Bình Thuận: Bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới

(Mặt trận) -Bảo vệ môi trường nông thôn đang là vấn đề đang được các địa phương tập trung xử lý trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

Trong Bộ tiêu chí xây dựng NTM, tiêu chí môi trường giữ vai trò quan trọng, tác động trực tiếp đến chất lượng đời sống người dân. Môi trường ở khu vực nông thôn vẫn đối mặt với nhiều thách thức, nguy cơ ô nhiễm. Bảo vệ môi trường, giải được bài toán rác thải đang là vấn đề làm “đau đầu” các chính quyền địa phương trong chương trình xây dựng NTM. Theo đánh giá của các địa phương, trong xây dựng xã NTM nâng cao, tiêu chí về cảnh quan môi trường là tiêu chí gặp nhiều khó khăn. Để đạt tiêu chí về cảnh quan, môi trường, nhiều địa phương đã đầu tư các xe thu gom rác thải để mở rộng việc thu gom rác ở các tuyến đường. Vận động nhân dân nâng cao nhận thức giữ gìn vệ sinh môi trường.

 Huy động nhiều tổ chức, cá nhân và cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Ngọc Liêm – Chủ tịch UBND xã Hồng Sơn (huyện Hàm Thuận Bắc) cho biết: Việc thu gom rác mới chỉ được thực hiện những tuyến đường chính đông dân cư. Vì vậy, để cải tạo cảnh quan môi trường trên chặng đường xây dựng xã NTM nâng cao, xã đã thành lập các tổ thu gom rác thải ở các tuyến đường nhánh, ngõ xóm. Các thành viên của tổ vận động tuyên truyền người dân nâng cao ý thức giữ vệ sinh môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định và đề nghị địa phương xử phạt nếu vi phạm bỏ rác bừa bãi. Từ hiệu quả mang lại đến nay toàn xã có 2 thôn có tổ thu gom rác thải và sẽ nhân rộng ra các thôn còn lại của xã.

Thời gian qua, việc thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể quan tâm, huy động được nhiều tổ chức, cá nhân và cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường. Trong đó, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức của người dân những kiến thức, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng các mô hình về bảo vệ môi trường tại các khu vực nông thôn. Các địa điểm được lựa chọn để xây dựng mô hình, tổ chức tập huấn tập trung chủ yếu vào các xã bị ô nhiễm môi trường và các xã điểm xây dựng NTM với mục đích tuyên truyền cho cán bộ, hội viên và người dân nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường.

Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh tại các khu vực nông thôn hàng năm. Qua kiểm tra đã yêu cầu các cơ sở phải đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi đi vào hoạt động chính thức. Đặc biệt là đối với các trang trại chăn nuôi heo, cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Nhờ vậy, công tác bảo vệ môi trường của tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực: Giải quyết dứt điểm 2/5 điểm nóng về môi trường, 3 điểm nóng còn lại cơ bản đã được kiểm soát tốt, không phát sinh thêm điểm nóng về môi trường mới. Có 9/10 địa phương đã hoàn thành việc di dời các điểm thu mua, phế liệu ra khỏi khu dân cư... góp phần cải thiện chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, phong trào “Chống rác thải nhựa” đã lan tỏa mạnh mẽ trên toàn tỉnh góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái.

Bên cạnh đó, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được quan tâm. Toàn tỉnh Bình Thuận đưa vào sử dụng 60 công trình cấp nước khu vực nông thôn/65 công trình cấp nước toàn tỉnh, tổng công suất thiết kế 64.265 m3/ngày/đêm. Hiện có 98,5% dân số nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh, có 62,5% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số có khoảng 90% số hộ tại các xã thuần và thôn xen ghép được sử dụng nguồn nước sạch từ các công trình cấp nước. Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 69/93 xã đạt tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm.

C.T