Chung tay xây dựng Nông thôn mới

(Mặt trận) -Trong những năm qua, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã được cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ các cấp trong tỉnh Hải Dương triển khai tích cực bằng nhiều phong trào thiết thực. Cuộc vận động đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của cán bộ và các tầng lớp nhân dân. Qua đó, đã phát huy cao độ tính dân chủ, góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh.

Niềm vui bên những căn nhà Đại đoàn kết ở huyện Châu Thành

MTTQ các cấp tỉnh Lâm Đồng xây dựng Khu dân cư hạnh phúc

Thành phố Hà Nội: Xây dựng khu dân cư an toàn, đáng sống

Huyện Bình Giang quan tâm đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới. 

Thôn Cao Lý (xã Cao Thắng, huyện Thanh Miện) hiện có trên 580 hộ với trên 1.000 nhân khẩu. Đây là một trong những điển hình của huyện cũng như tỉnh Hải Dương về công tác Mặt trận. Thôn Cao Lý là địa phương thuần nông, người dân chủ yếu làm nông nghiệp.

Những năm qua, Ban Công tác Mặt trận (CTMT) thôn Cao Lý luôn chú trọng công tác tuyên truyền nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền để người dân thực hiện các quy ước về thực hiện nếp sống văn hóa, đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng, chống tệ nạn xã hội.

Nhờ phát huy tốt vai trò của Ban CTMT, thôn Cao Lý đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, nâng cao ý thức tự giác của người dân trong xây dựng đời sống văn hóa. Từ nhiều năm nay, thôn luôn duy trì và giữ vững danh hiệu làng văn hóa. Số gia đình được công nhận gia đình văn hóa hàng năm đạt trên 95%, tình hình trật tự an ninh luôn được giữ vững và ổn định, cuộc sống của bà con trong thôn ngày càng được nâng lên.

Bà Đỗ Thị Thủy - Trưởng ban CTMT thôn Cao Lý cho biết, để có được kết quả đó, Ban CTMT vận động các gia đình ở rìa làng hiến đất, hiến công. Nhờ vậy, đến nay đường làng, ngõ xóm ngày một khang trang, sạch đẹp.

Còn nhớ trước đây, đường làng chỉ rộng khoảng hơn 2m, các phương tiện đi lại khó khăn, hàng hóa bà con nhân dân làm ra ứ đọng vì giao thông đi lại khó khăn nhưng đến nay những hạn chế đó đã được khắc phục. Những tuyến đường bê tông nối dài từng ngõ xóm, nối với cánh đồng liên thôn và liên xã, tạo thuận lợi cho các phương tiện đi lại.

Không chỉ xã Cao Thắng mà xã An Lâm cũng là xã đầu tiên của huyện Nam Sách được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2014. Từ đó đến nay, Đảng ủy - UBND xã An Lâm đã tập trung chỉ đạo, đồng hành cùng người dân nâng cao các tiêu chí, hướng tới trở thành xã NTM kiểu mẫu.

Những năm gầy đây, xã An Lâm đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp đường trục xã cũng như đường thôn, xóm rộng từ 5 -7m. Để huy động sự vào cuộc của người dân, Ủy ban MTTQ xã, Ban CTMT các thôn đã phối hợp với các chi hội, đoàn thể và các tổ liên gia vận động bà con trong thôn, xóm đóng góp cùng thực hiện.

Khi xã, thôn có chủ trương bê tông hóa đường giao thông nông thôn, Ban CTMT đến từng nhà vận động bà con hiến đất, đóng góp tiền để làm đường. Do thực hiện nghiêm quy chế dân chủ ở cơ sở, tập trung huy động sức dân nên việc làm đường ở An Lâm được người dân đồng tình ủng hộ.

Ông Nguyễn Văn Tuyên - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã An Lâm, huyện Nam Sách cho biết, MTTQ đã thực hiện nghiêm quy chế dân chủ ở cơ sở đó là dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi. Đưa lực lượng giám sát của nhân dân trực tiếp tham gia giám sát, tham gia công việc nên bà con nhân dân đồng thuận rất cao, nhất là việc tham gia lấy phiếu đánh giá sự hài lòng của người dân trong xây dựng NTM.

“Để xây dựng môi trường, cảnh quan xanh - sạch - đẹp, MTTQ và các thành viên đã làm tốt việc tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân phân loại rác thải tại gia đình, đưa rác thải ra nơi tập kết đúng ngày giờ theo quy định.

Bên cạnh đó, MTTQ phối hợp với UBND, các ngành đoàn thể đã đôn đốc thôn xóm, chi hội duy trì tổng vệ sinh môi trường, khơi thông dòng chảy, phát quang bụi rậm, trồng cây xanh, trồng đường hoa, qua đó tạo sức lan tỏa, từng bước nâng cao trách nhiệm, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng NTM nâng cao, thôn xóm kiểu mẫu; người dân ngày càng có ý thức bảo vệ môi trường”, ông Tuyên chia sẻ.

Từ những nỗ lực của đội ngũ cán bộ cơ sở đã cùng với địa phương thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, nhất là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Qua đó, đã tạo ra nếp sống mới, văn minh, lành mạnh, thiết thực, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh có 178 xã đạt chuẩn NTM, 43 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 4 xã đạt NTM kiểu mẫu; 12 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn NTM hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; toàn tỉnh Hải Dương đã được Chính phủ công nhận hoàn thành xây dựng NTM năm 2020.

Chia sẻ quá trình xây dựng NTM tại địa phương, ông Nguyễn Mạnh Toàn - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Bình Giang cho biết, để tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng NTM thì cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, Đảng viên và nhân dân về chủ trương, mục đích, chương trình, mục tiêu xây dựng NTM để từ đó giúp cho cán bộ, Đảng viên và nhân dân hiểu đúng, hiểu đủ về nhiệm vụ xây dựng NTM và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội; trong đó người dân là chủ thể trực tiếp tham gia thực hiện và hưởng thụ.

Từ đó, tạo được sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân trong việc chung tay xây dựng NTM. Để làm được điều đó thì việc quy hoạch phải đi trước một bước vì đây là cơ sở để xây dựng kế hoạch dài hạn, trung hạn và là xương sống định hình chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa hàng năm.

Từ thực tế cho thấy để công tác Mặt trận đạt hiệu quả MTTQ các cấp phải thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động một cách linh hoạt với phương châm hướng về cơ sở và gần dân thì những lợi thế trong tuyên truyền, vận động sẽ được phát huy và những khó khăn sẽ dần được khắc phục. Từ đó, vai trò của Mặt trận sẽ ngày càng được củng cố trong lòng nhân dân.

PHƯƠNG NGUYÊN