Bạc Liêu: Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

(Mặt trận) - Mục tiêu tổng quát của Chương trình giảm nghèo từ nay đến năm 2025 của Bạc Liêu là thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, theo phương pháp tiếp cận đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin), nâng cao chất lượng cuộc sống....

Thái Nguyên dồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát

Phước Đông: Quyết tâm xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu

Quảng Trị: Đẩy mạnh huy động nguồn lực chăm lo cho người nghèo

 

Ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: UBND tỉnh Bạc Liêu mới triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, với tổng nguồn vốn thực hiện trên 235 tỷ đồng; trong đó: Vốn ngân sách Trung ương trên 205 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển 9,7 tỷ đồng; vốn sự nghiệp trên 195 tỷ đồng); vốn ngân sách địa phương là 30,7 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển gần 1,5 tỷ đồng; vốn sự nghiệp trên 29,2 tỷ đồng).

“Bạc Liêu phấn đấu đến cuối năm 2025, hộ nghèo bình quân giảm còn dưới 1%. Trong đó, hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm 1%; không có hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng” – ông Duy nói.

Để hoàn thành mục tiêu quan trọng này, Bạc Liêu tăng cường hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu (đường giao thông, trường học, cơ sở y tế, cầu, hạ tầng điện, công trình thủy lợi). Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng 100 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm. Trên 40.000 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vùng khó khăn được hỗ trợ kết nối việc làm thành công. Trên 5.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ nhà ở, đảm bảo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững. Trên 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đảm bảo nguồn vốn cho vay 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh...

Với mục tiêu chống tái nghèo và xóa nghèo bền vững, ngoài tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Chung sức vì người nghèo”, việc tăng cường, huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo sẽ giúp Bạc Liêu hoàn thành được mục tiêu đề ra, hướng đến xóa trắng hộ nghèo.