Câu chuyện thoát nghèo từ cây dong của người cán bộ Mặt trận xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông

(Mặt trận) -Sinh ra và lớn lên tại bản Háng Trợ, xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, anh Vàng A Sùng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Pu Nhi hiểu rõ cuộc sống nhọc nhằn và những vất vả khó khăn của người dân nơi rẻo đất vùng cao quê hương mình. Những năm trước đây, bản của Sùng hay xã Pu Nhi nói chung là một trong những điểm nóng về tệ nạn ma túy và an ninh trật tự, cái nghèo, cái đói cũng theo đó mà xâm lấn vào cuộc sống của bà con người Mông đã định cư hàng trăm năm ở đây.

Lâm Đồng: Đồng bào dân tộc thiểu số vui mừng đón Xuân trong nhà mới

Xuân ấm trong những ngôi nhà mới

Phù Yên chăm lo Tết cho hộ nghèo

 

May mắn hơn nhiều bạn cùng trang lứa, Sùng được gia đình tạo điều kiện đi học trường Cao đẳng Tài chính Kế toán, từ những kiến thức được tiếp thu trên ghế nhà trường, sau khi tốt nghiệp, chàng trai trẻ người Mông tích cực áp dụng vào chăn nuôi, tăng gia sản xuất. Còn đang băn khoăn tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế hộ gia đình, tình cờ vào năm 2015, Sùng biết được ở xã Nà Tấu, huyện Điện Biên có doanh nghiệp thu mua, chế biến củ dong, anh đã đến tận nơi xem và nghĩ rằng mô hình trồng dong có thể thực hiện được tại địa phương mình, Sùng quyết định bắt tay trồng dong, loại cây mà chưa ai trồng trong bản. Nhớ lại ngày bắt đầu trồng dong, Sùng nói: “mọi người nhìn thấy em trồng chẳng ai tin là cây này lại có thể bán được cả”. Ngay trong năm đầu tiên, Sùng thu về 20 triệu tiền lãi nhờ bán củ dong. Không có gì thực tế hơn là nhìn vào hiệu quả, Sùng đã kể cho người dân trong bản lợi ích của trồng dong, về số tiền mà anh có được nhờ trồng loại cây này. Vậy là từ những cây dong đầu tiên, cho đến nay đã có hơn 100 hộ dân bản Háng Trợ trồng dong. Nhận thấy tiềm năng lớn từ cây dong, xung quanh bản lại có đường bê tông thuận lợi, Sùng đã mạnh dạn đầu tư một chiếc xe tải cũ để chuyên thu mua và vận chuyển dong đi bán cho cơ sở chế biến tại xã Nà Tấu, huyện Điện Biên. Riêng trong năm 2019, cả bản Háng Trợ thu hoạch hơn 600 tấn dong và thu về gần 1 tỷ 500 triệu đồng. Theo ước tính, hộ trồng ít thu nhập 10-15 triệu đồng, hộ trồng nhiều thì từ 40-50 triệu cho mỗi vụ dong, bên cạnh việc nương rẫy, chăn nuôi truyền thống, thì đây là thu nhập không nhỏ từ trồng trọt đối với người dân trong bản, nhất là đối với các hộ nghèo, hộ khó khăn. Cũng nhờ có cây dong mà tính đến nay, trong bản đã có 3 hộ gia đình thoát nghèo.

 Tăng gia sản xuất kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt luôn là phương châm phát triển kinh tế hộ gia đình của anh Vàng A Sùng

Bên cạnh trồng dong, gia đình Sùng còn tích cực nuôi lợn và đào ao, thả cá, hiện nay gia đình có hơn chục con lợn và 5000 m2 ao nuôi cá trắm, cá chép. Tổng thu nhập từ kinh tế của gia đình trung bình một năm từ 100-150 triệu đồng, từ một người chỉ gắn bó với ruộng nương, nay Sùng và gia đình đã có mô hình phát triển kinh tế bền vững và nguồn vốn cho những dự tính trong tương lai.

Chăm chỉ lao động sản xuất nhưng Vàng A Sùng luôn sát sao với công tác Mặt trận, là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, anh luôn suy nghĩ làm sao để cho bà con nhân dân, đặc biệt là những hộ nghèo tiếp cận được với những chính sách thiết thực trong cuộc sống, điển hình như việc xây dựng công trình vệ sinh. Trong năm 2019, có 5 bản trong xã được Nhà nước hỗ trợ 70% tiền làm nhà vệ sinh (2.800.000 đồng/hộ, mẫu thiết kế nhà vệ sinh trị giá 4.000.000 đồng), một số hộ do điều kiện khó khăn nên đã từ chối không làm. Trước tình hình nhiều hộ dân còn đang băn khoăn, do dự, Sùng đã tích cực tuyên truyền, vận động và cam kết giúp đỡ bà con hoàn thành công trình vệ sinh theo đúng mẫu mà không phải bỏ thêm chi phí nào khác ngoài số tiền được hỗ trợ. Từ tháng 5 đến tháng 9 năm 2019, Sùng đã tích cực giúp đỡ xây dựng được 131 nhà vệ sinh cho các hộ nghèo trong xã (dùng xe của gia đình vận chuyển miễn phí gạch, xi măng, cát sỏi, sắt thép… tới từng hộ, hỗ trợ thêm cho một số hộ đặc biệt khó khăn về vật liệu, ngày công). Nhờ có sự giúp đỡ nhiệt tình của người cán bộ Mặt trận đầy tâm huyết mà chính sách của Nhà nước đã được triển khai đồng bộ và đóng góp kết quả tích cực vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tại địa phương.

 Anh Vàng A Sùng và đại diện hộ gia đình được hỗ trợ xây dựng công trình vệ sinh kiên cố vừa hoàn thành năm 2019

Với những đóng góp cụ thể đó, Vàng A Sùng được vinh dự là một trong những điển hình tiên tiến của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Điện Biên Đông tham dự Hội nghị điển hình tiên tiến MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên giai đoạn 2020 - 2025 và được nhận Bằng khen của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên. Đây là động lực, là nguồn động viên kịp thời để người cán bộ Mặt trận trẻ tuổi tiếp tục đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của địa phương, phát huy tính tiên phong, gương mẫu của người cán bộ Mặt trận.

Đức Cảnh