Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh Trần Nhật Tân: “Ngôi nhà trí tuệ” - Kết tinh của tinh thần đoàn kết

(Mặt trận) - Tại tỉnh Hà Tĩnh, mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” tích hợp trong “Nhà văn hóa cộng đồng” đã và đang khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong việc làm thay đổi thiết chế văn hóa cơ sở, là "nơi" để phát triển con người theo hướng hiện đại. Nơi đây còn là địa điểm họp bàn việc làng, việc nước, từ đó cấp ủy, chính quyền đưa ra các quyết sách trên cơ sở nguyện vọng, phù hợp lòng dân. Để làm rõ hơn về ý nghĩa của mô hình, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh Trần Nhật Tân đã chia sẻ với báo chí về nội dung này.

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thanh Hóa: Hỗ trợ người nghèo “an cư” đón tết

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh Trần Nhật Tân  

Phóng viên: Thưa ông Trần Nhật Tân, mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” tích hợp trong “Nhà văn hóa cộng đồng” là sáng kiến của Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh. Mô hình này đã và đang có sức lan tỏa như thế nào ở Hà Tĩnh?  

Ông Trần Nhật Tân: Sau khi Ban Chỉ đạo 22 của tỉnh Hà Tĩnh tích cực kêu gọi xây dựng các “Nhà văn hóa cộng đồng” kết hợp về tránh trú bão lũ trên địa bàn Hà Tĩnh góp phần giúp người dân vùng lũ chủ động phòng tránh thiên tai, bão lũ… Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh đã nghiên cứu các mô hình giúp cho các “Nhà văn hóa cộng đồng” kết hợp tránh trú bão lũ hoạt động thực sự thiết thực, hiệu quả và gần gũi với người dân. Chúng tôi mạnh dạn áp dụng mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” vào các “Nhà văn hóa cộng đồng” kết hợp tránh trú bão lũ.

Sau khi thực hiện được 2 năm, mô hình này bước đầu đã khẳng định được hiệu quả, được đông đảo người dân ở các khu vực nông thôn đồng tình ủng hộ và thành một nơi sinh hoạt thiết thực của người dân hằng ngày. Từ đó, rất nhiều huyện, thị, thành phố và cả cộng đồng dân cư nghiên cứu để đăng ký thực hiện mô hình này tại khu dân cư của mình. Đến nay thì đã có 94 mô hình trên địa bàn tỉnh. Dự kiến năm 2023 sẽ có khoảng thêm 60 mô hình.

Chúng tôi cũng đã suy nghĩ đến phát huy công năng của các thiết chế văn hóa tại các nhà văn hóa cộng đồng theo tiêu chí nông thôn mới. Từ đó đề xuất với Ban chỉ đạo nông thôn mới của tỉnh Hà Tĩnh nghiên cứu đưa mô hình này vào thành tiêu chí xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, từ đó phát huy hiệu quả một cách tối đa “Nhà văn hóa cộng đồng” được xây dựng trong thời gian qua.

Đại biểu tham quan mô hình "Ngôi nhà trí tuệ" 

Phóng viên: Những hoạt động trong “Ngôi nhà trí tuệ” đã và đang giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa dân gian, vừa là “nơi” để phát triển con người theo hướng hiện đại như thế nào? Thưa ông?                                                      

Ông Trần Nhật Tân: Trong các hoạt động của mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” hiện nay, chúng tôi hướng dẫn cho các thôn, xóm, ban chủ nhiệm “Ngôi nhà trí tuệ” ở các thôn lồng ghép các hoạt động văn hóa, giáo dục, thể thao, thông qua các câu lạc bộ như: câu lạc bộ dân ca ví dặm, câu lạc bộ dân vũ, các hoạt động thể thao… Các câu lạc bộ này giúp người dân, từ người già đến trẻ em giảm bớt các tác động tiêu cực của mạng xã hội hay các thiết bị nghe nhìn hiện đại và giúp cho người dân có điều kiện để học hỏi thêm qua các tủ sách với những cuốn sách rất có giá trị được lựa chọn cẩn thận tại “Ngôi nhà trí tuệ” hoặc ôn lại lịch sử truyền thống của mảnh đất, con người nơi mình sinh sống, để sau này các cháu lớn lên, trưởng thành thì nhớ về quê hương, các trò chơi dân gian, nghe kể lại lịch sử ôn lại càng giá trị văn hóa truyền thống, từ đó được phát huy, giữ gìn và thậm chí là còn nhân rộng.

Ngoài ra, chúng tôi cũng liên tục đón các đoàn tình nguyện viên về để được giao lưu tiếng Anh, học hỏi các kiến thức mới, kể cả các kiến thức khoa học kỹ thuật và những ý kiến thức không được giảng dạy trong trường học về kỹ năng sống, giáo dục về đạo đức, lối sống, để gắn kết tình làng nghĩa xóm. Mô hình này từ người già, bố mẹ, các cháu có thể cùng sinh hoạt thông quá nhiều câu lạc bộ khác nhau. Đây là một nét mới của mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” mà hiện nay chúng tôi đang cố gắng phát huy giá trị tốt đẹp để đưa vào trong tiêu chí nông thôn mới và phát huy các thiết chế văn hóa hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

 Những hoạt động ý nghĩa tại "Ngôi nhà trí tuệ"

Phóng viên: Nhưng trên hết, “Ngôi nhà trí tuệ” là “ngôi nhà chung” để tăng cường tình làng nghĩa xóm, yêu thương, thắm đượm tình đoàn kết? Thưa ông?                          

Ông Trần Nhật Tân: Mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” bản chất là mô hình đại đoàn kết, một ngôi nhà chung để tăng cường đoàn kết trong cộng đồng dân cư, để giúp người dân yêu thương lẫn nhau, tình làng nghĩa xóm, cộng đồng ngày càng được gắn chặt và đó cũng chính là mục tiêu quan trọng nhất mà mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” hướng đến. Các hoạt động từ văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian, các trò chơi trẻ em, những buổi giao lưu, gặp mặt, học tập kinh nghiệm vụ khoa học kỹ thuật và thậm chí các buổi sinh hoạt tư tưởng trong cộng đồng dân cư cũng được triển khai một cách khéo léo trong mô hình này. Các câu lạc bộ hoạt động được ổn định góp phần tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt các chủ trương Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc.

Từ đó không khí trong xóm làng vui tươi, hòa thuận, thắm đượm tình làng nghĩa xóm và tiếp tục củng cố, thắt chặt được khối đại đoàn kết ngay từ khu dân cư và từ đó góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đặt ra.

 

Phóng viên: Có thể thấy, nơi đây còn là địa điểm họp bàn việc làng, việc nước, đoàn kết, kịp thời xử lý những vấn đề mới phát sinh. Việc phát triển những mô hình này có ý nghĩa như thế nào trong xây dựng khu dân cư đoàn kết, bình yên? Thưa ông?

Ông Trần Nhật Tân: Hiện nay ở khu dân cư rất nhiều các hoạt động của người dân, nhiều việc người dân rất đồng tình, song song với đó có một số việc chưa hẳn người dân đồng tình. Bởi vì có những việc người dân chưa thực sự hiểu và cũng không có người giải thích một cách cặn kẽ. Từ việc không hiểu một cách cặn kẽ thì rất dễ phát sinh ra những vụ việc ngay từ thôn xóm.

Môi hình “Ngôi nhà trí tuệ”, thông qua các sinh hoạt cộng đồng, gắn với các câu lạc bộ thì người dân hiểu nhau, những vấn đề mà trong cuộc sống thường ngày, trong quan hệ gia đình làng xóm, hay những vướng mắc của người dân với chính quyền được phản ánh, được bàn luận một cách sớm nhất tại đây.

Từ đó các Chủ nhiệm câu lạc bộ và cán bộ thôn xóm sớm nhận được thông tin. Những vấn đề tiêu cực từ khi phát hiện sớm thì chắc chắn sẽ được ngăn chặn kịp thời, tuyên truyền, thuyết phục để người dân hiểu được những việc nào là đúng, việc nào chưa đúng, để tìm được hướng đi tốt nhất, đảm bảo được đúng các quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động này thì việc làm tốt, các điển hình tiên tiến cũng nhận ra được và từ đó nhân rộng các mô hình. Khi nhân rộng, những người dân trong khu dân cư thấy thực sự hiệu quả sẽ được lan tỏa lan tỏa, góp phần ngăn ngừa tiêu cực. Bên cạnh đó, mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” có đầy đủ các hoạt động liên quan đến đọc sách, thông tin, trao đổi, liên quan đến pháp luật, liên quan đến cơ chế, chính sách.

Từ đó cán bộ Mặt trận, hay cán bộ thôn xóm tìm được lời giải cho những khúc mắc người dân còn băn khoăn. Khi lời giải trả lời một cách đầy đủ, tâm tư nguyện vọng của người dân được giải thích một cách chính đáng, đầy đủ thì tôi tin rằng những tiêu cực ngay từ ban đầu buổi phát sinh có thể ngăn ngừa được. Từ đó là đảm bảo được mối đại đoàn kết ở khu dân cư và bình yên tại các thôn, xóm.

 

Phóng viên: Vâng, từ thực tế nhiều mô hình cho thấy, mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải thật sự xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Phải lấy chất lượng cuộc sống, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng? Từ thực tế triển khai mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” ông có kiến nghị gì để các quyết sách thực sự là "quyết sách lòng dân"?

Ông Trần Nhật Tân: Để góp phần cho phát triển kinh tế xã hội, chúng tôi đánh giá việc trước mắt phải có sự đồng thuận của người dân. Các quyết sách, cơ chế chính sách đưa ra phải phù hợp với nguyện vọng cho sự phát triển của người dân và doanh nghiệp là yêu cầu bắt buộc trong việc đưa ra các quyết sách, cơ chế, chính sách. Quyết sách của lòng dân xuất phát từ lợi ích nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Thông qua mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” chúng tôi nắm được những việc mà người dân đang cần, đưa lại lợi ích chính đáng của người dân.

Qua đó cấp ủy, chính quyền đưa ra quyết sách trên cơ sở nguyện vọng, phù hợp với lòng dân. Khi ban hành cơ chế, chính sách mà quyết sách sách có đúng là “quyết sách lòng dân hay không” thì cũng nhìn vào câu chuyện người dân giám sát quá trình thực hiện. Khi người dân giám sát thì chắc chắn công việc sẽ đi theo hướng tốt, tích cực, hạn chế đến mức tối đa các tiêu cực, các vấn đề vấn đề không phù hợp, đề từ đó mọi chính sách đưa ra phù hợp với người dân. Đó là “quyết sách lòng dân”./.

Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông!