Chung tay xóa nhà dột nát ở Phú Lương

(Mặt trận) -Triển khai từ nhiều năm qua, chương trình xóa nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách trên bàn huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) được đông đảo nhân dân, doanh nghiệp, mạnh thường quân chung tay ủng hộ. Những kết quả đạt được của chương trình đã đóng góp tích cực vào công tác giảm nghèo, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới.

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thanh Hóa: Hỗ trợ người nghèo “an cư” đón tết

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

Lãnh đạo huyện Phú Lương và nhà hảo tâm trao tiền hỗ trợ xóa nhà ở tạm cho một hộ dân ở xã Phú Đô. 

Xã Yên Trạch là địa phương xóa được nhiều nhà dột nát nhất huyện Phú Lương trong năm 2023, với 39 ngôi nhà. Chương trình xóa nhà ở tạm, dột nát cũng giúp xã giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo khó khăn về nhà ở, góp phần đưa Yên Trạch về đích nông thôn mới năm 2023.

Gia đình ông Hoàng Văn Hợp, xóm Đin Đeng, xã Yên Trạch, là một trong sáu hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở “chìa khóa trao tay” trong năm 2023. Hai vợ chồng ông đều đã trên 50 tuổi, không có việc làm ổn định, nguồn thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống nên trước đây, gia đình ông phải sống trong ngôi nhà dột nát. Và do không có khả năng đối ứng nên gia đình ông được xây dựng nhà ở “chìa khóa trao tay” với tổng giá trị 75 triệu đồng từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” huyện Phú Lương và sự hỗ trợ của các mạnh thường quân.

Ông Lý Văn Vệ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Yên Trạch, cho biết: Ngôi nhà của hai vợ chồng ông Hợp đã được hoàn thành trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Không chỉ riêng ông hợp, qua rà soát, xã cũng đã đề nghị xây dựng nhà kiên cố cho 59 hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách đang gặp khó khăn về nhà ở.

Xã Phủ Lý cũng có 5 ngôi nhà kiên cố được hoàn thành giúp các hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách không còn phải sống trong nhà ở tạm, dột nát. UBND xã đang rà soát, đề nghị UBND huyện hỗ trợ xây dựng nhà kiên cố cho 25 hộ; đồng thời kêu gọi sự đóng góp tích cực của nhân dân, các tổ chức hội đoàn thể, mạnh thường quân, doanh nghiệp chung tay với địa phương để giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo.

Ông Bùi Phương Thảo, Chủ tịch UBND xã Phủ Lý, cho biết: Chương trình xóa nhà ở tạm, dột nát giúp người yếu thế trong xã hội có ngôi nhà vững chãi để an cư; từ đó vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số hộ thuộc diện được hỗ trợ nhưng lại chưa thể triển khai do nguồn đối ứng lớn (từ 50-80 triệu đồng) nên nhiều trường hợp không đủ khả năng. Ngoài ra, nhiều hộ chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc chưa có thổ cư, việc sang tên cho tặng, thừa kế cũng chưa thực hiện được ngay…

Chương trình xóa nhà tạm, dột nát được huyện Phú Lương triển khai từ nhiều năm nay, trung bình mỗi năm có từ 40-50 hộ được hưởng lợi từ chương trình. Riêng năm 2023, toàn huyện hỗ trợ xây dựng được 83 nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, trong đó có 15 nhà thực hiện theo phương thức “chìa khóa trao tay”.

Bên cạnh đó, các tổ chức hội, đoàn thể, mạnh thường quân cũng đã hỗ trợ trên 10 ngôi nhà cho các hội viên nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong năm 2024, huyện Phú Lương dự kiến hỗ trợ cho 127 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn.

Ông Nguyễn Thường Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Phú Lương, cho biết: Chương trình xóa nhà dột nát mang ý nghĩa thiết thực, giải quyết bài toán an sinh xã hội cho các hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách gặp khó khăn về nhà ở, tuy nhiên đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Mặt khác, các gia đình trong diện được hỗ trợ đều thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách nên không dễ huy động nguồn đối ứng. Do vậy, chúng tôi đã và đang đẩy mạnh huy động nguồn lực trong nhân dân, các tổ chức đoàn thể, mạnh thường quân, doanh nghiệp chung tay cùng với địa phương xóa nhà tạm, dột nát...

X.H