Bảo vệ môi trường, xây dựng đô thị văn minh

(Mặt trận) -Những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) phường Thắng Lợi (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều mô hình, hoạt động nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường khu dân cư, góp phần xây dựng đô thị văn minh.

Đón Xuân ấm trong căn nhà mới

Lâm Đồng: Đồng bào dân tộc thiểu số vui mừng đón Xuân trong nhà mới

Xuân ấm trong những ngôi nhà mới

Đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi

Bà Trần Thị Thu Huyền-Chủ tịch Hội LHPN phường Thắng Lợi-cho biết: Hiện nay, người dân trên địa bàn chăn nuôi gần 3.000 con heo và hơn 400 con bò. Tuy đa số hộ chăn nuôi quy mô nhỏ nhưng ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

 Bà Nguyễn Thị Dung (tổ 5) tự trồng và chăm sóc hoa trước nhà để tạo cảnh quan sạch đẹp.

Do đó, Hội thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ nâng cao ý thức giữ vệ sinh trong chăn nuôi. Đến nay, hầu hết các hộ chăn nuôi đều đã xây dựng chuồng trại xa nhà ở, xây bể chứa chất thải, xây hầm biogas để xử lý chất thải nhằm hạn chế mùi hôi.

Theo bà Rah Lan H'Điệp-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Chuét 2: Trước đây, dân làng chăn nuôi gia súc thả rông; chuồng nuôi heo, bò gần nhà ở nên gây mùi hôi, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Vì thế, Chi hội thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên di dời chuồng trại ra xa nhà ở, không thả rông gia súc. Khoảng 4 năm trở lại đây, dân làng không còn tình trạng thả rông gia súc. Nhiều hộ đã chủ động di dời chuồng trại ra xa nhà ở.

Trò chuyện với P.V, bà Ksor H'Toăn (làng Chuét 2) chia sẻ: “Được các cấp hội phụ nữ tuyên truyền, vận động, mình đã di dời chuồng trại ra xa nhà ở. Đồng thời, mình đào hố thu gom chất thải”.

Còn bà Đinh Thị Hồng Thơ (tổ 1) thì cho hay: “Gia đình tôi nuôi khoảng 40-50 con heo nái và heo đực giống. Tôi xây hầm biogas để giảm thiểu tác động đến môi trường xung quanh”.

Xây dựng khu dân cư sạch đẹp

Bà Trịnh Thị Thanh-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ dân phố 5-thông tin: Để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho hội viên phụ nữ, trong các cuộc họp, Chi hội đều hướng dẫn hội viên cách xử lý rác thải để đảm bảo vệ sinh. Năm 2018, Chi hội triển khai mô hình “Phụ nữ phân loại rác thải”.

Đến tháng 6-2020 thì tiếp tục triển khai mô hình “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa”. Chi hội đã tặng gần 300 túi đi chợ nhiều lần cho hội viên phụ nữ. Ngoài ra, hàng tháng, Chi hội tổ chức dọn vệ sinh khu vực công cộng.

“Hiện nay, hầu hết hội viên đều có thói quen phân loại rác thải, dọn vệ sinh nhà cửa và khu vực xung quanh; đồng thời, tham gia trồng được gần 1 km con đường hoa nên cảnh quan môi trường sạch đẹp hơn”-bà Thanh nói.

Chỉ tay về con đường hoa dài hơn 40 m đi qua trước nhà do mình trồng, bà Nguyễn Thị Dung (tổ 5) cho biết: “Ngoài trồng và chăm sóc hoa, bà còn thường xuyên quét dọn để đoạn đường được sạch sẽ. Ngoài ra, bà cũng giữ thói quen đi chợ bằng túi vải và hộp nhựa để giảm thiểu sử dụng túi ni lông đựng thức ăn. Mỗi khi đi chợ về, bà đều phân loại rác thải thành 3 loại gồm: hữu cơ, vô cơ và tái chế. Theo đó, các loại vỏ trái cây, cuống rau bà ủ làm phân bón cho các loại cây ăn quả sau vườn; các lon bia, chai nhựa bà thu gom bán, các túi ni lông thu gom bỏ đúng vào nơi quy định để đơn vị thu gom rác thải mang đi xử lý”.

Bà Huyền khẳng định: Bên cạnh công tác tuyên truyền, Hội đã thành lập 3 mô hình “Phân loại rác thải”, 2 câu lạc bộ “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng 1 lần”. Ngoài ra, các cấp Hội duy trì “Ngày chủ nhật xanh” nhằm huy động hội viên ra quân dọn vệ sinh tại khu vực công cộng.

“Thời gian tới, Hội tiếp tục nhân rộng các mô hình về bảo vệ môi trường, vận động các hộ chăn nuôi di dời chuồng trại ra xa nhà ở và duy trì thường xuyên hoạt động dọn vệ sinh định kỳ, trồng con đường hoa, hàng rào xanh để góp phần cải tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp”-Chủ tịch Hội LHPN phường Thắng Lợi thông tin thêm.

N.H