Đak Đoa xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

(Mặt trận) -Những năm gần đây, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh” trên địa bàn huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã mang lại hiệu quả thiết thực trên nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện đời sống người dân và sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

Ông Võ Tiến Đông-Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đak Đoa-cho biết: Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện chủ trì, phối hợp với UBND và các tổ chức chính trị-xã hội thành viên thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; đồng thời, ban hành kế hoạch và chương trình phối hợp triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”.

Còn ông Y Djit-Chủ tịch Hội Nông dân huyện thì cho hay: “Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên xây dựng các mô hình sản xuất, tổ hội nghề nghiệp, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững và giảm nghèo.

Đặc biệt, hội viên đã tham gia hiến đất, đóng góp nhiều tỷ đồng và hàng chục ngàn ngày công để góp phần thực hiện tiêu chí NTM tại các xã.

Đồng thời, phối hợp tổ chức tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 5.750 lượt nông dân; cấp hơn 200 con bò sinh sản, tín chấp hơn 2.550 tấn phân bón trả chậm cho hội viên nông dân, phối hợp hỗ trợ cây giống cho hội viên tái canh hơn 1.000 ha cà phê...

 Cán bộ xã Hà Bầu trao đổi với người dân về xây dựng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Ở cấp xã, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm phối hợp thực hiện công tác xây dựng NTM. Ông Lữ Quốc Tuấn-Chủ tịch UBND xã Ia Pết-thông tin: “Thời gian qua, UBND xã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho người dân, triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp xã giai đoạn 2021-2025.

Xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ. Các cơ sở chế biến nông sản, cơ khí sửa chữa phục vụ nông nghiệp, điện dân dụng, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ được hình thành, phục vụ nhu cầu của người dân. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã còn khoảng 12%, hộ cận nghèo chiếm 11%”.

Tại xã Nam Yang, quá trình xây dựng NTM đã xuất hiện nhiều điển hình trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ tổng hợp, phát triển kinh tế trang trại, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Đơn cử như ông Ngô Văn Tiên (thôn 4) nhiều năm qua đã chọn cà phê làm cây trồng chủ lực. Sau đó, ông tiếp tục phát triển thêm cây hồ tiêu, đồng thời áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel vào sản xuất nhằm tiết kiệm nguồn nước, giảm công lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Ngoài sản xuất giỏi, ông Tiên còn tích cực tham gia công tác xã hội và chung tay xây dựng NTM. Hay như ông Huỳnh Mau (thôn 3) trồng 4 ha cà phê và hơn 10.000 trụ hồ tiêu, doanh thu đạt trên 1,8 tỷ đồng/năm; đồng thời tạo việc làm cho hơn 30 lao động tại chỗ.

Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, từ cuối năm 2021 đến nay, Đảng ủy thị trấn Đak Đoa đã chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về “Xây dựng thị trấn Đak Đoa đạt các tiêu chí đô thị loại IV đến năm 2025 và phát triển theo hướng đô thị văn minh, định hướng đến năm 2030”.

Ông Nguyễn Văn Trung-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn-cho hay: “Cùng với lãnh đạo các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, thị trấn đã vận động người dân lắp đặt được 250 camera tại các gia đình và một số tuyến đường. Đồng thời, củng cố và phát huy vai trò hoạt động của 112 tổ tự quản an ninh tại khu dân cư với 1.231 thành viên, góp phần phòng-chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương.

Thị trấn cũng đã phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan triển khai trồng cây xanh trên các tuyến đường nội thị, sửa chữa điện chiếu sáng các tuyến đường, ra quân kiểm tra và xử lý vi phạm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường”.

Hưởng ứng cuộc vận động, cán bộ thôn H’lâm đã vận động người dân thực hiện tốt quy ước, hương ước, thường xuyên dọn vệ sinh môi trường, khai thông hệ thống kênh mương dài 1,5 km dẫn nước phục vụ sản xuất, tu sửa 1 km đường giao thông nội đồng, tham gia góp kinh phí 850 triệu đồng và hơn 200 ngày công để làm đường giao thông nông thôn dài 1,5 km.

Còn tổ dân phố 5 là đơn vị hơn 10 năm giữ vững danh hiệu “Khu dân cư văn hóa” của thị trấn. Ông Phan Thanh Hải-Tổ trưởng tổ dân phố 5-chia sẻ: “Tổ dân phố vận động người dân đóng góp kinh phí lắp điện chiếu sáng ở các tuyến đường trong tổ, lắp camera an ninh ở các tuyến đường trọng điểm, thành lập được các tuyến đường tự quản văn minh đô thị.

Thường xuyên vận động bà con tham gia giữ gìn trật tự an toàn xã hội, thu gom rác thải, khắc phục tình trạng lấn chiếm lòng lề đường bày bán hàng hóa, đảm bảo an toàn giao thông…

Các đoàn thể như Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ đã tích cực vận động đoàn viên, hội viên, người dân quan tâm chăm sóc cây xanh, góp phần tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp, văn minh”.

N.T