Bắc Ninh: Đổi mới công tác Mặt trận, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

(Mặt trận) -Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Bắc Ninh chú trọng hướng hoạt động về cơ sở, nâng cao chất lượng công tác vận động, tập hợp, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh.

Yên Bái: 100% hộ dân bị thiệt hại về nhà do bão số 3 có nhà mới trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ

Khẳng định vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Bắc Ninh tích cực tham mưu với cấp ủy cùng cấp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Mặt trận, trong đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ chuyên môn và công tác tổ chức cán bộ. Tổ chức, bộ máy của MTTQ các cấp từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, đội ngũ cán bộ được quan tâm, bồi dưỡng nâng cao trình độ và năng lực công tác. MTTQ các cấp bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đổi mới trong tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua. Đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; chỉ đạo, hướng dẫn Ban Công tác Mặt trận các khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18-11).

Chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, kịp thời phản ánh, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền các cấp; góp phần giải quyết những bức xúc trong nhân dân ngay từ cơ sở. Tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường cung cấp thông tin cho nhân dân, định hướng dư luận xã hội. Khối đại đoàn kết toàn dân ở địa phương ngày càng được mở rộng và tăng cường.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Đình Lợi cùng lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh trao tặng bức ảnh “Bác Hồ - Bác Tôn” cho khu phố Nghĩa Lập, phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023.

Hướng mạnh hoạt động về cơ sở, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh hướng dẫn MTTQ cấp huyện, cấp xã tăng cường đổi mới phương thức hoạt động, coi trọng xây dựng mô hình điểm và tổng kết nhân rộng để các nội dung cuộc vận động, phong trào thi đua sát với từng địa bàn dân cư. Hằng năm, MTTQ các cấp trong tỉnh xây dựng, triển khai gần 200 mô hình điểm; MTTQ các cấp đăng ký từ 1 đến 2 việc làm trọng tâm về thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương. Ủy ban MTTQ cấp tỉnh, cấp huyện hằng năm ký kết chương trình phối hợp với UBND, các sở, ngành, đơn vị, các đoàn thể chính trị - xã hội về thực hiện nhiệm vụ vụ công tác.

Thực hiện Cuộc vận động (CVĐ) “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Ủy ban MTTQ cấp tỉnh, cấp huyện ký kết chương trình phối hợp với ngành văn hoá về phối hợp chỉ đạo thực hiện CVĐ. 100% đơn vị cấp xã đã ký kết  chương trình công tác giữa  Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”  và  UBND, Uỷ ban MTTQ và các tổ chức thành viên thực hiện các nội dung, chỉ tiêu của CVĐ. 100% thôn, làng, khu phố mở hội nghị triển khai CVĐ và ký cam kết trách nhiệm giữa Trưởng ban Công tác Mặt trận với Trưởng thôn, khu phố, các chi hội đoàn thể, Trưởng các dòng họ, Tổ liên gia; tổ chức cho các hộ gia đình ký cam kết thực hiện tốt các nội dung của CVĐ. 5 nội dung của CVĐ được triển khai sâu rộng gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, đổi thay diện mạo làng quê. Hiện thu nhập bình quân của người dân đạt 70 triệu đồng/năm.

Giai đoạn 2020-2023, toàn tỉnh có 92,1% hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hoá, hơn 90% khu dân cư đạt danh hiệu Làng văn hoá, Khu phố văn hoá. Tinh thần đoàn kết “tương thân tương ái” trong cộng đồng được khơi dậy và phát huy, các hoạt động hỗ trợ người nghèo ngày càng đa dạng như: hỗ trợ xây dựng nhà, tặng tư liệu sản xuất, khám, chữa bệnh… góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,94%.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh làm tốt công tác xây dựng, củng cố và giám sát chính quyền, duy trì thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp công tác với Thường trực HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội; Quy chế phối hợp công tác với Viện Kiểm sát nhân dân. Thực  hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội, Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tiến hành giám sát 16 nội dung, phản biện xã hội vào 96 dự thảo nghị quyết, chương trình, đề án của các cơ quan nhà nước các cấp, phản biện bằng văn bản với hơn 150 nội dung; MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, cơ sở thực hiện 210 cuộc giám sát; Ban Thanh tra Nhân dân giám sát được hơn 200 vụ việc về thực hiện chính sách pháp luật; Ban giám sát đầu tư của cộng đồng các địa phương đã giám sát được trên 600 công trình, dự án. Nhiều kiến nghị phản biện, giám sát được các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới MTTQ các cấp trong tỉnh tiếp tục xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân; làm tốt công tác tuyên truyền, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, bảo đảm sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động, tích cực tham gia thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của địa phương; kịp thời tập hợp, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân với các cấp ủy đảng, chính quyền, phối hợp  giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc ngay tại cơ sở; phát huy vai trò chủ trì hiệp thương, phối hợp thống nhất hành động của Mặt trận với các tổ chức thành viên, chú trọng việc phối hợp với chính quyền bằng các quy chế, chương trình, kế hoạch cụ thể để thực sự tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững mạnh, góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương.

Mai Phương