(Mặt trận) - Rác thải nhựa (RTN) ngày càng tác động tiêu cực đến sức khỏe con người và môi trường sinh thái. Phát động Ngày Môi trường thế giới năm 2023, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Bé Mười kêu gọi lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương và toàn thể người dân quan tâm chỉ đạo và chung tay triển khai ngay các kế hoạch, hành động thiết thực để “chống ô nhiễm nhựa”.
|
Sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa được trưng bày tại lễ phát động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới. |
Chống ô nhiễm nhựa
Ô nhiễm môi trường (ONMT) nói chung, ô nhiễm nhựa nói riêng đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia đang phải đối mặt. Trong đó, có Việt Nam. Theo thống kê của ngành chuyên môn, lượng chất thải nhựa do con người thải ra hàng năm trên toàn cầu đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất. Trong đó, có một lượng lớn chất thải nhựa được đổ ra đại dương. Việc lạm dụng, sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi ni-lon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường. Vấn đề ô nhiễm nhựa, đặc biệt là ô nhiễm nhựa đại dương thực sự đáng báo động, đã, đang và sẽ gây thiệt hại to lớn cho môi trường sinh thái.
Tại tỉnh, mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 70 tấn rác thải nhựa, thu gom tái chế chiếm khoảng 10%, phần lớn còn lại chôn lấp tại các bãi rác. Tỷ lệ thực hiện phân loại rác tại nguồn theo quy định Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2020 còn thấp (khoảng 15%). Phát động Ngày Môi trường thế giới năm 2023, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười kêu gọi lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương và toàn thể người dân chung tay hành động thiết thực chống RTN. Cụ thể, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về tác hại của RTN, túi ni-lon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần. Tổ chức thường xuyên các hoạt động vì môi trường. Khuyến khích, hỗ trợ, áp dụng chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, doanh nghiệp tái chế. Đầu tư phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế RTN. Tập trung giải quyết dứt điểm các điểm nóng về môi trường. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT.
“Bên cạnh giải quyết vấn đề ô nhiễm RTN, tiếp tục quán triệt nhiệm vụ BVMT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội. Mỗi tổ chức, đơn vị, cá nhân cùng chung tay hành động BVMT sống, luôn chủ động phòng ngừa, kiểm soát môi trường, giải quyết triệt để các vấn đề ONMT trên địa bàn. Giảm tối đa phát thải và quản lý chặt chẽ chất thải phát sinh gây ONMT, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học hướng đến lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười lưu ý.
Giải quyết vấn đề rác sinh hoạt
Quan điểm nhất quán trong cả hệ thống chính trị tỉnh là phát triển kinh tế - xã hội phải đi đôi với BVMT để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Thời gian qua, các sở, ban, ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội và địa phương thực hiện nghiêm túc công tác BVMT, góp phần quan trọng cho sự phát triển của tỉnh. Công tác quản lý rác thải được các cấp, ngành quan tâm cũng như người dân tích cực tham gia hơn. Bên cạnh các kết quả đã đạt được, còn nhiều vấn đề, thách thức cần quan tâm. Công tác kiểm soát, giải quyết ONMT từ chất thải phát sinh, nhất là chất thải rắn, nước thải của hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoạt động chăn nuôi và sinh hoạt của người dân. Mặt khác, thực trạng các bãi rác trong tỉnh theo hình thức mở, quá tải, nguy cơ ô nhiễm cao.
Trưởng phòng Quản lý môi trường và biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Võ Văn Ngoan cho biết: Tất cả bãi rác ở các huyện đều quá tải trong khả năng tiếp nhận xử lý và đang trở thành điểm nóng ONMT. Điển hình như bãi rác ở thị trấn Chợ Lách, thị trấn Bình Đại, Mỏ Cày Nam, Tân Thanh (Giồng Trôm)… Chính khó khăn trong công tác xử lý mà việc mở rộng thu gom rác cũng hạn chế. Từ đó, lượng rác bị tồn ngoài môi trường. Cùng với đó, vấn đề chấp hành bỏ rác đúng nơi quy định của người dân còn hạn chế. Bộ phận không nhỏ người dân vẫn còn giữ thói quen thải bỏ rác xuống sông, rạch. Thói quen sử dụng và thải bỏ RTN sử dụng 1 lần, nhựa khó phân hủy còn nhiều và không được thu gom, xử lý triệt để.
Theo ông Võ Văn Ngoan, trước mắt để giải quyết các vấn đề về rác, Sở TN&MT sẽ tham mưu UBND tỉnh Bên Tre kiện toàn, hoàn thiện các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Ban hành sổ tay hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn, hướng dẫn công tác quản lý rác thải. Đồng thời, tăng cường tập huấn nâng cao năng lực quản lý rác thải cho cấp huyện đến cơ sở. Từng bước thực hiện quy trình thu gom, vận chuyển rác. Năm 2023 và thời gian tới, các ngành cũng như Sở TN&MT sẽ tăng cường giải quyết các vấn đề về rác thải sinh hoạt. Định hướng quy hoạch, tái cơ cấu lại nhà máy xử lý rác hiện hữu của tỉnh không hiệu quả.
Tại huyện Châu Thành, UBND tỉnh Bến Tre vừa tổ chức lễ phát động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5-6) năm 2023, với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”. Ngày Môi trường thế giới do Chương trình môi trường Liên hợp quốc phát động. Đây là sự kiện, là cơ hội quan trọng để mỗi người nhận thấy rõ hơn những vấn đề môi trường đang đối mặt, cũng như vai trò, trách nhiệm và hành động vì môi trường, cuộc sống. Với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”, Ngày Môi trường thế giới tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa” nhằm truyền tải mạnh mẽ thông điệp cùng xây dựng lối sống xanh, sạch, bền vững, hài hòa với thiên nhiên.
|
Phan Hân