Bạc Liêu: Sơ kết 3 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2023.

(Mặt trận) -Ngày 23/8, Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2023.

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

Bình Thuân: Lan tỏa yêu thương, chăm lo cho người nghèo

Hiệu quả từ Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo ở huyện Yên Sơn

 Quang cảnh Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, giai đoạn 2021 - 2023.

Theo đánh giá của Ủy ban MTTQ tỉnh Bạc Liêu, đến nay, cuộc vận động đã được triển khai sâu rộng đến từng ngõ ngách đời sống nhân dân. Nhận thức và thói quen của người tiêu dùng về hàng Việt đã có nhiều thay đổi, tâm lý tiêu dùng hàng nội đang trở thành thói quen của nhiều người dân. Từ thực tế cho thấy, Cuộc vận động đã góp phần tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh có cơ hội quảng bá thương hiệu, sản phẩm của mình trên thị trường; tạo “cầu nối” giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận hàng Việt Nam giá cạnh tranh, chất lượng tốt. Qua đó, đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và phát huy vai trò doanh nhân, khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt của người Việt Nam.

Ban Chỉ đạo Cuộc vận động quan tâm phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các chủ thể tham gia xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn 2021 - 2023, có 40 sản phẩm được UBNĐ tỉnh công nhận sản phẩm OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP trong tỉnh là có 108 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 4 sao (trong đó, 85 sản phẩm đạt 3 sao và 23 sản phẩm đạt 4 sao) với 55 chủ thể  và hiện nay còn rất nhiều sản phẩm truyền thống trong Nhân dân chưa được chuẩn hóa để tiến tới công nhận sản phẩm OCOP.

Trong giai đoạn 2021 - 2023, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh phối hợp Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, các đơn vị có liên quan đã tổ chức được 7 phiên chợ và 23 phiên hội chợ đưa “Hàng Việt về nông thôn” có trên 3.151 lượt doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia trưng bày và giới thiệu sản phẩm, có trên 122 ngàn lượt người đến tham quan mua sắm, doanh số bán hàng đạt trên 100 tỷ đồng.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Huỳnh Chí Nguyện cho rằng, để cuộc vận động ngày càng có sức lan tỏa, đạt được các mục tiêu Chỉ thị số 03 của Ban Bí thư Trung ương đặt ra, thời gian tới, tỉnh tiếp tục quán triệt, phổ biến, triển khai thực hiện các kết luận, chỉ thị của Ban Bí thư, Bộ Chính trị về cuộc vận động.

Việc triển khai thực hiện Cuộc vận động phải được đồng bộ, thống nhất và sâu rộng trong toàn tỉnh với hành động cụ thể, hiệu quả, thu hút sự quan tâm và tham gia của các tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là doanh nghiệp và người tiêu dùng ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giúp người dân có cơ hội tiếp xúc với hàng Việt chất lượng, giá cả hợp lý. Đồng thời đề nghị các cấp, các ngành, nhất là Ban Chỉ đạo tỉnh cần quan tâm nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Cuộc vận động, xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng yêu cầu cần tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội về Cuộc vận động, nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá và sử dụng hàng Việt Nam; Khuyến khích, động viên người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào là các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử và các kênh thương mại hiện đại, kết hợp hài hoà với hoạt động thương mại; tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin phản ánh các vấn đề liên quan đến thị trường, nguồn gốc, chất lượng, giá cả hàng hoá Việt Nam..

N.D