Bắc Kạn: Cải thiện môi trường trong xây dựng nông thôn mới

(Mặt trận) -Ngay từ khi bắt đầu triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân về công tác bảo vệ môi trường.

Phù Yên chăm lo Tết cho hộ nghèo

Mang Tết đến với người nghèo huyện Tri Tôn

Niềm vui được đón Tết trong những ngôi nhà mới ở Quảng Trị

 Mô hình nhà sạch, vườn đẹp do Ủy ban MTTQ xã Vũ Muộn (Bạch Thông) triển khai tại các thôn trên địa bàn xã.

Đặc biệt là đẩy mạnh truyền thông nhằm thay đổi tư tưởng, thói quen, tập quán của Nhân dân, thực hiện nếp sống văn minh, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ môi trường sống từ những việc làm nhỏ nhất.

Tính đến nay toàn tỉnh Bắc Kạn có 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 74 thôn được công nhận thôn đạt chuẩn nông thôn mới. Trong năm 2024, tỉnh Bắc Kạn đặt ra mục tiêu phấn đấu xây dựng 24 xã nông thôn mới, 06 xã nông thôn mới nâng cao, có thêm 152 thôn đạt chuẩn nông thôn mới.

Nhằm nâng cao chất lượng môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn, giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn. UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh với mục tiêu 65% chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn, duy trì, đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt đô thị phát sinh trên địa bàn, đảm bảo ít nhất 70% nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; xây dựng, nhân rộng mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Tổ chức triển khai tập huấn tuyên truyền Luật bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn; tuyên truyền cho cộng đồng dân cư cùng hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và ngày 05/6 hằng năm gắn liền với chủ đề theo từng năm.

Bên cạnh đó, phong trào trồng cây xanh, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, xây dựng đời sống văn hoá được triển khai và duy trì tốt ở nhiều khu dân cư; các xã đã triển khai đến các hộ thực hiện cải tạo, chỉnh trang hàng rào; công tác vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, phát quang cỏ dại có nhiều chuyển biến tích cực góp phần xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn. Thực hiện kế hoạch trồng 01 tỷ cây xanh đến nay đã đạt được kết quả tích cực, trong giai đoạn từ năm 2022-2024 trên địa bàn tỉnh đã trồng được 7.292.630 cây xanh.

Đến nay các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn các xã đã cơ bản ý thức được công tác bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh. Các gia trại chăn nuôi đã đầu tư xây dựng hệ thống biogas để xử lý chất thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi. Hiện nay UBND thành phố Bắc Kạn đang tổ chức triển khai thực hiện mô hình “Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025” tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng mô hình thí điểm về cải tạo cảnh quan môi trường tại xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn.

Đồng thời, đến nay toàn tỉnh Bắc Kạn đã triển khai thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Chỉ đạo 108/108 cơ sở Hội đăng ký ít nhất 1 hoạt động thiết thực tham gia xây dựng nông thôn mới, các cơ sở hội đều thực hiện hoàn thành; các cơ sở hội hằng năm đăng ký hỗ trợ hộ gia đình đạt tiêu chí 5 không 3 sạch, kết quả thực hiện đều đạt và vượt chỉ tiêu. Điển hình như huyện Bạch Thông đã triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình tự quản khu dân cư. Đến nay, toàn huyện xây dựng được 170 mô hình tự quản ở khu dân cư, trong đó Mặt trận tổ quốc các cấp chủ trì 69 mô hình, phối hợp thực hiện 101 mô hình. Các mô hình hoạt động cơ bản có hiệu quả, nhằm góp phần cho cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp.

 Bà con nhân dân thôn Quyết Thắng, xã Tân Tú (Bạch Thông) đang tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm.

Tại thôn Cốc Bây, xã Tân Tú (Bạch Thông), thôn có 37 hộ dân sinh sống, với 5 dân tộc gồm: Tày, Nùng, Mông, Dao và Sán Chỉ, khi Dự án 8 được triển khai đến thôn, người dân nơi đây đã được tuyên truyền, giáo dục thường xuyên về Luật Bình đẳng giới. Từ đó nhận thức của bà con đã dần thay đổi, vai trò của phụ nữ trong thôn được bình đẳng hơn. Qua phong trào xây dựng nông thôn mới, cả nam giới và nữ giới trong thôn đều đồng lòng chung tay thực hiện, qua đó góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Đến nay, làng quê Cốc Bây xanh sạch đẹp hơn, cuộc sống của các gia đình trong thôn được cải thiện, góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới.

Ông Dương Văn Hoàn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh cho biết: “Cải tạo môi trường nông thôn gắn chặt với xây dựng NTM đã được các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt, nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân. Cùng với đó là phải phát huy vai trò giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, giám sát của người dân, cộng đồng. Vận động Nhân dân đăng ký thực hiện phân loại, giảm thiểu rác thải tại nguồn, hạn chế sử dụng túi nilon. Xây dựng và nhân rộng các mô hình toàn dân tham gia bảo vệ môi trường như trồng, bảo vệ chăm sóc cây xanh, ngày chủ nhật xanh... Qua đó góp phần vào thực hiện nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM”./.

Bích Ngọc