Bình Dương: Giúp người nghèo vươn lên bằng những việc làm thiết thực

(Mặt trận) -Ngoài chính sách xây nhà cho hộ nghèo, chính quyền các cấp tỉnh Bình Dương tiếp tục thực hiện những việc làm ý nghĩa khác phù hợp với tình hình ở địa phương, cụ thể là các hoạt động như hỗ trợ học phí, trao học bổng cho con em hộ nghèo, hỗ trợ nguồn vốn sản xuất, kinh doanh, đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định...

Mang Tết đến với người nghèo huyện Tri Tôn

Niềm vui được đón Tết trong những ngôi nhà mới ở Quảng Trị

TP Đà Nẵng: Phát động chương trình Xóa nhà tạm, nhà dột nát” năm 2025

Xây dựng hàng trăm mái ấm kiên cố

Khoảng một tháng nay, từ khi được Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hòa Lợi (TP.Bến Cát) tổ chức khởi công xây tặng căn nhà “Đại đoàn kết”, tinh thần của chị Châu Ngọc Hoa, thường trú khu phố An Lợi phấn chấn hơn nhiều.

Chị Hoa là mẹ đơn thân của 2 con nhỏ, nhiều năm nay công việc không ổn định nên đời sống rất khó khăn, phải sống trong căn nhà tạm. Gần đây, con gái lớn chị Hoa bị bệnh tim, phải điều trị khá tốn kém nên cuộc sống gia đình càng khó. Chị Hoa chia sẻ: “Được chính quyền địa phương hỗ trợ cả trăm triệu xây nhà, gia đình tôi vui lắm. Vậy là năm nay được đón tết trong căn nhà mới, điều mà bao năm qua mấy mẹ con mơ ước nay đã trở thành sự thật. Có nhà cửa ổn định, mình chuyên tâm làm ăn, rồi khó khăn mấy cũng sớm qua...”.

Những ngày cuối năm, những căn nhà cho hộ nghèo được xây mới từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh đến với bà con hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ngày càng nhiều hơn. Mới đây, trong ngày nhận nhà mới, bà Nguyễn Thị Út (ngụ KP.Tân An, phường Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An) không giấu được niềm vui. “Được địa phương xây tặng nhà, hỗ trợ vật dụng vào nhà mới như thế này thì còn gì vui bằng. Tôi rất mong những hộ nghèo tiếp tục được quan tâm, chia sẻ từ những việc làm ý nghĩa như thế này, giúp họ sớm thoát nghèo bền vững”, bà Út chia sẻ.

Xác định xây nhà ở kiên cố là một trong những giải pháp giúp hộ nghèo sớm thoát nghèo và không tái nghèo, trong những năm gần đây, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh không ngừng đẩy mạnh chương trình này. Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị còn thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo như chính sách tín dụng ưu đãi; hỗ trợ giáo dục, y tế; hỗ trợ tiền điện; thực hiện các hoạt động chăm lo cho người nghèo và công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Song song đó, trong năm 2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh còn phối hợp với các đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện tốt công tác xã hội hóa chăm lo cho hộ nghèo với số tiền gần 93 tỷ đồng.

 Những căn nhà “Đại đoàn kết” khang trang được các địa phương trao đến người nghèo trong những ngày cuối năm để kịp đón Tết Nguyên đán 2025

Xác định xây nhà ở kiên cố là một trong những giải pháp giúp hộ nghèo sớm thoát nghèo và không tái nghèo, trong những năm gần đây, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh không ngừng đẩy mạnh chương trình này. Chỉ trong năm 2024, toàn tỉnh có hơn 100 hộ nghèo, cận nghèo được xây tặng nhà “Đại đoàn kết”, trị giá 6,124 tỷ đồng. Tính từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 441 hộ được xây tặng và sửa chữa nhà từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo”, với tổng kinh phí hơn 36 tỷ đồng.

Nhiều việc làm thiết thực

Từ năm 1997 đến nay, tỉnh Bình Dương đã 9 lần xây dựng chuẩn nghèo cao hơn mức chuẩn nghèo Trung ương nhiều lần. Hiện mức chuẩn nghèo của Bình Dương cao hơn Trung ương 1,5 lần. Để giúp các hộ nghèo vươn lên, bên cạnh thực hiện đồng bộ các chính sách, từng địa phương trong tỉnh xây dựng công tác giảm nghèo phù hợp với địa phương mình. Các phong trào như “Ngày vì người nghèo”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; xây dựng “Tổ tiết kiệm - tín dụng”, “Quỹ khuyến học”, “Quỹ tín dụng cho người nghèo”; phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”; vận động thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững đã được các địa phương thực hiện tốt.

Song song đó, ở các địa phương còn triển khai nhiều cách làm hay như mô hình “Cán bộ, đảng viên giúp hộ nghèo”; quỹ nuôi bò sinh sản, thâm canh cây tiêu, nuôi gà thả vườn, trồng nấm... Đặc biệt, trong những năm gần đây, mô hình “Dạy nghề gắn với tạo việc làm cho người nghèo dựa vào cộng đồng” đã được triển khai rộng khắp. Thông qua mô hình, hàng trăm trường hợp được trợ giúp, tạo việc làm, có điều kiện thoát nghèo bền vững. Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục quan tâm, đào tạo nghề cho lực lượng lao động trẻ, trong đó có con em hộ nghèo, gia đình khó khăn. Từ năm 2021 đến nay, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn đã đào tạo nghề cho 143.000 học viên, tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt hơn 90%, trong đó có nhiều người là con em các hộ nghèo.

Một số xã, phường còn có cách làm sáng tạo, đưa ra mô hình giảm nghèo hiệu quả. Điển hình như UBND phường Phú Lợi (TP.Thủ Dầu Một) thực hiện mô hình “Hồ sơ nhân ái”. Với mô hình này, cán bộ phường phối hợp cùng cán bộ khu phố trực tiếp đến gặp gỡ các hộ khó khăn trên địa bàn để rà soát, thống kê hoàn cảnh cụ thể của từng hộ gia đình, nhu cầu hỗ trợ, trợ cấp thêm gì để giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Sau đó, phường lập hồ sơ từng hộ để theo dõi; bước tiếp theo là vận động các nhà hảo tâm trên địa bàn nhận hỗ trợ hàng tháng. Tùy vào từng trường hợp mà các hộ nghèo nhận hỗ trợ từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/tháng, thậm chí cao hơn...

Nói về giải pháp để giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững và không có hộ tái nghèo, ông Trịnh Đức Tài, Giám đốc Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: “Trong quá trình phát triển, tỉnh luôn quan tâm bố trí nguồn lực tương xứng cho công tác giảm nghèo vào nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn và hàng năm của địa phương. Công tác giảm nghèo còn nhận được sự đồng thuận của cộng đồng, nhân dân, doanh nghiệp và các cá nhân. Các sở, ngành trong tỉnh tiếp tục phối hợp thực hiện các chương trình giảm nghèo, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về công tác giảm nghèo; tuyên truyền chính sách cho người nghèo nhằm làm chuyển biến nhận thức của hộ nghèo, tự vươn lên thoát nghèo”.

Với việc áp dụng linh hoạt các chính sách giảm nghèo của địa phương và Trung ương, từ năm 2021 đến nay, tỉnh Bình Dương đã giảm được 5.447 hộ nghèo, không có hộ tái nghèo. Hiện Bình Dương còn 4.363 hộ nghèo/402.672 hộ dân, chiếm tỷ lệ 1,08%.

Q.T