Cao Bằng: Đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng

(Mặt trận) -Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Nhiều người tiêu dùng thay đổi thói quen, hướng tới dùng hàng Việt Nam chất lượng cao với ưu điểm an toàn, chất lượng, giá cả phù hợp.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

 Người dân chọn mua hàng tại phiên chợ hàng Việt xã Lý Quốc (Hạ Lang)

Những năm trước, tại các xã biên giới của huyện Trùng Khánh, số lượng hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam không được người tiêu dùng chú ý sử dụng nhiều do tâm lý hàng “ngoại” tốt hơn hàng “nội” và một một phần vì sát với nước bạn Trung Quốc, nhưng từ khi Ủy ban MTTQ tỉnh Cao Bằng phát động CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhiều người tiêu dùng nhận thấy dùng hàng Việt an toàn, chất lượng hơn, giá cả phù hợp nên những mặt hàng sản xuất trong nước thu hút sự quan tâm và được lựa chọn nhiều hơn. Những sản phẩm mang thương hiệu Việt như: sữa Vinamilk, nước mắm Nam Ngư, đồ nhựa Song Long... với chất lượng hàng hóa đảm bảo, có in rõ ràng thời hạn sử dụng, ngày sản xuất trở thành sự lựa chọn hàng đầu của bà con. 

Bà Nguyễn Thị Lan, chủ cửa hàng kinh doanh hàng tạp hóa tại thị trấn Trà Lĩnh (Trùng Khánh) cho biết: Tại cửa hàng, hiện nay hàng nhập về chủ yếu là hàng Việt vì giá cả phù hợp với số đông người tiêu dùng. Chất lượng cũng như bao bì của các loại sản phẩm do Việt Nam sản xuất đảm bảo, bền đẹp, không thua kém hàng ngoại nên bán khá chạy.

Thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Ủy ban MTTQ huyện Trùng Khánh tích cực, chủ động khuyến khích các cơ sở kinh doanh đưa các mặt hàng tiêu dùng sản xuất trong nước về các xã, đặc biệt là các xã vùng biên như: Ngọc Côn, Đàm Thủy, thị trấn Trà Lĩnh. Tại nhiều xã, thị trấn, các cửa hàng tạp hóa chủ yếu bán các mặt hàng sản xuất trong nước từ mì chính, nước mắm, mì tôm đều mang thương hiệu Việt. Hằng năm, huyện phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp tổ chức các đợt đưa hàng về vùng cao phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân. Tạo điều kiện để các hộ trên địa bàn mở cửa hàng, quầy hàng kinh doanh, phát triển dịch vụ, thương mại. 

Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Trùng Khánh Nông Quốc Hoàn cho biết: Giúp người dân có thể tiếp cận và tin tưởng vào các sản phẩm Việt, chúng tôi chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu đúng, đủ về CVĐ. Thông qua nhiều kênh tuyên truyền, tổ chức các hội chợ, triển lãm, người dân tiếp cận được dễ dàng các sản phẩm sản xuất trong nước. Hiện nay, trên địa bàn huyện, hàng Việt Nam chiếm trên 70% thị phần, đa dạng về sản phẩm, mẫu mã đẹp, chất lượng đảm bảo. “hàng nội” chiếm được niềm tin của phần lớn người tiêu dùng, từ trung tâm huyện tới những xã vùng sâu, vùng xa, biên giới. 

Để triển khai CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hiệu quả, Ủy ban MTTQ tỉnh Cao Bằng chủ động hướng dẫn, phối hợp với MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên tiếp tục cụ thể hóa nội dung CVĐ; tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên ưu tiên sử dụng hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất; phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tốt việc giám sát phát hiện các hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. 

Bên cạnh đó, các kênh phân phối hàng Việt Nam được mở rộng và phát triển với các điểm bán hàng Việt, các siêu thị, chợ dân sinh; tổ chức đưa hàng Việt về vùng nông thôn. Trong năm 2021, Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh ban hành trên 2.000 cuốn bản tin công tác Mặt trận truyền tải những nội dung của CVĐ; phối hợp tổ chức trên 160 cuộc tuyên truyền về CVĐ, thu hút trên 1.500 lượt người tham gia… Các đơn vị tổ chức 2 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại các huyện Trùng Khánh, Hạ Lang. 

Tại địa bàn các xã vùng cao, biên giới chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, giao thông còn khó khăn nên việc đưa hàng hóa về phục vụ bà con, tạo dựng thói quen dùng hàng Việt Nam được các cấp chính quyền từng bước xây dựng. Ủy ban MTTQ cấc cấp phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội lồng ghép công tác tuyên truyền, vận động người dân dùng hàng sản xuất trong nước. 

Theo đồng chí Đặng Thị Duyên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Cao Bằng, thông qua CVĐ, ý thức của người dân có những chuyển biến tích cực, từng bước nhận thức đúng hơn khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Việc duy trì chương trình bình ổn giá thông qua các điểm bán các mặt hàng thiết yếu tại địa bàn các phường, xã hằng năm đã có tác dụng thiết thực trong việc tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận với hàng hóa thương hiệu Việt. Qua đó, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, bình ổn thị trường và phát triển mạng lưới thương mại tiện ích, văn minh.

Thanh Bình