Các tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ dồn sức trợ giúp công dân trở về quê hương

(Mặt trận) - Sau khi nới lỏng giãn cách, công dân các tỉnh Tây Nam Bộ đang tạm trú tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ hối hả trở về quê, mang theo lỉnh kỉnh đồ dùng và những nỗi niềm. Chính quyền nhiều địa phương nỗ lực đón tiếp để người dân trở về được an toàn.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

Đoàn viên thanh niên huyện Đầm Dơi (Cà Mau) nấu ăn hỗ trợ người dân trở về từ vùng dịch. Ảnh: HỮU TÙNG 

Từ ngày 1/10 đến nay, các tỉnh Tây Nam Bộ đã đón hàng trăm nghìn công dân. Trong đó, một số tỉnh có số lượng người trở về đông là An Giang hơn 43.000 người, Sóc Trăng hơn 40.000 người, Kiên Giang hơn 36.000 người, Cà Mau hơn 21.500 người… TP Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu… mỗi địa phương cũng có ít nhất khoảng 10.000 công dân trở về.

Quá tải, tổ chức cách ly tại nhà

Hầu hết các tỉnh, thành phố vùng Tây Nam Bộ đều tổ chức cách ly y tế đối với người từ vùng dịch trở về địa phương theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Theo Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, Trần Việt Trường, địa phương vẫn duy trì các chốt kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào thành phố; tại các chốt tổ chức xét nghiệm nhanh và thông qua phần mềm hoặc giấy chứng nhận để phân loại theo nhóm, xác định các trường hợp F0 và F1. Các trường hợp F0 được chuyển đi điều trị, F1 và chưa tiêm vắc-xin thì chuyển cách ly tập trung. Người đã tiêm một mũi thì cách ly tại nhà 14 ngày, đã tiêm hai mũi thì cách ly tại nhà 7 ngày.

Ngày 7/10, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Trần Văn Lâu ban hành công văn hỏa tốc yêu cầu các địa phương khẩn trương sàng lọc công dân về từ ngoài tỉnh và trong khu cách ly thành bốn nhóm. Sóc Trăng sử dụng 309 cơ sở cách ly tập trung với khả năng tiếp nhận khoảng 28.000 người, đang cách ly tập trung 23.000 người. Tuy nhiên, cơ sở cách ly chủ yếu là trưng dụng trường học nên không bảo đảm các điều kiện theo quy định. Nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly khá cao. Tỉnh An Giang đã tận dụng trường học để bố trí các khu vực tiếp nhận ban đầu nhằm phân loại để thực hiện test nhanh. Những trường hợp âm tính sẽ được về nhà cách ly. Trường hợp dương tính được xe chuyên dụng đưa vào các trung tâm thu dung điều trị Covid-19. Qua xét nghiệm RT-PCR, An Giang ghi nhận 231 trường hợp F0 từ những người trở về địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Nguyễn Thanh Bình cho biết, 11 địa phương trong tỉnh đều khó đáp ứng việc cách ly tập trung cho nên tỉnh cho cách ly tại nhà nếu bảo đảm điều kiện. Những người đã tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, có kết quả xét nghiệm âm tính thì tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày. Những người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc-xin có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được cách ly tập trung trong thời gian 14 ngày. Trường hợp có nhà riêng bảo đảm thì cách ly tại cơ sở 7 ngày, sau đó cách ly tiếp 7 ngày tại nhà.

Tuy nhiên, có địa phương vì quá “thận trọng” cho nên đã có cách làm riêng như tỉnh Cà Mau tiếp tục duy trì việc cách ly tại nhà 28 ngày đối với công dân trở về từ các tỉnh, thành phố khác. Công dân được cách ly tại nhà phải bảo đảm điều kiện tiêm đủ liều vắc-xin, hoặc đã tiêm mũi 1 đủ 14 ngày, test nhanh âm tính; chưa tiêm vắc-xin phải xét nghiệm RT-PCR âm tính. Người được cách ly tại nhà phải có nhà riêng biệt, có phòng vệ sinh, chỗ nấu ăn riêng...

Các công dân về đến huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang, được lực lượng chức năng hỗ trợ chia theo địa bàn để quản lý, phòng, chống dịch. Ảnh: PHƯƠNG VŨ 

Thiết thực hỗ trợ công dân

Nhằm hỗ trợ những khó khăn cho người ngoài tỉnh trở về, tỉnh An Giang không thu phí xét nghiệm, phí cách ly và hỗ trợ tiền ăn uống cho công dân đến khi hoàn thành cách ly tập trung.

Chủ tịch UBND thị xã Tân Châu, Nguyễn Ngọc Vệ thông tin, đến chiều 7/10, hơn 2.400 người của địa phương đang cách ly tại nhà. Nhà có người cách ly đều dán bảng cảnh báo, căng dây để hạn chế người qua lại. Tổ, khóm sẽ theo dõi nhắc nhở người dân không ra khỏi nhà khi thực hiện cách ly, bố trí người hỗ trợ các yêu cầu chính đáng. Tại huyện Tri Tôn có 6.748 người đang cách ly tại nhà. Huyện đã vận động các hộ dân có đông người, chuyển ở tạm nhà người quen, nhường chỗ cho người thân cách ly. Các địa phương của An Giang kêu gọi chủ nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn khi cần thiết hỗ trợ chỗ cách ly miễn phí; doanh trại quân đội sẵn sàng di chuyển nhường chỗ cho công dân cách ly. Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh An Giang, Nguyễn Tiếc Hùng cho biết, đã xuất hơn 400 tấn gạo hỗ trợ người dân nhằm bảo đảm một phần công tác an sinh xã hội.

Tương tự, tỉnh Cà Mau có chủ trương sử dụng ngân sách nhà nước chi hỗ trợ tiền ăn cho người dân trong thời gian cách ly y tế tập trung (14 ngày) với mức 40.000 đồng/người/ngày. Lãnh đạo tỉnh kêu gọi quyên góp, hỗ trợ tiền, lương thực, nhu yếu phẩm và các vật dụng thiết yếu… để giúp những người có hoàn cảnh khó khăn. Đến ngày 7/10, Ủy ban MTTQ tỉnh Cà Mau và các tổ chức, đoàn thể đã vận động hỗ trợ hơn 234.300 suất ăn và lương thực, thực phẩm cho người dân trở về; hơn 20 tấn gạo cho 175 cơ sở cách ly, gần 44 tấn gạo cho hơn 2.196 hộ dân/5.108 người cách ly y tế tại nhà… Với tỉnh Sóc Trăng, các trường hợp đang cách ly tập trung tại các khu cách ly nếu là hộ nghèo, đối tượng khó khăn thì được miễn tiền xét nghiệm, tiền ăn.

Tại tỉnh Kiên Giang, sau một số ngày tổ chức thực hiện, công tác tiếp nhận của tỉnh đã bài bản. Huyện Hòn Đất ứng trước kinh phí hỗ trợ 1 triệu đồng/người; huyện Giồng Riềng tổ chức phát gạo và các nhu yếu phẩm cần thiết, cả việc xem xét cất nhà cho người không còn nhà khi trở về. Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Lâm Minh Thành cho biết, địa phương đã thống nhất chủ trương chi hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người dân từ các tỉnh trở về, mọi chi phí xét nghiệm, cách ly tập trung… được ngân sách bảo đảm. Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo các địa phương nắm thông tin, hoàn cảnh của những gia đình, công dân cần hỗ trợ về y tế, giáo dục, lương thực… để kịp thời giải quyết, đồng thời rà soát các thông tin của người lao động để trong thời gian tới tỉnh kết nối với nhà máy, xí nghiệp, phân xưởng cho người lao động của tỉnh quay trở lại làm việc.