Bình Thuận: Khơi dậy nội lực xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

(Mặt trận) -Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên tỉnh Bình Thuận chủ động triển khai thực hiện đã khơi dậy sức sáng tạo, phát huy nội lực từ mỗi cộng đồng dân cư, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Diện mạo mới vùng nông thôn Hà Giang

Hiệu quả từ việc đổi mới, nâng cao chất lượng Công tác Mặt trận ở Lam Sơn

Mặt trận Tổ quốc TX. Cai Lậy: Dấu ấn qua một nhiệm kỳ

Phát huy nội lực

Thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới (NTM), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tỉnh Bình Thuận  vận động nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế, vận động các nguồn lực xây dựng NTM, nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mỗi người dân trong cộng đồng. Điểm nổi bật trong thực hiện chương trình xây dựng NTM đó là MTTQ các cấp tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hiến đất, hiến công để xây dựng giao thông nông thôn và các công trình dân sinh ở nông thôn. Minh chứng, trong năm 2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp vận động nhân dân đóng góp trên 5,461 tỷ đồng cùng Nhà nước triển khai thực hiện hoàn thành 113 tuyến đường bê tông xi măng dài 37,74 km; vận động nhân dân đóng góp 100% kinh phí thực hiện san lấp, sửa chữa 6 tuyến đường giao thông nông thôn với chiều dài trên 4,35 km trị giá trên 1 tỷ đồng; nạo vét 29 tuyến kênh mương nội đồng dài 58,8 km với số tiền trên 100 triệu đồng. Đồng thời, thực hiện 22 tuyến đường trụ cờ gồm 396 trụ cờ, trị giá 34,4 triệu đồng, nâng tổng số hiện nay toàn tỉnh lên 286 tuyến. Ngoài ra, huy động sức dân đóng góp trên 4 tỷ đồng thực hiện các công trình phúc lợi công cộng.

Nhà nước cùng nhân dân bê tông hóa đường giao thông nông thôn.

Đặc biệt, hưởng ứng Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh triển khai thực hiện 2 công trình trồng cây xanh với 2.000 cây sao đen, tổng kinh phí khoảng 125 triệu đồng. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên trồng 2.565 cây xanh và tuyến đường hoa với 50 cây hoàng yến, 70 bồn hoa; vận động 150 hộ dân trồng 3 tuyến đường hoa trên dọc tuyến đường chính và các công trình, phần việc hưởng ứng thực hiện Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh” tại các địa phương. Ngoài ra, hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia “Bình Thuận - Hội tụ xanh”, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã chủ động phối hợp với các tổ chức thành viên, các tổ chức tôn giáo, dân tộc tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân tổ chức các hoạt động vệ sinh môi trường, trồng hoa, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp tại gia đình, khu dân cư, các cơ sở thờ tự của tôn giáo và các danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.

 Xây dựng nhà đại đoàn kết cho người nghèo

Chung tay vì người nghèo

Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững và công tác an sinh xã hội thông qua Quỹ “Vì người nghèo” đã mang lại những kết quả thiết thực. Trong năm 2023, Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh Bình Thuận vận động trên 15,7 tỷ đồng/9,5 tỷ đồng, đạt 166,3%. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã triển khai xây dựng mới 68 căn nhà ở cho hộ nghèo với tổng số tiền trên 5,5 tỷ đồng. Các hoạt động an sinh xã hội của MTTQ và các tổ chức thành viên MTTQ các cấp trong tỉnh thực hiện thông qua các hoạt động thiết thực như trao tặng quà cho người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, tặng thẻ BHYT, hỗ trợ tiền điều trị bệnh và phẫu thuật phục hồi chức năng, tặng suất ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo và người cơ nhỡ… với tổng trị giá trên 44 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động từ thiện nhân đạo, thiết thực hỗ trợ giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn góp phần thực hiện hiệu quả phong trào “Chung tay vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau”…

Cùng với đó, Cuộc vận động xây dựng NTM đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của cán bộ và nhân dân trong xây dựng đạo đức, lối sống gắn với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tạo môi trường văn hóa lành mạnh ở mỗi cộng đồng dân cư, góp phần giữ gìn thuần phong mỹ tục, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Nhất là việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, xóa bỏ tập tục lạc hậu ở nhiều địa bàn nông thôn, sinh hoạt văn hóa cộng đồng ngày càng nâng cao... Thông qua hoạt động của các tổ tự quản, tổ hòa giải ở cơ sở, MTTQ và các tổ chức thành viên đã không ngừng xây dựng và thắt chặt tình đoàn kết ở cộng đồng dân cư. Kết quả, trong năm có trên 98% hộ đăng ký “Gia đình văn hóa”, 216 cơ sở thờ tự đăng ký “Cơ sở thờ tự văn hóa”, 61 dòng tộc đăng ký “Dòng tộc văn hóa”…

Những kết quả từ cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, làm thay đổi diện mạo nông thôn.

T.T