Chung tay xây dựng nhà ở cho người nghèo

(Mặt trận) -Bằng nhiều hình thức vận động và việc làm thiết thực, tỉnh Yên Bái đã huy động mọi nguồn lực của toàn xã hội, chung tay giúp đỡ, xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo an cư, vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Thái Nguyên dồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát

Phước Đông: Quyết tâm xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu

Quảng Trị: Đẩy mạnh huy động nguồn lực chăm lo cho người nghèo

 Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Yên Bái trao tiền hỗ trợ xây dựng “Nhà đại đoàn kết” cho hộ nghèo tại thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái).

Chăm lo nhà ở cho người nghèo 

Ông Tạ Văn Long, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái cho biết, hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh trực tiếp giúp đỡ một số hộ nghèo tại các xã vùng cao đặc biệt khó khăn, trong đó trọng tâm là việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở giúp hộ nghèo an cư. Nhờ đó, các địa phương trong tỉnh từng bước xóa bỏ được tình trạng nhà ở tạm bợ, dột nát, nhiều địa phương đã hoàn thành tiêu chí nhà ở theo Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Tại huyện vùng cao đặc biệt khó khăn Mù Cang Chải, theo rà soát từ đầu năm 2022, toàn huyện còn trên 690 nhà tạm, nhà dột nát cần được sửa chữa, nâng cấp. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong đó ngân sách Nhà nước làm nguồn lực chính. Đến thời điểm này, huyện Mù Cang Chải đã xây mới được 168 ngôi nhà, đạt tiêu chí "3 cứng", đó là cứng nền, cứng khung và cứng mái, đảm bảo tuổi thọ ngôi nhà từ 20 năm trở lên.

Theo ông Lê Trọng Khang, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, huyện đã sớm chỉ đạo các xã, thị trấn họp dân rà soát, phân loại, chọn đúng đối tượng để hỗ trợ phù hợp, hiệu quả, ưu tiên các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đơn thân, gia đình chính sách. Đồng thời, huyện chủ động các phương án hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, kết hợp với nguồn xã hội hóa để đảm bảo hoàn thành kế hoạch đề ra.

Ghi nhận phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát tại huyện Yên Bình, qua giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái cho thấy, các đối tượng khó khăn về nhà ở đều được cơ quan, đoàn thể các cấp và doanh nghiệp nhận giúp đỡ toàn bộ ngôi nhà hoặc hỗ trợ một phần, dưới nhiều hình thức như kinh phí, vật liệu xây dựng, nhân công lao động, phương tiện máy móc... Đây là địa phương điển hình về xóa nhà tạm, góp phần đưa huyện Yên Bình trở thành huyện đạt tiêu chí nông thôn mới về nhà ở.

Bí thư Huyện ủy Yên Bình An Hoàng Linh thông tin, với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau”, hàng nghìn ngôi nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, mái ấm công đoàn... được xây dựng trên địa bàn. Riêng năm 2022, trên toàn huyện có 270 trường hợp được hỗ trợ làm nhà mới và sửa chữa nhà, trong đó làm mới 250 nhà, sửa chữa 20 nhà, với tổng kinh phí hơn 38 tỷ đồng.

Đặc biệt, cuối tháng 11 vừa qua, tỉnh Yên Bái phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo Mù Cang Chải, Trạm Tấu, giai đoạn 2022-2025. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ 673 hộ nghèo, cận nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, với tổng nguồn vốn 23,65 tỷ đồng. Trong đó, huyện Mù Cang Chải có 493 hộ; huyện Trạm Tấu có 180 hộ.

Lan tỏa nghĩa cử cao đẹp

Bên cạnh sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, nhà hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ người nghèo.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2018-2022, tỉnh hỗ trợ làm được 6.225 nhà ở cho người nghèo, người có công với cách mạng với tổng kinh phí trên 400 tỷ đồng, trong đó nguồn xã hội hóa đạt hơn 135 tỷ đồng. Việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo được triển khai bảo đảm chất lượng, công khai và thực hiện bàn giao, quyết toán theo đúng quy định.

Tiêu biểu như phong trào hỗ trợ xây dựng nhà "Mái ấm công đoàn” do Liên đoàn Lao động tỉnh Yên Bái phát động. Mỗi năm, hàng trăm ngôi nhà mới được các cấp Công đoàn hỗ trợ xây dựng và trao tặng cho đoàn viên, người lao động. Mức hỗ trợ được duy trì từ năm 2020 đến nay là 30 triệu đồng cho mỗi ngôi nhà; toàn bộ số tiền vận động từ các tổ chức công đoàn của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Chương Phát, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Yên Bái cho biết, đây là hoạt động thường xuyên, trở thành truyền thống tốt đẹp, có ý nghĩa thiết thực và mang tính nhân văn sâu sắc của tổ chức Công đoàn các cấp, nhằm giúp đỡ đoàn viên của mình gặp khó khăn về nhà ở. Công đoàn cơ sở đều đảm nhận giúp đỡ một đến hai trường hợp mỗi năm.

Từ năm 2020 đến nay, Ban vận động Quỹ "Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh Yên Bái đã tổ chức phát động quyên góp từ các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh được 87,4 tỷ đồng. Nguồn Quỹ này đã làm mới và sửa chữa gần 2.300 ngôi nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, góp phần tích cực thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái Giàng A Tông chia sẻ, đến nay những người nghèo, người yếu thế trên địa bàn tỉnh Yên Bái cơ bản đã được tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội, trong đó có chính sách về nhà ở. Những ngôi nhà mới ấm áp nghĩa tình được cộng đồng chung tay xây dựng giúp người nghèo ổn định đời sống. Nhiều hộ sau khi được hỗ trợ xây dựng nhà ở, phát triển kinh tế đã vươn lên thoát nghèo.

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái, toàn tỉnh hiện có 4.200 hộ nghèo có nhu cầu về nhà. Bên cạnh việc nâng cao nhận thức, ý thức của mỗi hộ dân vươn lên thoát nghèo, tự xóa nhà tạm cho mình, tỉnh Yên Bái tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách của Đảng, Nhà nước về xóa nhà tạm, nhà dột nát; tập trung huy động các nguồn lực xã hội, tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ từ các doanh nghiệp, các tổ chức từ thiện cho công tác xóa nhà tạm, góp phần đảm bảo mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Tiến Khánh