-lông"; "Tiết kiệm từ thu gom phế liệu giúp phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn"; "Phân loại và xử lý rác thải hữu cơ bằng men vi sinh"…

Với nhiều mô hình thiết thực và ý nghĩa, hiện nay việc bảo vệ môi trường đang trở thành "nếp nghĩ", việc làm thường xuyên của người dân ở mỗi địa phương. Hình ảnh đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, thoáng mát ngày càng nhiều. 

Nhiều hộ gia đình dần hình thành thói quen phân loại rác theo đúng quy định. Có được những đổi thay đó một phần nhờ sự vào cuộc của các cấp Hội phụ nữ trong thực hiện "Dân vận khéo" gắn với bảo vệ môi trường, cũng như những việc làm, đóng góp tích cực của hội viên, phụ nữ đã góp phần mang lại môi trường sống thân thiện, sạch đẹp. 

Mạnh Tuấn