Đak Đoa nỗ lực giảm nghèo

(Mặt trận) -Huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) có 58% dân số là người dân tộc thiểu số (DTTS). Thời gian qua, hệ thống chính trị của huyện tập trung triển khai công tác dân tộc gắn với mục tiêu giảm nghèo trong đồng bào DTTS.

Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Bình Thuận phát huy vai trò trong xây dựng nông thôn mới

Yên Bái: 100% hộ dân bị thiệt hại về nhà do bão số 3 có nhà mới trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ

Khẳng định vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới

Ông Y Đức Thành-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đak Đoa-thông tin: Để giảm nghèo trong đồng bào DTTS, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 04-NQ/HU về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ trong việc ngăn chặn chuyển nhượng và cho thuê đất sản xuất trái pháp luật trên địa bàn huyện”.

Thực hiện nghị quyết này, các xã, thị trấn tăng cường triển khai công tác quản lý nhà nước về đất đai và kế hoạch sử dụng đất gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức trong đồng bào DTTS để giảm thiểu tình trạng chuyển nhượng và cho thuê đất sản xuất trái pháp luật.

 Lãnh đạo huyện Đak Đoa trao quà hỗ trợ người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2024.Ảnh: T.N

Với trách nhiệm của mình, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ già làng, người có uy tín về công tác tuyên truyền, vận động. Qua đó, đội ngũ này đã tuyên truyền giúp bà con nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đất đai đối với đời sống, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để ổn định đời sống gắn với triển khai cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Bên cạnh đó, Mặt trận các cấp đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”. Trong 5 năm gần đây, Mặt trận các cấp đã hỗ trợ xây dựng 115 căn nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo; triển khai các hoạt động an sinh xã hội giúp đỡ người nghèo vươn lên trong cuộc sống.

Cùng với đó, UBND huyện chỉ đạo các ngành phối hợp với các xã, thị trấn tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Đồng thời, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và các thôn, làng đặc biệt khó khăn với 204 công trình, 181 km đường giao thông. Huyện cũng đã đầu tư hơn 382,3 tỷ đồng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, huyện tổ chức đào tạo nghề cho 5.188 lao động, giải quyết việc làm cho 11.932 lao động (trong đó có 3.513 lao động là thanh niên DTTS), xã hội hóa đào tạo nghề 3.183 lao động (trong đó có 547 lao động là thanh niên DTTS). Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 8,26%, trong đó, hộ nghèo người DTTS chiếm 13,98% tổng số hộ DTTS.

Xã Ia Pết có tỷ lệ người DTTS chiếm hơn 86% dân số, chủ yếu là người Jrai và Bahnar. Cùng với lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, Đảng ủy xã đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện công tác giảm nghèo theo nghị quyết của Huyện ủy.

Hàng năm, UBND xã tiến hành rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo giảm nghèo xã, kịp thời chỉ đạo thực hiện các mục tiêu và chỉ tiêu giảm nghèo của xã. Mặt trận và các đoàn thể xã tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”.

Ông Lữ Quốc Tuấn-Chủ tịch UBND xã Ia Pết-cho hay: “Xã thường xuyên tuyên truyền giúp người dân nâng cao năng lực trong sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, xã triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình mục tiêu quốc gia. Đến cuối năm 2023, xã còn 180 hộ nghèo, chiếm 9,26%. Xã đang tiếp tục phấn đấu đến cuối năm 2024 giảm 78 hộ nghèo, tương đương tỷ lệ giảm là 3,96%”.

N.T