Cam Nghĩa (Khánh Hòa): Phát huy các mô hình tự quản bảo vệ môi trường

(Mặt trận) -Thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thời gian qua, Mặt trận các cấp trên địa bàn phường Cam Nghĩa (TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) có nhiều hoạt động thiết thực nhằm bảo vệ môi trường (BVMT), như: Thu gom rác thải sinh hoạt đường làng, ngõ xóm, khu vực công cộng, tuyến quốc lộ; phân loại rác thải tại nguồn; khơi thông cống rãnh; bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định…

Diện mạo mới vùng nông thôn Hà Giang

Hiệu quả từ việc đổi mới, nâng cao chất lượng Công tác Mặt trận ở Lam Sơn

Mặt trận Tổ quốc TX. Cai Lậy: Dấu ấn qua một nhiệm kỳ

Từng bước vận động thay đổi hành vi

Đều đặn 2 tuần/lần và vào các dịp lễ lớn, các thành viên mô hình “Khu dân cư tự quản BVMT Tổ dân phố Hòa Bình” và người dân trên địa bàn cùng ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường trên các tuyến đường. Bà Nguyễn Thị Mai (đường Lương Văn Can, phường Cam Nghĩa) cho biết: “Trước đây, trên tuyến đường Lương Văn Can có điểm tập kết rác tự phát lâu năm gây ô nhiễm môi trường. Tuy Mặt trận phường đã nhiều lần gắn các biển cấm đổ rác và ra quân thu dọn rác nhưng được vài ngày rồi đâu lại vào đấy. Thậm chí, một số người dân thiếu ý thức còn vứt luôn biển báo cấm đổ rác. Từ khi mô hình “Khu dân cư tự quản BVMT Tổ dân phố Hòa Bình” được thành lập, các thành viên đã ra quân dọn rác sạch sẽ và trồng biển cấm đổ rác cố định, thường xuyên nhắc nhở… Nhờ đó, tình trạng vứt rác bừa bãi tại khu vực này không còn diễn ra”.

 Người dân thu gom rác thải tại các bãi đất trống.

Không chỉ xóa được điểm tập kết rác lâu năm trên đường Lương Văn Can, mô hình đã góp phần làm thay đổi nhận thức và hành vi của người dân trong việc BVMT. Hiện nay, 100% hộ ở tổ dân phố đã đăng ký thu gom rác thải tập trung, thực hiện tốt các quy định về tự quản đảm bảo môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp; chủ động phân loại rác thải tại nhà, tập kết rác tại khu vực quy định 3 lần/tuần. Đồng thời, ra quân tổng dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khu phố 2 lần/tháng; định kỳ khơi thông cống rãnh, cống thoát nước, dọn vệ sinh khu vực công cộng, ven tuyến Quốc lộ 1 đi qua địa bàn. Bà Lê Thị Trà - Trưởng Ban công tác Mặt trận Tổ dân phố Hòa Bình cho biết: “Thời gian đầu triển khai, các thành viên gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi đã kiên trì vận động, tuyên truyền và gương mẫu đi đầu thực hiện, dần dần người dân hiểu được và đồng lòng hưởng ứng. Nhờ đó, không chỉ đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, mà ý thức BVMT sống của người dân được nâng lên rõ rệt...”. 

Trước đây, tại khu dân cư Nghĩa Bình, tình trạng xả rác thải ra môi trường, ven mương, thậm chí đổ ra ven đường thường xuyên diễn ra, ảnh hưởng đến môi trường, mất mỹ quan đô thị. Năm 2020, Ban công tác Mặt trận Tổ dân phố Nghĩa Bình thành lập mô hình “Tổ tự quản thu gom rác thải”. Từ đó, hàng tháng, tổ tự quản ra quân dọn rác thải, phát quang bụi rậm, nhắc nhở các gia đình tự giác chấp hành về BVMT, thường xuyên dọn rác xung quanh nhà, ngõ hẻm. Đến nay, trên địa bàn tổ dân phố luôn sạch sẽ, không còn tình trạng người dân vứt rác dọc đường, các điểm tập kết rác tự phát cũng được xóa bỏ...

Tiếp tục nhân rộng các mô hình

Hiện nay, trên địa bàn phường Cam Nghĩa có gần 10 mô hình tự quản khu dân cư BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu do Mặt trận và các hội, đoàn thể thành lập, gồm: “Tuyến đường hoa”; “Tổ tự quản BVMT”; “Tuyến đường điện thắp sáng bằng năng lượng mặt trời”; “Tuyến đường nông dân tự quản BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu”… Các đơn vị đã cụ thể hóa những nội dung hương ước, quy ước về BVMT bằng hành động cụ thể, như: Ra quân dọn vệ sinh môi trường; vận động các hộ gia đình chủ động phân loại rác thải tại nguồn; tổ chức thu gom, xử lý chất thải, nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, thay đổi thói quen sinh hoạt ảnh hưởng đến môi trường; định kỳ hàng quý và các ngày lễ lớn ra quân tổng dọn vệ sinh tại các khu hoa viên và dọc bờ biển. Đồng thời, vận động các hộ nuôi trồng thủy sản trên biển đăng ký tham gia bảo vệ hệ sinh thái, môi trường biển…

Bà Nguyễn Thị Mùa - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam phường Cam Nghĩa cho biết: “Bên cạnh kết quả đạt được, ý thức BVMT của một bộ phận nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp chưa thực sự chuyển biến rõ nét; trên các tuyến đường hẻm, xe của Công ty Cổ phần Đô thị Cam Ranh không đi vào thu gom được nên một số hộ dân ngại đi ra đường lớn, từ đó còn tập kết rác không đúng nơi quy định… Để khắc phục những hạn chế nêu trên, thời gian tới, Mặt trận phường chỉ đạo Ban công tác Mặt trận các tổ dân phố tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình tự quản BVMT. Đồng thời, nghiên cứu, vận động các khu dân cư ở những khu vực đường hẻm nhỏ đóng góp kinh phí thuê người thu gom rác từ đường hẻm ra đường lớn đúng giờ quy định”.

N.B