(Mặt trận) -Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi người dân về bảo vệ môi trường, cấp ủy, chính quyền, MTTQ huyện Phù Yên của tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều mô hình xây dựng môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, góp phần hoàn thiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Đến các bản, xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao của huyện Phù Yên, nhận thấy vệ sinh môi trường được cải thiện đáng kể, khuôn viên mỗi gia đình, tuyến đường ngày càng trở nên sạch sẽ.
|
Mô hình “Ngôi nhà xanh gây quỹ từ rác thải tái chế” của Hội LHPN huyện Phù Yên. |
Trước đây tại bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi, nhân dân phát triển chăn nuôi tự phát, không có quy hoạch, chưa quan tâm đến việc xử lý chất thải chăn nuôi mà xả thẳng ra cống, rãnh thoát nước, gây mùi hôi, thối khó chịu, ô nhiễm môi trường. Triển khai thực hiện xây dựng bản nông thôn mới kiểu mẫu, Ban quản lý bản Nghĩa Hưng đã tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng chuồng trại ra xa nhà; không thả rông gia súc; tự thu gom rác thải hằng ngày; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc xả thải ra môi trường của các hộ chăn nuôi. Đồng thời, triển khai mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp”, “Tuyến đường nở hoa”... tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp và được các hộ dân trong bản đồng tình thực hiện.
Chị Đặng Thị Lưu, hộ chăn nuôi ở bản Nghĩa Hưng, chia sẻ: Gia đình tôi đã đầu tư khu chăn nuôi riêng biệt với hơn 200 con lợn, hằng ngày vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, chất thải được thu gom vào bể biogas hoặc xử lý bằng thuốc vi sinh. Chuồng trại sạch sẽ, giúp đàn lợn không bị dịch bệnh và cũng đảm bảo sức khỏe cho chính người chăn nuôi.
Sau 4 năm thực hiện triển khai các mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp”, đến nay, 100% các tuyến đường của bản Nghĩa Hưng được trồng hoa và chăm sóc thường xuyên, không còn tình trạng mất vệ sinh do ảnh hưởng của chất thải chăn nuôi trên các tuyến đường; 100% số hộ đều thực hiện tốt vệ sinh khu dân cư, đảm bảo ngăn nắp, gọn gàng; hằng tháng nhân dân trong bản đều tổ chức tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm.
Ông Nguyễn Đức Cường, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Nghĩa Hưng, phấn khởi nói: Sự thay đổi trong nhận thức và hành động của người dân về giữ gìn vệ sinh môi trường đã giúp bản hoàn thành được tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, huyện Phù Yên có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, mức tiêu chí bình quân đạt 11,3 tiêu chí/xã; 1 bản đạt chuẩn bản nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu. Ông Cầm Văn Dương, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, cho biết: Trong bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, tiêu chí số 17 về môi trường được xác định khó đạt, do giải quyết vấn đề môi trường không phải làm một lần, một đợt là xong, mà phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Do vậy, huyện Phù Yên duy trì tổ chức “Ngày thứ 7 tình nguyện” về cơ sở xây dựng nông thôn mới, hướng dẫn nhân dân thực hiện tiêu chí môi trường. Tổ chức ký cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường; đưa tiêu chí bảo vệ môi trường vào quy ước, hương ước của bản. Qua đó, tạo sự chuyển biến trong nhận thức; hoạt động bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường được quan tâm thực hiện.
Từ năm 2022 đến nay, mỗi năm huyện Phù Yên huy động trên 10.745 lượt người tham gia tu sửa 700 km đường nội bản, đường nội đồng, rãnh thoát nước; vệ sinh các tuyến đường ngõ xóm, thu gom, xử lý 6.827 m3 rác thải; huy động hơn 3.500 lượt người tham gia trồng 4.220 cây cảnh... Có 11 xã, thị trấn triển khai thu gom rác thải sinh hoạt, vận chuyển đến bãi chôn lấp rác thải tập trung; tỷ lệ rác thải được thu gom đạt 91%, rác thải được xử lý đạt 87%.
Hưởng ứng phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức đoàn thể các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và người dân nâng cao ý thức xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu là Hội LHPN huyện, đơn vị điển hình với cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch” và phong trào phụ nữ chung tay xây dựng tuyến đường hoa xanh - sạch - đẹp.
Bà Hà Thị Thuận, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phù Yên, cho biết: Hiện nay, Hội còn triển khai mô hình “Ngôi nhà xanh” tại tiểu khu 1, tiểu khu 6, tiểu khu 7 với 100% hội viên, phụ nữ trong các chi hội thực hiện thu gom rác thải nhựa, giấy, các loại rác thải có thể tái chế để bỏ vào các “ngôi nhà xanh”. Từ việc làm này đã giúp phụ nữ nói riêng, người dân nói chung từng bước hình thành thói quen phân loại rác, chung tay phòng chống rác thải nhựa, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường.
Với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, việc bảo vệ môi trường và môi trường nông thôn huyện Phù Yên có những chuyển biến và được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, để duy trì bền vững, bên cạnh sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, các địa phương tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi người dân; huy động sự chung tay góp sức của cộng đồng, doanh nghiệp tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Phù Yên về đích đúng lộ trình đề ra.
Huy Thành