Chuyện những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” ở Thanh Hóa

(Mặt trận) -Với trách nhiệm của người đảng viên cùng tấm lòng cống hiến vì cộng đồng, nhiều Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận (TBCTMT) thực sự là những đầu tàu ở các phố, thôn, bản, khu dân cư, được dân tin, dân quý, dân yêu.

Mang Tết đến với người nghèo huyện Tri Tôn

Niềm vui được đón Tết trong những ngôi nhà mới ở Quảng Trị

TP Đà Nẵng: Phát động chương trình Xóa nhà tạm, nhà dột nát” năm 2025

 Ông Lê Ngọc Giáp, TBCTMT, người có uy tín thôn Cát Lợi, xã Cát Tân (Như Xuân) (người thứ hai từ phải sang) tuyên truyền, vận động người dân phát triển cây chè, nâng cao thu nhập.

Bí thư Chi bộ, TBCTMT thôn Phương Giai, xã Vĩnh Tiến (Vĩnh Lộc) Lê Văn Đức được biết đến là người quyết đoán, thẳng thắn, dám nghĩ, dám làm và có nhiều cách làm hay, sáng tạo vì công việc chung. Năm 2021, Phương Giai là một trong những thôn được huyện Vĩnh Lộc lựa chọn triển khai thực hiện xây dựng thôn NTM kiểu mẫu. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, là bài toán đặt ra hết sức khó khăn vì đời sống của Nhân dân chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, còn nhiều thứ phải lo toan nên việc phát huy sức dân phải có cách làm mới, sáng tạo.

Sau nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ, ông Đức bàn với Ban phát triển thôn, Ban công tác Mặt trận khu dân cư chủ động đi trước một bước, triển khai thực hiện ngay từ khi được tiếp thu chủ trương về xây dựng thôn NTM kiểu mẫu, xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể cho từng thời điểm, từng tiêu chí. Các bước tiến hành được tính toán một cách khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế của thôn, trong đó xác định khâu đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đồng thời thực hiện tốt việc công khai, dân chủ, dân biết, dân bàn, dân thực hiện và dân kiểm tra. Có chính sách động viên, khen thưởng kịp thời để đẩy phong trào đi lên mạnh mẽ. Ông cùng các thành viên đã trực tiếp đi vận động Nhân dân tích cực tham gia sản xuất, phát triển kinh tế. Kết quả, đã vận động được 115/tổng số 162 hộ trong thôn tham gia sản xuất cánh đồng rau an toàn phát triển kinh tế với diện tích hơn 5 ha cung cấp cho các thương lái, các chợ trong và ngoài huyện, đưa thu nhập bình quân đầu người trong thôn đạt 71 triệu đồng/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1 hộ; hộ cận nghèo chỉ còn 4 hộ (2,4%). Đặc biệt có hộ gia đình đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng mô hình nhà lưới với diện tích hơn 2.000 m2 chuyên sản xuất các loại rau củ quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, có nguồn thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng/tháng.

 Bác Lê Ngọc Giáp, TBCTMT, người có uy tín thôn Cát Lợi, xã Cát Tân (Như Xuân) (người ngồi thứ hai bên trái) và lãnh đạo Ủy ban MTTQ huyện Như Xuân thăm hỏi gia đình anh Lê Quảng Hòa - hộ nghèo trong thôn mới được hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết.

Trong XDNTM, tranh thủ cơ chế hỗ trợ của xã, ông cùng ban phát triển thôn vận động Nhân dân góp hơn 400 ngày công lao động, hiến hàng trăm m2 đất, hơn 1,5 tỷ đồng xây dựng tường rào kiểu mẫu, bê tông hóa đường làng, ngõ xóm; chỉnh trang nhà cửa, vườn hoa cây cảnh, đường điện chiếu sáng, phân loại rác thải, giữ gìn vệ sinh môi trường, vẽ “đường tranh bích họa” dài 180 m... Bây giờ, thôn Phương Giai có đường làng thông thoáng, 100% hộ dân có đường bê tông vào đến tận cổng. Tối đến đường làng sáng như phố thị.

Bí thư Chi bộ, TBCTMT Lê Văn Đức, chia sẻ: Trong quá trình triển khai bất kỳ công việc nào cũng có những ý kiến thuận, những ý kiến trái chiều nên có những áp lực. Vì vậy việc gì cũng phải đem ra bàn bạc với chi ủy, chi bộ, các đảng viên của các cơ quan, đơn vị cư trú trên địa bàn và bàn bạc với Nhân dân để tạo sự đồng thuận.

Bác Lê Ngọc Giáp, TBCTMT, người có uy tín thôn Cát Lợi, xã Cát Tân (Như Xuân) luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động của địa phương, được người dân tín nhiệm. Là thôn có tới gần 90% đồng bào dân tộc Thổ, Mường, Thái cùng sinh sống, theo bác Giáp để người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc tham gia tích cực vào chương trình XDNTM, trước tiên phải hiểu dân, gần dân để biết dân cần gì, muốn gì. Những trường hợp người dân có suy nghĩ trái với số đông cán bộ sẽ trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, phân tích, cùng giải quyết những vướng mắc để dân hiểu, dân tin, từ đó người dân sẽ ủng hộ.

Với vai trò, trách nhiệm của TBCTMT, Bác đã đưa ra bàn bạc, thảo luận, lấy ý kiến số đông, gương mẫu làm trước, sau đó mới tiến hành tổ chức thực hiện. Với tinh thần nhiệt huyết, hết lòng vì công việc của TBCTMT, người có uy tín Lê Ngọc Giáp, giai đoạn 2017-2019 Nhân dân thôn Cát Lợi đã đóng góp tiền, công lao động, hiến đất bê tông hóa hơn 5,4 km đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa thôn, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, hỗ trợ 7 hộ nghèo xây nhà đại đoàn kết... trị giá hơn 3,7 tỷ đồng. Từ một thôn đặc biệt khó khăn, đến năm 2019 Cát Lợi là thôn đầu tiên của xã xây dựng thành công thôn NTM. Nhờ đội ngũ cán bộ nhiệt huyết, năm 2021 xã Cát Tân đã “cán đích” xã NTM.

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Cát Tân Lê Đình Long, để có được “quả ngọt” như ngày hôm nay là nhờ có vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, TBCTMT, đảng viên và Nhân dân. Không chỉ giữ vai trò “đầu tàu” trong mọi công việc ở thôn, bản, họ còn là những nhân tố đắc lực để tuyên truyền, vận động hiệu quả toàn dân cùng tham gia các phong trào, cuộc vận động ở địa phương, đặc biệt là chương trình XDNTM.

Trên đây chỉ là hai trong số 4.352 TBCTMT của tỉnh Thanh Hóa - những người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” có sức lan tỏa, dẫn dắt gia đình, người thân, nhân dân nơi cư trú thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh lao động sản xuất; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng bản, làng văn hóa, khu dân cư tiên tiến.

Phan Nga