(Mặt trận) - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 5 ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030 (Chỉ thị số 05). Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội trong công tác an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
|
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau Trần Văn Hiện trao túi an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19 ở huyện Thới Bình |
Nông thôn khởi sắc
Những năm gần đây, vùng nông thôn xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, kể từ khi tuyến đường Hồ Chí Minh về đến mũi Cà Mau hoàn thành đã khơi dậy tiềm năng du lịch nơi đây phát triển. Qua đó, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Vì thế, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm. Đến cuối năm 2020, toàn xã Đất Mũi chỉ còn 42 hộ nghèo, chiếm 1,24%, hộ cận nghèo là 182 hộ, chiếm 5,4% (toàn xã có 3.361 hộ dân). Năm 2021, xã phấn đấu giảm từ 9 hộ nghèo và 25 hộ cận nghèo trở lên.
Ông Võ Công Trường, Chủ tịch UBND xã Đất Mũi cho biết, công tác giảm nghèo được Đảng ủy, UBND xã Đất Mũi tập trung chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân về tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều, mục tiêu giảm nghèo bền vững. Qua đó, tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm hiệp lực của toàn xã hội; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên thoát nghèo của người dân. Trong đó, nhấn mạnh cho người nghèo thấy rõ sự giúp đỡ của Nhà nước, cộng đồng chỉ là hỗ trợ; cái chính là sự nỗ lực, tự vươn lên của bản thân hộ nghèo. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc biệt là đợt dịch bùng phát lần thứ 4 đã tác động rất lớn đến đời sống người dân, nhất là người nghèo, cận nghèo, nguy cơ thiếu việc làm tăng lên, các gia đình thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình trên, bà Nguyễn Thu Tư, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH Cà Mau, cho biết, sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách an sinh xã hội cho người dân, đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện đảm bảo cuộc sống cho các đối tượng hoàn cảnh khó khăn, phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau hỗ trợ lương thực thực phẩm. Cụ thể, sở đã hỗ trợ người dân đang tạm trú ngoài tỉnh trên 9.960 người với tổng kinh phí khoảng 7 tỷ đồng; hỗ trợ trong tỉnh trên 63.630 lượt hộ, với kinh phí trên 15 tỷ đồng. Ngoài ra, sở phối hợp với UBND các huyện, TP Cà Mau và doanh nghiệp hỗ trợ người dân tìm việc làm mới ngay sau thời gian cách ly phòng chống dịch; xây dựng kế hoạch giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn tỉnh ngay khi trở về trạng thái bình thường mới.
Nỗ lực giảm nghèo
Theo Sở LĐTB-XH tỉnh Cà Mau, số hộ nghèo hiện tại của tỉnh là 5.367 hộ, tỷ lệ 1,75%; hộ cận nghèo 5.546 hộ, tỷ lệ 1,81%. Hiện tỉnh đang triển khai rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021. Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều đến năm 2025, ước số hộ nghèo, hộ cận nghèo tăng lên gấp 2,8 lần so với số số hộ và tỷ lệ hiện tại (tương đương 30.000 hộ, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh năm 2022 dự kiến 5%). Tỉnh Cà Mau đề ra mục tiêu tỷ lệ giảm nghèo hàng năm dự kiến 0,5%. Để đạt được mục tiêu đề ra, bà Nguyễn Thu Tư cho biết, sở tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các giải pháp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động nguồn lực, tổ chức triển khai thực hiện tốt các chính sách, điều tra phân loại để xác định nguyên nhân, nhu cầu, lồng ghép tốt các chính sách xã hội với công tác giảm nghèo. Các sở, ngành phối hợp thực hiện chức năng nhiệm vụ nhằm đảm bảo các yếu tố cơ bản cho người dân về nhà ở, khám chữa bệnh, bảo đảm 100% người nghèo, người cận nghèo được hỗ trợ bảo hiểm y tế, giáo dục, tiếp cận thông tin, trợ giúp pháp lý, thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội khác.
Triển khai Chỉ thị số 05, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau vừa ban hành kế hoạch thực hiện. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau yêu cầu quán triệt đầy đủ, sâu sắc các nội dung Chỉ thị số 05, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội trong công tác an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Ông Dương Văn Thắng, Bí thư Huyện ủy Cái Nước, cho biết, huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05. Theo đó, sẽ tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan, tổ chức và nhân dân trong công tác giảm nghèo bền vững; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động thực hiện giảm nghèo bền vững theo phương pháp tiếp cận đa chiều; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản với hộ nghèo, hộ cận nghèo; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, gắn với triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo. Đồng thời, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Cà Mau, chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và đối tượng chính sách là giải pháp quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội; xây dựng nông thôn mới; góp phần hạn chế tình trạng học sinh sinh viên phải bỏ học do gia đình gặp khó khăn về tài chính, nhiều hộ gia đình xây dựng được công trình nước sạch và vệ sinh, nhiều hộ nghèo có nhà ở ổn định, khang trang hơn, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Cà Mau, 9 tháng đầu năm, chi nhánh đã giải ngân cho hơn 24.100 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách, giúp hơn 2.250 hộ nghèo, hộ cận nghèo và mới thoát nghèo có vốn để phát triển sản xuất kinh doanh. Nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn ở nông thôn phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, khôi phục các làng nghề truyền thống, bộ mặt nông thôn được cải thiện.
Tấn Thái