Cao Lãnh: Nhiều mô hình thiết thực đảm bảo cuộc sống người dân

(Mặt trận) -Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp hưởng không nhỏ đến hoạt động xã hội và cuộc sống của người dân. Nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều mô hình thiết thực.

Bảo Yên: Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc

Vai trò của MTTQ phường Tân Sơn trong xây dựng phường kiểu mẫu

Thạch An nỗ lực xóa nhà tạm, nhà dột nát

 Các tổ chức đoàn thể xã Tân Nghĩa (huyện Cao Lãnh) hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Đồng chí Lê Chí Thiện, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Cao Lãnh cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, cũng như thực hiện chỉ đạo về giãn cách xã hội hiện nay, từ ngày 14/7, huyện Cao Lãnh đã cho tạm dừng hoạt động các chợ truyền thống, các cửa hàng tiện lợi trên địa bàn.

Vì vậy, nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện đã chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều mô hình, cụ thể như: Thành lập được 55 Tổ cung ứng hàng hóa thiết yếu, với 438 thành viên trải khắp các xã, thị trấn. Đó là những Đội “Shipper áo xanh” của Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, cán bộ khóm, ấp và tiểu thương, các hợp tác xã...

Để người dân biết đến các dịch vụ này, huyện chỉ đạo thông tin rộng rãi số điện thoại của Tổ cung ứng, niêm yết giá bán từng mặt hàng qua mạng xã hội Zalo, facebook, tuyên truyền thường xuyên trên hệ thống loa truyền thanh. Các Tổ cung ứng hàng hóa thiết yếu sẽ tiếp nhận thông tin từ người dân và cung ứng đến tận nhà khi người dân có nhu cầu.

Bình quân mỗi ngày, các lực lượng cung ứng cho khoảng 2.000 hộ, với khoảng từ 06 đến 07 tấn hàng hóa thiết yếu (gạo, thịt, cá, trứng, rau, củ, quả các loại, các nhu yếu phẩm cần thiết khác). Ngoài ra, còn hỗ trợ mua thuốc theo đơn của bác sĩ tại các nhà thuốc trong và ngoài huyện, từ 130 - 150 đơn thuốc mỗi ngày.

Song song đó, các ngành, đoàn thể các cấp trên địa bàn huyện còn triển khai nhiều mô hình khác để đảm bảo đời sống của người dân như: Rút tiền mặt thay người dân, Chuyến xe 0 đồng, liên kết tiêu thụ giữa các nhà thiện nguyện thu mua nông sản và chuyển đến người dân...

Đến nay, việc triển khai thực hiện mô hình Chuyến xe 0 đồng, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc huyện và một số địa phương như: Ba Sao, Phương Trà, Tân Nghĩa, Bình Hàng Tây, Gáo Giồng… đã vận động, tiếp nhận lương thực từ các nhà thiện nguyện ủng hộ, vận chuyển, cấp phát hỗ trợ các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa, các chốt trực và các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn huyện. Bình quân mỗi ngày tiếp nhận và cấp phát hơn 04 tấn lương thực, góp phần ổn định đời sống của người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Để người dân yên tâm ở nhà trong thời gian thực hiện giãn cách, Viettel huyện Cao Lãnh phối hợp cùng Đoàn thanh niên huyện thành lập Đội hỗ trợ rút tiền mặt. Đội hỗ trợ sẽ công khai số điện thoại trên Đài Truyền thanh huyện, Trạm Truyền thanh xã để người dân biết, khi có nhu cầu rút tiền mặt thì liên hệ, Đội sẽ mang tiền mặt đến tận nhà người dân, người dân sẽ chuyển khoản để trả lại tiền và không mất phí chuyển tiền. Bình quân mỗi ngày hỗ trợ khoảng 100 khách hàng, với số tiền ước khoảng 150 - 200 triệu đồng/ngày.

Cùng với việc chăm lo đời sống của người dân trong thời gian thực hiện giãn cách, theo Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh Lê Chí Thiện, việc đảm bảo sản xuất, tiêu thụ nông sản, huyện Cao Lãnh đã chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn thành lập nhanh Mô hình bón phân, phun thuốc và thu hoạch nông sản thay nông dân. Đến nay, trên địa bàn huyện có 70 tổ, đội bón phân, phun thuốc, thu hoạch hộ cho nông dân, với 206 thành viên để hỗ trợ người dân khi có nhu cầu.

Các thành viên tham gia mô hình này đều được tạo điều kiện tiêm vắc xin phòng COVID-19. Từ khi thành lập đến nay, các tổ, đội đã hỗ trợ bà con nông dân bón phân, phun thuốc, thu hoạch và tiêu thụ nông sản khoảng 480 ha./.

Nguyệt Ánh