(Mặt trận) -Phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái biển, đảo là chủ trương của huyện đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) từ khi thành lập đến nay. Trong đó, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề cấp bách, quan trọng hàng đầu nhằm góp phần xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch, đảo văn hóa, đảo an toàn và là “Hòn ngọc giữa Biển Đông” trong tương lai gần.
|
Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường đã gắn biển mô hình đảo xanh, giảm thiểu rác thải nhựa tại đảo Cồn Cỏ - Ảnh: H.T |
Cồn Cỏ nằm trong khu vực biển có hệ tài nguyên đa dạng và phong phú với diện tích khoảng 9.000 km2. Đây là khu vực hội tụ của các loài hải sản Bắc và Nam vịnh Bắc Bộ, tại đây đã thống kê được 224 loài cá biển khơi trong tổng số 960 loài cá phân bố ở vịnh Bắc Bộ với các loài có giá trị cao như cá mú, cá ngừ, cua, ghẹ, mực, tôm hùm...
Ngoài ra còn có 113 loài san hô cứng, 56 loài rong biển, 46 loài động vật vây, 20 loài giáp xác, 87 loài cá rạn san hô, loài thực vật phù du và các loài quý hiếm như cá heo, một họ vích (chelonidae), một họ quân đồng và một họ rùa da (dermochelyidae). Cồn Cỏ cũng hội tụ đầy đủ các hệ sinh thái trên biển của một vùng biển nhiệt đới với tính đa dạng sinh học cao và còn tương đối nguyên vẹn so với các vùng biển khác của Việt Nam. Rạn san hô ở Cồn Cỏ được đánh giá là đang trong tình trạng rất tốt, độ phủ cao, đa dạng về thành phần loài và còn tương đối nguyên vẹn.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ Trương Khắc Trưởng, thời gian qua, huyện đảo luôn coi công tác giữ gìn môi trường biển trong sạch, xây dựng đảo xanh, sạch, đẹp là một nhiệm vụ cấp thiết. Theo đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy, phối hợp với UBND huyện và các đơn vị liên quan phát động các phong trào chung tay bảo vệ môi trường.
Sau một thời gian phát động đã khẳng định cách làm đồng bộ, sáng tạo, không chỉ góp phần giữ gìn môi trường biển, đảo mà còn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân, gắn kết được trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong việc chung tay xây dựng huyện đảo văn minh, xanh, sạch, đẹp. UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã triển khai kế hoạch thành lập khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan đảo Cồn Cỏ, vừa phục vụ mục tiêu bảo vệ hệ sinh thái rừng - biển, vừa phục vụ lợi ích cộng đồng địa phương thông qua việc khai thác hợp lý các sản phẩm tự nhiên từ rừng và dịch vụ du lịch sinh thái, vừa đáp ứng các yêu cầu đảm bảo về quốc phòng, an ninh.
Năm 2024, UBND huyện đảo Cồn Cỏ đã xây dựng kế hoạch hành động về quản lý chất thải nhựa trên địa bàn huyện đảo Cồn Cỏ năm 2024 và tầm nhìn đến năm 2030. Với mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức và cải thiện kỹ năng quản lý chất thải rắn tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa của cộng đồng, doanh nghiệp và hướng tới xây dựng “Cồn Cỏ - đảo xanh không ô nhiễm trắng” vào năm 2030. Đồng thời từng bước cải thiện hiệu quả hoạt động quản lý chất thải rắn trên đảo, hạn chế thất thoát chất thải rắn và rác thải nhựa ra môi trường và đại dương.
Đẩy mạnh các hoạt động thu hồi, tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa, thiết lập vòng đời mới cho rác thải nhựa đại dương. Đặc biệt, khối Mặt trận đoàn thể và UBND huyện đã phối hợp để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giám sát việc thực hiện bảo vệ tài nguyên môi trường thông qua nhiều mô hình mới, hiệu quả như: trồng và đặt những chậu hoa giấy nhiều màu sắc dọc các trục đường chính của đảo; thực hiện mô hình bờ biển tự quản; đồng loạt ra quân làm sạch biển...
Cùng với đó, huyện đảo đã phát động xây dựng mô hình chống rác thải nhựa với các hoạt động thiết thực như ký kết mô hình chống rác thải nhựa giữa Sở Tài nguyên và Môi trường, huyện đảo Cồn Cỏ, các đơn vị lữ hành du lịch hoạt động tại đảo; phát động quân dân thu gom rác thải nhựa và vệ sinh trên đảo; tập huấn chống rác thải nhựa cho cán bộ, chiến sĩ và người dân; thả con giống bổ sung nguồn lợi hải sản ở Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ...
Vừa qua, tại Hội nghị phổ biến mô hình giảm thiểu chất thải nhựa, phân loại chất thải rắn tại nguồn, phát huy các mô hình sẵn có, điển hình tại Việt Nam được tổ chức tại đảo Cồn Cỏ, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường Cao Minh Tuấn đã đánh giá cao những mô hình bảo vệ môi trường đã triển khai tại huyện đảo và đề nghị chính quyền, người dân, các sở, ngành, đơn vị, tổ chức liên quan tiếp tục phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm chung tay giữ gìn màu xanh và sự trong lành của biển, đảo quê hương, trong đó tập trung vào việc giảm chất thải nhựa, tiến hành phân loại chất thải rắn tại nguồn.
Thực hiện tốt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ; Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường.
Đặc biệt là ưu tiên sử dụng công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, ít tiêu hao năng lượng, hạn chế sử dụng các nguồn nguyên liệu có phát sinh chất thải, gây ô nhiễm môi trường, nhất là các sản phẩm nhựa dùng một lần; thực hiện thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên biển nhằm bảo vệ và giữ gìn tài nguyên, môi trường biển, đảo vì mục tiêu phát triển bền vững...
Hà Trang