Bình Thuận: Thắt chặt tình đoàn kết qua “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”

(Mặt trận) -Những ngày này, khắp các khu dân cư trên địa bàn tỉnh Bình Thuận ngập tràn không khí vui tươi, rộn ràng của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (ngày hội). Đây không chỉ là dịp để toàn thể nhân dân được tham gia các hoạt động tập trung ở cộng đồng dân cư, gắn kết tình làng nghĩa xóm mà còn phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong góp ý, xây dựng khu dân cư ngày càng phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của địa phương.

An Giang: Phát huy vai trò tập hợp, đoàn kết

Quảng Xương: Phát huy vai trò của MTTQ trong xây dựng nông thôn mới

MTTQ tỉnh Tuyên Quang phát huy quyền làm chủ của nhân dân

Nhộn nhịp ngày hội

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn 3, xã Gia An (huyện Tánh Linh) diễn ra trong không khí vui tươi, rộn ràng với nhiều hoạt động phong phú và đa dạng, góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết của người dân trong cộng đồng dân cư. Trong phần lễ, các đại biểu và nhân dân đã cùng nhau ôn lại lịch sử 94 năm xây dựng, trưởng thành của MTTQ Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2024) và đánh giá việc thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, trọng tâm là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Kết quả, toàn thôn có 420/431 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đạt 97,3%; 100% hộ gia đình có điện thắp sáng; 100% hộ dùng nước hợp vệ sinh. Bên cạnh đó, nhân dân trong thôn tích cực tham gia đóng góp các khoản quỹ ở địa phương đạt và vượt chỉ tiêu được giao; đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội... Nhân dịp này, lãnh đạo huyện mong muốn người dân trong thôn nâng cao tinh thần đoàn kết, tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động, chăm lo tốt hơn đời sống cho người nghèo, khó khăn, các đối tượng yếu thế....

 Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn 3, xã Gia An.

Còn tại thôn Bình Tiến, xã Phan Hiệp (huyện Bắc Bình), Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức đầy đủ 2 nội dung. Phần lễ được tổ chức ngắn gọn, tập trung đánh giá Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Nổi bật, nhân dân trong thôn đã đóng góp Quỹ “Vì người nghèo”, “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” đạt chỉ tiêu đề ra; vận động nhân dân thực hiện tốt các phong trào như ánh sáng an ninh, bê tông đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, kênh mương với kinh phí nhân dân đóng góp 83 triệu đồng... Toàn thôn Bình Tiến hiện còn 7 hộ nghèo, 21 hộ cận nghèo, 3 tộc họ; có 522/538 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, đạt 97%, 2/2 đạt dòng tộc văn hóa, 4/4 dòng họ học tập... Hòa với phần lễ trong ngày hội, các hoạt động văn hóa truyền thống và các trò chơi dân gian, văn nghệ cũng diễn ra sôi nổi. Cùng với đó, những món quà yêu thương cũng được trao cho các hộ còn khó khăn hay các suất học bổng để nâng bước, động viên học sinh nghèo đến trường. Tất cả đã tạo nên một ngày hội thật sự trọn vẹn, thiết thực và nhiều ý nghĩa.

Ngày hội được tổ chức đồng loạt

Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Bình Thuận, ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024 diễn ra ít nhất 1 ngày, tập trung trong khoảng từ ngày 10/11 - 18/11/2024. Trong đó, tập trung ra quân triển khai hoạt động đồng loạt vào các ngày thứ bảy, chủ nhật trong khoảng thời gian từ ngày 12/11/2024 - 17/11/2024 kết thúc.

Nội dung tuyên truyền về lịch sử, truyền thống vẻ vang của MTTQ Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đẩy mạnh tuyên truyền về thực hiện Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2024 – 2029; kết quả thực hiện nội dung cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do MTTQ Việt Nam các cấp chủ trì, phối hợp thực hiện, trọng tâm là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”...

Chương trình ngày hội diễn ra 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm các nội dung như báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kết quả phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; kết quả thực hiện cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước của địa phương; trao đổi, thảo luận của nhân dân... Phần hội, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, các trò chơi dân gian truyền thống của địa phương, sinh hoạt văn hóa cộng đồng; chú trọng phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc, của địa phương tạo khí thế sôi nổi trong ngày hội. Tổ chức các hình thức hội thi, hội diễn, đồng diễn, phát huy sáng kiến của nhân dân tham gia xây dựng và phát triển văn hóa truyền thống của địa phương. Tổ chức “Bữa cơm đoàn kết” nhân ngày hội tùy từng điều kiện thực tế của địa phương... Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc càng trở nên trang trọng khi có lãnh đạo tỉnh, huyện, xã tham dự và chung vui cùng nhân dân.

Đặc biệt, trước, trong và sau ngày hội, nhiều hoạt động thiết thực hướng về người nghèo được tổ chức như phối hợp vận động, tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ khó khăn, trao học bổng cho học sinh nghèo tại địa phương… Riêng cấp tỉnh, sẽ trao tặng 220 phần quà cho người nghèo, khó khăn, người già neo đơn, nạn nhân nhiễm chất độc da cam tại ngày hội. Cùng với đó, các địa phương phối hợp vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp khởi công xây dựng, bàn giao nhà đại đoàn kết, các công trình phúc lợi, công trình dân sinh ở cộng đồng nhân dịp ngày hội. Đồng thời, phát động nhân dân ra quân đồng loạt xây dựng khu dân cư “Sáng - xanh - sạch - đẹp”, ra mắt hoặc triển khai các hoạt động giữ gìn an ninh trật tự tại địa bàn; thành lập các mô hình tự quản bảo vệ môi trường, mô hình tự quản về an ninh trật tự ở khu dân cư...

THANH THUỶ