Cán bộ Mặt trận dám nghĩ, dám làm thì dân được nhờ

(Mặt trận) -Những năm gần đây, Hà Nội có nhiều thành tựu trong thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Gần đây nhất là vận động người dân chống dịch Covid-19, trong đó nổi bật vai trò của cán bộ Mặt trận cơ sở.

Lâm Đồng: Đồng bào dân tộc thiểu số vui mừng đón Xuân trong nhà mới

Xuân ấm trong những ngôi nhà mới

Phù Yên chăm lo Tết cho hộ nghèo

 Cán bộ Mặt trận xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm, Hà Nội) phối hợp kiểm tra chất lượng các hạng mục công trình tại địa phương.

Bãi đất trống bỏ hoang cỏ mọc um tùm, ô nhiễm trên địa bàn khu dân cư số 11 phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã thành khu vui chơi thể thao được hơn hai năm nay. Người dân trong phố, nhất là trẻ em hết sức phấn khởi khi có thêm không gian. Điều ấy có được nhờ người cán bộ Mặt trận, đồng thời là Bí thư chi bộ khu dân cư số 11 Hoàng Đức Hùng xông xáo xắn tay vào việc.

Đặc biệt, trước tình trạng các hộ dân làm lồng sắt cơi nới trái phép tại các nhà chung cư ở Khu đô thị Đền Lừ 1, ông Hùng cùng cán bộ khu dân cư họp bàn và vận động được 115/141 hộ tự tháo dỡ. Hơn thế, trên cương vị Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hoàng Văn Thụ, thời gian qua, ông Hùng còn vận động từ các nguồn được gần 3 tấn gạo, nhiều nhu yếu phẩm khác cùng hơn 100 triệu đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Còn trên cương vị Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư số 5 phường Tứ Liên (quận Tây Hồ), bà Phan Thúy Dung không quản ngày đêm để nắm địa bàn. Đến nay, khu dân cư số 5 đã thành lập được 103 nhóm “Liên gia tự quản”, xây dựng thành công “Ngõ văn minh đô thị” tại ngõ 172 Âu Cơ. Với sự sâu sát của Ban Công tác Mặt trận cùng các ngành, đoàn thể, vừa qua bà con trong khu dân cư đã ủng hộ hơn 181 triệu đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Tận tụy với công việc, lúc cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, có khi cả tháng trời bà Dung đi từ sáng đến tối mịt mới về nhà. “Tôi hiểu công tác Mặt trận phải nhận được sự tin tưởng, đồng thuận của nhân dân. Tranh thủ thời gian rỗi, tôi thường đến các hộ dân trò chuyện để bà con tin tưởng, giãi bày khi có thắc mắc, vướng bận” - bà Dung chia sẻ.

Còn theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Đà, cái khó trong công tác Mặt trận là phải kiên trì, gần dân để nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của bà con. Có như vậy mới tham mưu được với cấp ủy hướng giải quyết thấu tình, đạt lý, không để những mâu thuẫn, thắc mắc của người dân.

Thực tế cho thấy, qua kênh nắm bắt dư luận xã hội của Mặt trận, nhiều vấn đề dân sinh ở cơ sở đã được phản ánh kịp thời tới các cấp ủy Đảng, chính quyền để nhanh chóng tháo gỡ, xử lý. Việc nắm bắt thông tin dư luận xã hội được quán triệt tới cấp phường, Ban Công tác Mặt trận khu dân cư và thực hiện bằng nhiều hình thức như qua hội nghị tiếp xúc cử tri, các buổi sinh hoạt đoàn thể, tổ dân phố, đối thoại trực tiếp với nhân dân.

Với chủ trương hướng mạnh về cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết, Mặt trận đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh, chính kiến, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để thực hiện các nhiệm vụ, xứng đáng được dân mến, dân thương, dân tôn trọng và nhân dân được nhờ. Chính sự nhiệt tình, sâu sát cơ sở của cán bộ Mặt trận đã góp phần cùng chính quyền địa phương đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giúp chính quyền địa phương hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế đặt ra.  

TUỆ PHƯƠNG