Chung sức, đồng lòng giúp người nghèo, người yếu thế

(Mặt trận) - Mỗi tấm lòng nhân ái, mỗi sự sẻ chia của từng cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp tham gia đóng góp ủng hộ người nghèo đều là những chiếc khóa mở ra cánh cửa hy vọng cho họ, để người nghèo, người yếu thế có cơ hội được yên ấm và có cuộc sống tốt hơn.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

 

Ngày 17/10/2000-17/10/2020, tròn 20 năm Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động cuộc vận động "Ngày vì người nghèo" đầy ý nghĩa, ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã trả lời báo chí về những kết quả của cuộc vận động đã góp phần thiết thực chăm lo cho người nghèo, đóng góp vào sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đóng góp vào thành tựu chung của đất nước.

Tròn 20 năm Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động cuộc vận động "Ngày vì người nghèo". Xin ông cho biết những kết quả nổi bật?

Ông Trần Thanh Mẫn: Với trách nhiệm, tình cảm và truyền thống đoàn kết, đạo lý “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các cấp, các ngành luôn quan tâm, chăm lo đối với người nghèo, người gặp khó khăn trong cuộc sống. Chủ trương vận động ủng hộ người nghèo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhằm huy động mọi nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình… trong và ngoài nước chung tay chăm lo giúp đỡ cho người nghèo, vùng nghèo, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững của đất nước.

Qua đó, tăng cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong thời kỳ mới. Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng đó, 20 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã nỗ lực phấn đấu, tích cực phối hợp triển khai một cách sâu rộng và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Từ khi phát động đến nay, Quỹ “Vì người nghèo” 4 cấp vận động và tiếp nhận được trên 16.000 tỷ đồng; vận động các nguồn lực ủng hộ trực tiếp cho chương trình an sinh xã hội ở các địa phương được hơn 46.000 tỷ đồng. Hỗ trợ xây dựng, sửa chữa hơn 1.500.000 căn nhà Đại đoàn kết, hàng triệu lượt người nghèo được giúp đỡ về vốn, tư liệu sản xuất; giúp đỡ cộng đồng hàng ngàn công trình dân sinh.

Đặc biệt, hưởng ứng phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" do Thủ tướng Chính phủ phát động, từ năm 2017 đến nay, Ban Thường trực phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia tổ chức Chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo". Qua gần 04 năm ủng hộ qua Quỹ “Vì người nghèo” 4 cấp và an sinh xã hội với số tiền hơn 16.000 tỷ đồng, trong đó: Quỹ “Vì người nghèo” 04 cấp vận động được hơn 4.000 tỷ đồng; ủng hộ an sinh xã hội hơn 12.000 tỷ đồng.

Từ kết quả trên, các hộ nghèo đã có thêm điều kiện để từng bước ổn định cuộc sống, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Khơi dậy tinh thần đoàn kết, nhân ái, nhân văn, tình làng, nghĩa xóm ở cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Nhân dịp này, Thay mặt Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tôi trân trọng ghi nhận sự quan tâm, ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong suốt thời gian qua; đồng thời ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao MTTQ các địa phương, các tổ chức thành viên đã thường xuyên phối hợp, kịp thời hưởng ứng thực hiện hiệu quả ngay trong 20 năm qua.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn thăm hỏi động viên bà con lũ lụt tại xã Nậm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, tháng 8/2017 

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện cuộc vận động vẫn còn những hạn chế, cần quan tâm, khắc phục. Thưa ông đó là những hạn chế gì?

Ông Trần Thanh Mẫn: Đặc thù đất nước ta nằm trong vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu, bão lụt, hạn hán, xâm nhập mặn...; mỗi cơn bão, lũ đi qua là nhiều nhà cửa, tài sản bị cuốn trôi, số hộ nghèo đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn, nhiều hộ thoát nghèo nay có thể tái nghèo. Ngay tại thời điểm này, nhiều địa phương do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa lũ tiếp tục gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân. 

Băn khoăn, trăn trở của hệ thống chính trị, toàn xã hội và cá nhân tôi chính là về tỉ lệ tái nghèo cao, số hộ nghèo phát sinh lớn, nhất là các tỉnh miền núi Tây Bắc, miền núi Đông Bắc, Tây Nguyên... Hiện nay, mặc dù đã có sự chuyển động đáng kể, song ở  một số nơi, sự vào cuộc chưa đồng bộ của cả hệ thống chính trị và nhân dân nên hiệu quả đạt được chưa được như mong đợi. Thực tế cho thấy nguồn lực còn phân tán; công tác phối hợp chưa chặt chẽ, hiệu quả. Bên cạnh đó, chưa có giải pháp thực sự hiệu quả trong cách vận động, giúp đỡ… để người dân thoát nghèo bền vững; chưa thật sự tập trung nguồn lực cho các địa phương miền núi, có đông đồng bào dân tộc.

Hiện nay, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hộ nghèo, khó khăn, thiếu thốn; trong khi tỉ lệ hộ nghèo của cả nước là 3,75%, tỉ lệ hộ cận nghèo là 4,45% thì miền núi Tây Bắc tỉ lệ hộ nghèo là 20,4%, tỉ lệ hộ cận nghèo là 11,52%; miền núi Đông Bắc và các tỉnh khu vực Tây Nguyên, tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng cao hơn nhiều so với cả nước.

Thực tế cuộc sống ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang đòi hỏi cơ chế, chính sách phù hợp để giúp đồng bào biến thách thức thành cơ hội thông qua việc nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động chuyển đổi cơ cấu lao động, đa dạng hóa các loại hình sinh kế nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Tới đây Mặt trận sẽ chú trọng tham gia triển khai thực hiện và giám sát quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 88 ngày 18/11/2019 của Quốc hội “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” và Quyết định số 1409 ngày 15/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai Nghị quyết.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trao nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Phú Thọ, tháng 3/2019 

Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã triển khai tới các địa phương về đổi mới phương thức thực hiện như thế nào để thúc đẩy người nghèo thoát nghèo bền vững?

Ông Trần Thanh Mẫn: Các cấp Mặt trận hết sức coi trọng việc tuyên truyền để mọi người, mọi cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thấy rõ hơn nữa ý nghĩa nhân văn, nhân ái, ý nghĩa xã hội của công tác này. Đồng thời phổ biến để nhân dân chủ động ứng phó, thích nghi với điều kiện của đất nước, thường xuyên phải hứng chịu thiên tai, biến đổi khí hậu, bão lũ. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động để người nghèo quyết tâm tự vươn lên thoát nghèo, dành sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng cho những trường hợp còn khó khăn hơn. Nhiệm vụ cơ bản là vẫn tập trung nguồn lực làm nhà Đại đoàn kết để người nghèo có nhà ở, ổn định cuộc sống “Có an cư mới lạc nghiệp”. Đồng thời chú trọng việc giúp về kỹ năng lao động, tư liệu sản xuất; giúp con em được đi học, có kiến thức để nuôi trồng, sản xuất hiệu quả.

Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam tăng cường giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người nghèo, vùng nghèo; kịp thời đề xuất với Đảng, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và có các giải pháp, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng để ứng phó với biến đổi khí hậu. Lưu ý khắc phục những hạn chế tôi có nêu phần trên. Việc huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia công tác xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội luôn được Nhà nước quan tâm, khuyến khích, bởi góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, tăng tính chủ động của các địa phương. Tuy nhiên, chủ trương đúng đắn này phải được thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng để bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, củng cố niềm tin trong xã hội.

 Để tiếp tục vận động ủng hộ người nghèo và an sinh xã hội, tới đây MTTQ hướng vào các nhiệm vụ trọng tâm nào, nhất là vai trò tiên phong của các doanh nghiệp, doanh nhân?

Ông Trần Thanh Mẫn: Tới đây, MTTQ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và những hình thức tuyên truyền phù hợp để nâng cao nhận thức về ý nghĩa và hiệu quả mà cuộc vận động đã đạt được; những kinh nghiệm tốt, cách làm hay, những tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình ủng hộ xây dựng quỹ, tuyên truyền tinh thần vượt khó, ý chí tự lực, tự cường của các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.

Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, phương thức vận động, cơ chế ủng hộ; nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ vì người nghèo nhằm thu hút ngày càng cao sự hưởng ứng của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, tạo ra nguồn lực trực tiếp chăm lo, giúp đỡ người nghèo, hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Phát huy vai trò các tổ chức thành viên của mặt trận, hướng dẫn đoàn viên, hội viên tích cực hưởng ứng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" theo hướng phân công rõ việc, rõ người trong mỗi đoàn thể, mỗi chi hội, chi đoàn.

Tiếp tục duy trì thực hiện tốt tháng cao điểm vì người nghèo hàng năm. Phối hợp chặt chẽ với ngành Lao động-Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện và giám sát việc thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo. Rà soát, xác định hộ nghèo, phân loại nguyên nhân nghèo của từng gia đình để có hình thức hỗ trợ phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, có địa chỉ cụ thể, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót.

Quản lý tốt và sử dụng có hiệu quả nguồn quỹ vì người nghèo. Bên cạnh việc hỗ trợ xây dựng nhà ở, cần dành ưu tiên để đầu tư hỗ trợ về vốn và tạo điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho hộ nghèo nhằm giúp đỡ họ nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. MTTQ các cấp chủ động tiến hành kiểm tra, giám sát về công tác vận động, xây dựng, quản lý quỹ vì người nghèo, bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch, tạo niềm tin của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân đối với quỹ.

Phải khẳng định, nguồn vận động trong những năm qua chủ yếu từ các doanh nghiệp, doanh nhân, những mạnh thường quân, nhà hảo tâm có tâm huyết, trách nhiệm với công tác giảm nghèo, an sinh xã hội. Đây là lực lượng nòng cốt trong việc hỗ trợ người nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Doanh nghiệp có phát triển mạnh mẽ mới có nguồn lực để xây dựng đất nước giàu mạnh và đồng hành cùng Mặt trận giúp đỡ người nghèo. Coi đó là công việc thường xuyên, tạo nét văn hóa, nhân văn của doanh nghiệp.

Mặt trận các cấp cần có quyết tâm cao hơn, tăng cường hơn nữa công tác vận động và đổi mới phương thức vận động, đổi mới cơ chế ủng hộ để phát huy sức mạnh tổng hợp từ các tổ chức thành viên, các tập đoàn, các tổng công ty, các doanh nghiệp trong nước đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam...

Mặt trận có trách nhiệm thông tin rộng rãi, đầy đủ hơn về kết quả ủng hộ để các doanh nghiệp thấy được ý nghĩa hiệu quả từ sự ủng hộ của mình. Đặc biệt chúng tôi coi trọng và tuân thủ chặt chẽ, nghiêm túc cơ chế công khai, minh bạch việc quản lý, sử dụng Quỹ để người dân ủng hộ tin tưởng vào sự quản lý, phân bổ kịp thời, hiệu quả của MTTQ Việt Nam.