Bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Bắc Bình

(Mặt trận) -Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận đã tích cực vận động đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Qua đó, đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.

Lâm Đồng: Đồng bào dân tộc thiểu số vui mừng đón Xuân trong nhà mới

Xuân ấm trong những ngôi nhà mới

Phù Yên chăm lo Tết cho hộ nghèo

Thực trạng...

Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bắc Bình, trước thực trạng môi trường trên địa bàn vùng đồng bào DTTS, người dân vẫn còn tập tục như chăn nuôi gia súc, gia cầm thả rông, đổ nước thải sinh hoạt ra đường làm ô nhiễm môi trường sống. Một thói quen chung mà đồng bào DTTS và vùng nông thôn thường gặp là sau khi phun thuốc trừ sâu bệnh hoặc cỏ dại, người nông dân súc rửa bình bơm và đổ thuốc thừa bừa bãi; bao bì, chai lọ chứa hóa chất độc hại vứt bỏ quanh nhà, quanh mương hoặc trên đồng ruộng... làm ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn nước sinh hoạt hàng ngày và tạo mầm móng phát sinh các loại bệnh ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh. Rác thải, túi ni lon, xác động vật nuôi chết, các đồ dùng phế thải của gia đình… còn bỏ bừa bãi trên các trục đường giao thông.

Từ thực trạng trên, trong những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã phối hợp cùng với các ngành xây dựng và triển khai các kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, hành động của cộng đồng dân cư trong vùng đồng bào DTTS về công tác tham gia xử lý rác thải, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân. Trong đó, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường được thực hiện với nhiều hình thức, góp phần tích cực trong công tác bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, tổ chức các hoạt động như thu dọn vệ sinh, khơi thông cống rãnh, trồng cây xanh hưởng ứng “Ngày môi trường thế giới” hàng năm. Đồng thời, xây dựng, nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả. Điển hình, như mô hình điểm “Khu dân cư bảo vệ môi trường” tại thôn Bình Minh, xã Phan Hòa; mô hình “Khu dân cư bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” vùng đồng bào theo đạo Bàni tại thôn Cảnh Diễn, xã Phan Thanh; mô hình điểm “Thùng rác thải gia đình” về bảo vệ môi trường trong khu dân cư thuộc xã Phan Lâm, xã Phan Tiến, xã Phan Sơn; mô hình “Xây bể xử lý chai lọ thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng” kết hợp lồng ghép chương trình 5 không, 3 sạch với chương trình bảo vệ môi trường; phong trào trồng cây xanh nhằm tạo cảnh quan môi trường thôn xóm xanh - sạch - đẹp tại xã Phan Thanh...

 Người dân xã Phan Hòa dọn vệ sinh môi trường ở khu dân cư

Chuyển biến tích cực

Đến nay, ở hầu hết các khu dân cư có đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn huyện Bắc Bình đã có xe thu gom rác trước khi đưa đi xử lý. Phong trào vệ sinh đường làng, ngõ xóm đi vào nền nếp... Nhiều địa phương đã lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường làm một trong những tiêu chí để đánh giá, bình xét, công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”. Nhờ đó việc bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Toàn huyện có 10/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới; các thôn đồng bào DTTS đã duy trì thường xuyên việc giữ vệ sinh đường làng, ngõ xóm. 100% số hộ dân được sử dụng nước sạch, 100% dân số đồng bào DTTS được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bắc Bình tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động đồng bào DTTS, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ tại địa bàn dân cư nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, ý thức thực hiện, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Xây dựng, thực hiện các quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư hướng vào công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; duy trì và nhân rộng các câu lạc bộ, các mô hình xử lý rác thải ở các thôn, xã. Quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý môi trường, xử lý rác thải tại cộng đồng...

T.T