"Dân vận khéo" gắn với lợi ích người dân

(Mặt trận) -Xác định “Dân vận khéo” là phải sát dân, phù hợp với đặc điểm, lợi ích của dân, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và hội, đoàn thể huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã xây dựng nhiều mô hình hiệu quả. Qua đó khơi dậy và phát huy sức mạnh toàn dân trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

 Người dân ấp Tân Bình, xã Sơn Bình đi trên con đường bê tông dài 240m, rộng 3,5m do người dân hiến đất để làm.

 Giúp nhau thoát nghèo

Trước năm 2018, Hội CCB huyện Châu Đức có 61 hộ CCB nghèo (chiếm 7,8%). Ông Bùi Cửu Hải, Chủ tịch Hội CCB huyện Châu Đức cho biết, xác định việc giúp hội viên khắc phục khó khăn, cải thiện đời sống là việc làm thực tế nhất, Hội đã chỉ đạo đến 100% cơ sở Hội tích cực vận động  hội viên khá giả đóng góp hơn 1,8 tỷ đồng vào Quỹ “Tình thương đồng đội”. Số tiền này được sử dụng cho hội viên nghèo vay với lãi suất thấp để phát triển kinh tế.

Nhờ được vay vốn ưu đãi từ Quỹ “Tình thương đồng đội”, nhiều hộ CCB nghèo có điều kiện đầu tư cây, con giống, chăn nuôi, trồng trọt và đã cải thiện kinh tế gia đình, góp phần giúp Hội CCB huyện xóa sạch hộ nghèo đầu năm 2020 và 76% hội viên có kinh tế khá. Điển hình, CCB Nguyễn Thị Xuyến (ấp Nhân Thành, xã Quảng Thành) được vay 10 triệu đồng từ Quỹ “Tình thương đồng đội” vào đầu năm 2017 để mua 2 con bò giống về nuôi. Đến nay đã phát triển lên 7 con, cho gia đình bà nguồn thu nhập gần 100 triệu đồng từ bán bê con và bò thịt.

Tương tự, tại xã Bình Trung, địa phương thuần nông của huyện Châu Đức với hơn 90% hộ dân lao động, sản xuất bằng nghề chăn nuôi, trồng trọt. Bà Hoàng Thị Huyền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Trung cho biết, đa số bà con chỉ biết trồng cây hoa màu, phương thức canh tác lạc hậu nên hiệu quả kinh tế thấp.

Để người dân hiểu và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu năm 2019, Hội Nông dân xã Bình Trung đã vận động 6 hội viên tham gia trồng thử nghiệm các loại rau, củ, quả như: cải, bầu, bí, dưa leo, khổ qua, trên tổng diện tích 2,7ha, đồng thời thường xuyên hướng dẫn các hộ dân xuống giống đồng bộ, phun thuốc với lưu lượng vừa đủ, đúng thời điểm. Nhờ đó, các loại rau, củ, quả phát triển khá tốt, tránh được nhiều tác động xấu từ thiên nhiên, sâu bệnh.

Thấy được hiệu quả trên, đã có gần 300 hộ dân tiến hành chuyển đổi sang trồng các loại rau, củ, quả sạch. “Trước đây, với 5.000m2 đất canh tác, mỗi vụ hoa màu chỉ thu khoảng 30 triệu đồng thì nay, mỗi vụ thu về gần 60 triệu đồng. Nếu canh tác đủ 3 vụ/năm, gia đình tôi có trên 150 triệu đồng từ rau, củ, quả sạch”, ông Trần Văn Linh (tổ 24, thôn 4, xã Bình Trung) phấn khởi cho biết.

Đem lại lợi ích cho người dân

Bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Châu Đức cho biết, phong trào thi đua “Dân vận khéo” thời gian qua được cấp ủy, chính quyền,  ban, ngành, đoàn thể tích cực triển khai với nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả, phù hợp, sát thực tế, gắn với quyền và lợi ích người dân. Điển hình, tại Chi bộ ấp Tân Bình, xã Sơn Bình, nhờ sự tích cực, gương mẫu của các đảng viên mà từ 2019 đến nay, trên địa bàn xã đã có thêm 10 tuyến đường được bê tông hóa với tổng chiều dài hơn 3.500m, thắp sáng 3 tuyến đường giao thông với tổng chi phí hơn 200 triệu đồng.

Năm 2022, các cơ quan, đơn vị, địa phương huyện Châu Đức đã đăng ký 360 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực, trong đó có 124 mô hình và 19 điển hình trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, 142 mô hình trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, 50 mô hình trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh và 25 mô hình trong lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị. Đến nay đã có 213 mô hình, điển hình được triển khai hiệu quả.

Tương tự, Đảng bộ xã Suối Nghệ phát động phong trào “Nuôi heo đất” để gây quỹ “Tấm lòng vàng” đến 100% chi bộ trực thuộc. Theo đó, cứ mỗi buổi sinh hoạt chi bộ, các đảng viên tự nguyện đóng góp từ 10-20 ngàn đồng/tháng. Sau 1 năm sẽ tổ chức đập heo để đóng góp cho Quỹ “Tấm lòng vàng” của UBMTTQVN xã. Từ quỹ “Tấm lòng vàng” do đảng viên đóng góp, MTTQ đã có thêm kinh phí để xây  nhà “đại đoàn kết” trị giá 50 triệu đồng/căn/năm cho hộ nghèo trên địa bàn xã.

Ngoài ra, việc xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” còn nhận được sự đồng hành của các đơn vị lực lượng vũ trang bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, được nhân dân đánh giá cao. Đơn cử, Ban CHQS huyện Châu Đức thực hiện công trình “Tuyến đường hoa” dài hơn 3km dọc các đường trên địa bàn ấp Vĩnh An, xã Bình Giã. “Từ khi có đường hoa, mọi người đã có ý thức bảo vệ môi trường hơn, không ai vứt rác ra hai bên đường như trước nữa”, ông Hồ Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Giã nói.

“Để phong trào thi đua “Dân vận khéo” ngày càng phát huy hiệu quả, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể cần tích cực hướng về cơ sở để lắng nghe ý kiến, sáng kiến của dân, từ đó xây dựng mô hình phù hợp, sát với tình hình thực tế, gắn với lợi ích của dân, đồng thời làm cho dân thấy được quyền lợi, nghĩa vụ của mình để từ đó tích cực tham gia, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, bà Nguyễn Thanh Thủy nói.

MINH NHÂN