Cách làm sáng tạo từ việc huy động nguồn lực xóa nhà tạm tại Hiệp Hoà

(Mặt trận) -Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát đang được huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) triển khai với nhiều cách làm sáng tạo, huy động các nguồn lực của Nhà nước và nhân dân thực hiện.

Phú Thọ: Phát huy vai trò của MTTQ trong xây dựng đời sống văn hóa

Lào Cai: Chăm lo để người nghèo đón Tết đầm ấm, an vui

Chiêm Hóa linh hoạt, sáng tạo làm nhà cho hộ nghèo

Công khai minh bạch

Ông Đỗ Tiến Tài là thương binh hạng 2/4 (ở thôn Thù Sơn, xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang), thuộc diện được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2024. Căn nhà mới của ông rộng gần 100 m2, được xây dựng từ nguồn tích lũy của gia đình, kết hợp với sự hỗ trợ từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và người thân.

 Căn nhà mới đang được đầu tư xây dựng.

Ông Đỗ Tiến Tài cho biết: “Trước đây, gia đình tôi sống trong căn nhà cấp 4, rộng 30 m2. Các năm trước, chính quyền địa phương đã vận động xây dựng nhà mới, nhưng tôi chưa làm được. Bây giờ, nhờ sự hỗ trợ của địa phương, nhà tôi đã xây xong phần thô... Cảm ơn các cấp chính quyền đã hỗ trợ để gia đình tôi có nhà mới vào dịp cuối năm nay”.

Theo ông Vũ Văn Tân, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) xã, việc xoá nhà tạm đã được xã triển khai trong những năm qua, nhưng khó nhất vẫn là những hộ không có nguồn vốn đối ứng, xã đề xuất xây dựng theo hình thức “chìa khóa trao tay”.

Theo kế hoạch, năm 2024, xã Hòa Sơn có 8 hộ trong diện xóa nhà tạm, nhà dột nát. Xã còn 11 hộ nghèo và 27 hộ cận nghèo đang được rà soát, nếu đảm bảo đủ điều kiện sẽ được xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025.

Ông Trần Minh Trí, Bí thư Đảng ủy xã Quang Minh, Trưởng Ban chỉ đạo xoá nhà tạm, nhà dột nát của xã, cho biết: Đầu năm 2024, xã có 25 hộ nghèo và 28 hộ cận nghèo. Triển khai chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát, các thôn đã tiến hành rà soát từ cơ sở và báo cáo lên Ban chỉ đạo của xã. Ban chỉ đạo xã đã tiến hành thẩm định và thống kê còn 8 hộ cần xóa nhà tạm, nhà dột nát. 

Với các hộ được hỗ trợ xây dựng trong năm nay, xã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Cùng với nguồn lực hỗ trợ từ tỉnh, huyện, xã hỗ trợ cho hộ nghèo 5 triệu đồng và cận nghèo 3 triệu đồng để xây dựng. Với từng trường hợp, các tổ chức đoàn thể, họ hàng sẽ giúp đỡ ngày công, vật liệu… đây là những nguồn lực rất đáng quý. 

Cộng đồng chung tay

Trong giai đoạn 2021-2023, huyện Hiệp Hòa đã xây dựng mới, sửa chữa 448 nhà “Đại đoàn kết” tặng hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với tổng trị giá gần 13,6 tỷ đồng. Trong đó, MTTQ huyện chủ trì thực hiện 254 ngôi nhà trị giá 8,1 tỷ đồng; UBND huyện hỗ trợ 96 nhà trị giá 3,64 tỷ đồng, còn lại là do các tổ chức thành viên thực hiện.

 Bà Vũ Thị Lương đang chuyển gạch, hỗ trợ xây dựng căn nhà mới của mình.

Để có được kết quả trên, huyện Hiệp Hòa đã tăng cường tuyên truyền, vận động; tập trung huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tranh thủ sự chung tay, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và cán bộ, đảng viên, hội viên các đoàn thể ở địa phương.

Trong quá trình thực hiện, do mức hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà từ cấp huyện không đủ để xây dựng mới, huyện đã chủ trương ưu tiên tập trung bố trí kinh phí hỗ trợ từ cơ sở, vận động gia đình, người thân của chủ hộ được xây nhà, cùng chung tay, góp sức. Cùng với đó, chỉ đạo các đoàn thể tuyên truyền, huy động đoàn viên, hội viên thực hành tiết kiệm để gây quỹ, vận động nhân dân ở thôn, xóm đóng góp ngày công lao động, nguyên vật liệu... 

Phát huy kết quả đạt được từ những năm trước, từ đầu năm 2024, huyện Hiệp Hoà đã triển khai đồng bộ chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát.

Ông Nguyễn Đình Anh, Phó Chủ tịch MTTQ huyện Hiệp Hoà cho biết: Huyện đã ban hành Quyết định số 2390-QĐ/HU ngày 1/3/2024 của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc thành lập Ban Chỉ đạo vận động (viết tắt là Ban Chỉ đạo 2390), do Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban, cơ quan Ủy ban MTTQ huyện là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo.

Huyện đã tổ chức vận động đối với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, chiến sĩ lực lượng vũ trang có hưởng lương từ ngân sách, lao động trong các doanh nghiệp...  ủng hộ tối thiểu 1 ngày lương, hoặc 1 ngày thu nhập. Các tổ chức, cá nhân còn lại ủng hộ tùy theo điều kiện và khả năng; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ xây dựng theo hình thức “Chìa khoá trao tay”. 

Huyện cũng công khai mức hỗ trợ xây mới đối với hộ nghèo, hộ người có công 50 triệu đồng/nhà; hộ cận nghèo xây mới 40 triệu đồng/nhà; sửa chữa đối với hộ nghèo, hộ người có công 25 triệu đồng/nhà, hộ cận nghèo 20 triệu đồng/nhà...

Nhờ vậy, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đến nay được huyện hoàn thành 100%, sớm hơn so với kế hoạch và chỉ tiêu tỉnh giao. Huyện đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa 117 nhà, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 5 tỷ đồng từ Quỹ vì người nghèo huyện và Quỹ đền ơn đáp nghĩa. Ngoài ra, các địa phương huy động gần 2.000 ngày công lao động, 33 m3 cát, sỏi, 16.500 viên gạch, ngói; 15,6 tấn xi măng cùng nhiều thiếu bị, đồ dùng sinh hoạt để thực hiện chương trình...

Ông Nguyễn Đình Anh, Phó Chủ tịch MTTQ huyện Hiệp Hòa cho biết: Huyện đang lập kế hoạch rà soát xoá nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 với khoảng 100 nhà. Tuy nhiên, khó khăn nhất với những nhà này là chưa đủ điều kiện hỗ trợ, do vướng thủ tục liên quan đến đất đai. Huyện đã báo cáo lên các cấp có thẩm quyền để sớm được giải quyết.

Còn ông Đinh Đức Cảnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang đánh giá: Huyện Hiệp Hòa là một trong những địa phương điển hình làm tốt công tác xoá nhà tạm, nhà dột nát. Huyện đã sớm triển khai rà soát, lập và phê duyệt danh sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng năm 2025, bảo đảm ngay từ khâu rà soát đối tượng tới quá trình thi công đều dân chủ, minh bạch, khách quan. 

X.M