(Mặt trận) -Đề án “Hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát” cho người nghèo đã được tỉnh Cao Bằng thực hiện hiệu quả; trở thành điểm tựa để các hộ nghèo có thêm động lực vươn lên.
|
Ngôi nhà của anh Lương Văn Định, xã Thượng Thôn (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) được hỗ trợ xây dựng từ Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. |
Những điểm sáng
Xác định việc xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong công tác giảm nghèo, huyện Hà Quảng đã trở thành địa phương tiêu biểu thực hiện tốt Đề án “Hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo” của tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này cấp ủy, chính quyền của huyện xác định việc xóa nhà tạm, nhà dột nát là chương trình, nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đồng thời là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong công tác giảm nghèo. Do đó, huyện Hà Quảng tập trung tối đa các nguồn lực trong xã hội giúp đỡ các hộ có hoàn cảnh khó khăn đảm bảo điều kiện về nhà ở. Với phương châm “công khai, minh bạch, rõ ràng”, cấp ủy, chính quyền địa phương của huyện đã tổ chức rà soát tình hình nhà ở của hộ nghèo, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để tìm giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của bà con. Nhờ đó, từ năm 2021 đến nay, huyện Hà Quảng đã hỗ trợ 1.500 hộ nghèo, hộ gia đình chính sách. Những ngôi nhà sau khi hoàn thành đều có diện tích từ 40 - 120m2, đảm bảo “3 cứng” giá trị nhà ở sau khi hoàn thành từ 50 - 150 triệu/nhà, đáp ứng tiêu chí nhà ở của huyện nông thôn mới.
Ông Triệu Thanh Sơn - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hà Quảng cho biết, đề án hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát đã trở thành điểm tựa giúp các hộ nghèo có thêm động lực vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Khi triển khai thực hiện Đề án này, huyện đã nhận được sự đồng thuận cao của người dân, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở và các nhà hảo tâm. Đến nay, toàn huyện có 376/549 hộ đã và đang thực hiện làm nhà, đạt 68,5%. Để đảm bảo hoàn thành đề án theo đúng lộ trình của tỉnh, thời gian tới, huyện tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân, huy động, đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện.
Còn tại huyện Trùng Khánh, trong giai đoạn 2021-2023, toàn huyện có tổng số 672 hộ nghèo được phê duyệt hỗ trợ kinh phí để xóa nhà tạm, nhà dột nát. Để đảm bảo đúng tiến độ đề ra, huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp, phát huy tinh thần tương thân tương ái tham gia ủng hộ các nguồn lực để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo.
Ông Bế Trọng Hàm - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trùng Khánh cho biết, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp, nâng cao nhận thức về chủ trương xóa đói giảm nghèo và tích cực ủng hộ Quỹ Vì người nghèo. Từ đó, phát huy tinh thần tương thân tương ái trong hỗ trợ giải quyết nhà ở cho hộ nghèo; chú trọng huy động sự tham gia đóng góp trực tiếp ngày công lao động trong cộng đồng dân cư để nâng cao chất lượng căn nhà được hỗ trợ.
“Song song với công tác tuyên truyền vận động, chúng tôi còn phối hợp với MTTQ các cấp và các tổ chức đoàn thể vận động người dân trong cộng đồng dân cư giúp đỡ trên 1.500 ngày công lao động cùng nguyên vật liệu để các hộ nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát. Với cách làm này, đến nay, toàn huyện đã hoàn thành xây mới và sửa chữa hơn 400 nhà cho hộ nghèo. Năm 2023, huyện Trùng Khánh hoàn thành và đưa vào sử dụng 100% nhà ở hỗ trợ cho hộ nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn” - ông Hàm chia sẻ.
Linh hoạt các biện pháp hỗ trợ
Là tỉnh miền núi cao khó khăn, tuy nhiên thời gian qua, tỉnh Cao Bằng đã có nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Chính quyền các cấp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn nỗ lực, đoàn kết, sáng tạo chủ động vươn lên thoát nghèo. Do đó, trong giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh Cao Bằng đã tập trung nguồn lực khoảng 232,7 tỷ đồng hỗ trợ xóa 6.110 nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo. Trong đó, năm 2022, tỉnh hỗ trợ 110,7 tỷ đồng thực hiện 2.885 căn nhà. Năm 2023, tỉnh hỗ trợ 122 tỷ đồng thực hiện 3.225 căn nhà. Nguyên tắc hỗ trợ được đảm bảo đúng đối tượng, công khai, dân chủ, công bằng, minh bạch trên cơ sở pháp luật và chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, giao thông đi lại khó khăn, địa hình chủ yếu là đồi núi, cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh còn nghèo. Vì vậy, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho đồng bào là một chủ trương đúng đắn, kịp thời của tỉnh Cao Bằng đã tạo niềm tin, động lực để đồng bào vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho bản thân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Hà Ngọc Giáp - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Cao Bằng cho biết, để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát, giảm nghèo bền vững cho toàn tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng khóa XIX đã ban hành Nghị quyết về lãnh đạo thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021- 2025. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2022, tỉnh đã hoàn thành việc xóa 6.602 nhà tạm, nhà dột nát; giai đoạn 2023 - 2025, hằng năm tiếp tục rà soát, hỗ trợ các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo ở nhà tạm, nhà dột nát mới phát sinh; kiểm tra, giám sát chất lượng các công trình nhà ở đã hỗ trợ trên địa bàn.
Trong những năm qua, các phong trào, các cuộc vận động để chăm lo, giúp đỡ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh nói chung luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Từ năm 2021 đến ngày 30/9/2023, Ủy ban MTTQ các cấp, Ban vận động Quỹ Vì người nghèo tỉnh đã tích cực phối hợp với các tổ chức thành viên triển khai thực hiện và vận động ủng hộ với số tiền trên 95 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí huy động được, Ban vận động Quỹ Vì người nghèo tỉnh đã phân bổ xây dựng 1.041 nhà Đại đoàn kết cho người nghèo. Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu hỗ trợ 6.600 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2023, tỉnh Cao Bằng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo, kêu gọi các nguồn lực để hỗ trợ làm nhà, sửa nhà cho các hộ hoàn cảnh khó khăn, trong đó ưu tiên tập trung thực hiện các xã trong lộ trình về đích nông thôn mới. Bên cạnh đó, MTTQ và các tổ chức đoàn thể tiếp tục vận động người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, tích lũy để xây dựng nhà ở, từng bước tự xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát, ổn định cuộc sống lâu dài.
Việc hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách đặc biệt khó khăn về nhà ở trên địa bàn toàn tỉnh Cao Bằng được hỗ trợ, giúp đỡ làm mới và sửa chữa nhà ở cho thấy nỗ lực, quyết tâm rất cao của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư. Mỗi căn nhà mới được hoàn thành đồng nghĩa với việc sẽ có thêm một hộ nghèo có chỗ ở ổn định, không phải lo gánh nặng về nhà ở, từ đó yên tâm lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Cũng từ đây, uy tín của cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp được nâng cao; niềm tin của bà con nhân dân vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ngày càng vững chắc.
Tuệ Phương