Chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa: Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn

(Mặt trận) -Thực hiện phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”, MTTQ các cấp trên địa bàn huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm huy động được sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận, hưởng ứng tham gia tích cực nhân dân. Từ phong trào này, nhiều mô hình tự quản đã được xây dựng góp phần đưa công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trở thành trách nhiệm của cả cộng đồng.

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thanh Hóa: Hỗ trợ người nghèo “an cư” đón tết

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

 Khu dân cư Khun Mạ, xã Tri Phú tận dụng chai nhựa làm gạch sinh thái xây dựng khuôn viên nhà văn hóa thôn.

Cũng như nhiều địa phương vùng cao của huyện Chiêm Hóa, những năm trước đây việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Hòa An là một trong những vấn đề nan giải. Do không có nguồn lực về kinh phí, chưa có nơi tập kết để thu gom rác thải nên tình trạng xả rác ra các khu vực gần sông, suối, khu đất trống đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Để giải bài toán này, năm 2020, MTTQ xã Hòa An đã chọn thôn Tông Muông để xây dựng mô hình tổ tự quản thu gom rác thải. Tại khu dân cư, các mô hình tự quản tập trung tuyên truyền vận động người dân cùng tham gia BVMT từ những việc làm nhỏ nhất như không vứt rác bừa bãi, tổ chức quét dọn đường làng ngõ xóm, tiến hành phân loại, xử lý rác tại từng hộ gia đình.

Chỉ sau hai năm phát động, mô hình tổ tự quản đã thu hút được sự tham gia tích cực của nhân dân. Ông Hà Duy Viện - Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Tông Muông cho biết, từ khi thành lập các mô hình tổ tự quản thu gom rác thải, việc BVMT trong thôn đã được cải thiện, các ngõ xóm, sông, ngòi không còn rác thải ô nhiễm, đời sống và sức khỏe của nhân dân được bảo đảm. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về BVMT được nâng lên, từng bước đưa công tác giữ gìn vệ sinh môi trường trở thành trách nhiệm của cả cộng đồng. Đến nay trên địa bàn thôn hiện đã xây dựng được 6 tổ tự quản. Hàng tháng, cứ vào ngày 25 các tổ tự quản lại tổ chức các đợt dọn vệ sinh môi trường tại các tuyến đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng.

Không chỉ ở xã Hòa An, tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Chiêm Hóa, Mặt trận và các đoàn thể đã có nhiều cách làm, nhiều hành động đẹp để lan tỏa ý thức BVMT, chống rác thải nhựa. Hưởng ứng phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”, Ủy ban MTTQ xã Tri Phú đã chủ trì, phối hợp, phân công cho các tổ chức đoàn thể chịu trách nhiệm vận động đoàn viên, hội viên, các tổ tự quản thực hiện từng phần việc cụ thể để cùng chung tay BVMT sống.

Bà Hà Thị Xuyên - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tri Phú cho biết, trên địa bàn xã đã duy trì được 14 tổ tự quản BVMT. Tại các khu dân cư Ban công tác Mặt trận, với vai trò chủ trì hiệp thương, phối hợp phân công nhiệm vụ cho từng tổ chức như chi hội phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, chi đoàn thanh niên tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân mua sắm các thùng rác để thực hiện phân loại, xử lý rác thải, tự xây hố để xử lý rác tại hộ gia đình

Điều đáng ghi nhận ở xã Tri Phú là hiện nay hầu hết các hộ gia đình trên địa bàn đã xây dựng được hố rác, tự thu gom và xử lý rác thải. Đối với rác hữu cơ các hộ gia đình tận dụng ủ men vi sinh làm phân bón, đối với rác vô cơ, vỏ chai nilon sẽ thu gom tận dụng làm gạch sinh thái

Theo ông Tạ Văn Bích - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Chiêm Hóa, sau hai năm triển khai, phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”, việc xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản đã góp phần nâng cao nhận thức và huy động được sự tham gia của người dân trong công tác BVMT.  Đến nay trên địa bàn huyện đã xây dựng được hơn 1.100 tổ nhóm tự quản BVMT. Thông qua công tác tuyên truyền vận động và sự chung tay giúp đỡ của chính quyền, các tổ chức thành viên đã có 90/317 khu dân cư xây dựng được bể chứa rác thải tập trung, 7 khu dân cư có lò xử lý rác thải. Đặc biệt, đã có trên 80% các hộ gia đình trên địa bàn có thùng đựng rác vô cơ và hố xử lý rác hữu cơ. Hàng tháng các tổ tự quản thống nhất một ngày cố định vận động các hộ gia đình ở các khu dân cư tham gia dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, chăm sóc các tuyến đường hoa...

Vũ Mạnh