Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội: Cầu nối đoàn kết ở cơ sở

(Mặt trận) -Các Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội đã và đang phát huy hiệu quả trong việc vận động, tuyên truyền đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với mọi tầng lớp nhân dân. Không chỉ là “cầu nối” tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, Ban Công tác Mặt trận còn là địa chỉ tin cậy xây dựng đoàn kết ở cơ sở.

Danh sách tài khoản tiếp nhận ủng hộ hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo

Mặt trận Tổ quốc xã Văn Phú thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tân Thạnh - Lan tỏa sâu, rộng các cuộc vận động, phong trào thi đua

Nhân dân phường Khương Đình (quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) chung tay dọn vệ sinh ngõ, phố vào dịp cuối tuần. 

Luôn gần dân, đề xuất nguyện vọng chính đáng

Thông tin về thành công nổi bật của Ban Công tác Mặt trận khu dân cư số 8, phường Khương Đình (quận Thanh Xuân), Trưởng ban Công tác Mặt trận Nguyễn Thanh Xuân cho biết, khi quận xây dựng Trường Trung học phổ thông Khương Đình và khu nhà ở X1, công tác giải phóng mặt bằng có lúc tưởng rơi vào bế tắc nhưng Ban Công tác Mặt trận và các ngành đã vào cuộc vận động kịp thời nên người dân tự nguyện bàn giao đất thực hiện dự án. Theo ông Xuân, có được thành công đó là nhờ nỗ lực của các thành viên Ban Công tác Mặt trận luôn sát dân, gần dân, hiểu dân, quan tâm phản ánh đề xuất những nguyện vọng yêu cầu chính đáng của người dân.

Theo ông Nguyễn Thanh Xuân, khu dân cư số 8 phường Khương Đình gồm 4 tổ dân phố 18, 19, 20, 21 với trên 1.200 hộ dân. Hằng năm, Ban Công tác Mặt trận của khu dân cư số 8 luôn duy trì tốt bữa cơm đại đoàn kết vào ngày 18-11 và duy trì đều nồi bánh chưng nghĩa tình vào dịp Tết Nguyên đán. Đều đặn mỗi tuần, tháng, Ban đều có sinh hoạt, trao đổi để nắm bắt và kịp thời giải quyết những vấn đề nổi cộm ở địa phương, nhờ đó tình hình an ninh trật tự ổn định. 

Còn tại thôn Đồng Ké, xã Trần Phú (huyện Chương Mỹ), địa bàn bốn bề đá vôi cằn cỗi, đời sống nhân dân còn khó khăn nhưng khi xây dựng nông thôn mới, 14 hộ dân trong thôn đã hiến tặng 461m2 đất vườn, 130m2 đất ở để xây dựng và mở rộng các trục đường làng, ngõ xóm. Thành công đó có vai trò rất lớn của Ban Công tác Mặt trận thôn, cùng với đó là vận động nhân dân giữ vệ sinh đường làng, ngõ xóm; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường, thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống văn minh.

Ông Nguyễn Viết Đăng, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn chia sẻ, cách để Ban Công tác Mặt trận thôn hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội mà địa phương đề ra là hướng về nhân dân, tăng cường sự đoàn kết, đồng thuận trong nhân dân. Với những thành tích đóng góp cho thôn năm 2022, ông Nguyễn Viết Đăng đã được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khen thưởng.

Nâng cao năng lực hoạt động

Với phương châm hướng về cơ sở, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội luôn chú trọng kiện toàn Ban Công tác Mặt trận theo hướng nâng cao chất lượng và năng lực hoạt động. Các trưởng Ban Công tác Mặt trận đều là người có uy tín, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Vì vậy, Ban Công tác Mặt trận tại mỗi khu dân cư đã thực sự là hạt nhân đoàn kết khơi dậy, phát huy tiềm năng của cộng đồng.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Tây Hồ Trần Quang Đạo cho biết: “Quận có 108 Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận. Việc kiêm nhiệm này đang giúp các khu dân cư thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, duy trì, nhân rộng, xây dựng mới các mô hình điển hình tiêu biểu gắn với thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Là địa bàn có 115 nhà chung cư đã đưa vào sử dụng, quận Long Biên đã thành lập được Ban Công tác Mặt trận tại 50/50 tổ dân phố có nhà chung cư. Theo đó, các thành viên trong Ban Công tác Mặt trận tham gia Ban quản trị nhà chung cư để tạo thuận lợi cho hoạt động chung của tòa nhà. Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Long Biên Ngô Thanh Xuân cho biết: “Phường Giang Biên đã lựa chọn để xây dựng điểm mô hình “Ban Công tác Mặt trận kiểu mẫu” tại tổ dân phố số 11. Sau hơn một năm đi vào hoạt động, mô hình này đang được phường và quận rút kinh nghiệm để nhân rộng”. 

Toàn thành phố hiện có 4.866 Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư. Sau Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2022-2025, các khu dân cư đã kiện toàn 1.437 trưởng Ban Công tác Mặt trận. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết: Các Ban Công tác Mặt trận ở cơ sở đã làm tốt chức năng, vận động, tập hợp nhân dân, động viên nhân dân tích cực tham gia lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần làm thay đổi quê hương. Thành viên Ban Công tác Mặt trận là những người gần dân, hiểu dân, sát dân, vì vậy, họ đang làm tốt vai trò “cầu nối” đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân. Thời gian tới, Mặt trận các cấp trên địa bàn thành phố sẽ tập trung xây dựng Ban Công tác Mặt trận ngày càng vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hiền Phương