Bắc Giang: Hiện thực hóa giấc mơ an cư cho người nghèo

(Mặt trận) -Hiện thực Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trên địa bàn tỉnh Bắc Giang năm 2024 cơ bản đã hoàn thành với 1.393 nhà được khởi công xây mới, sửa chữa.

Mang Tết đến với người nghèo huyện Tri Tôn

Niềm vui được đón Tết trong những ngôi nhà mới ở Quảng Trị

TP Đà Nẵng: Phát động chương trình Xóa nhà tạm, nhà dột nát” năm 2025

 Ông Đinh Đức Cảnh.

Nhân Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024, PV báo chí đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Đức Cảnh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang.

PV: Được biết trong những năm qua MTTQ tỉnh Bắc Giang đã vận động, huy động được nguồn lực rất lớn trong tỉnh để hỗ trợ người nghèo. Xin ông khái quát những kết quả nổi bật mà MTTQ tỉnh đã triển khai thực hiện được trong thời gian qua?

Ông Đinh Đức Cảnh: Quán triệt sâu sắc quan điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Giang về thực hiện chính sách an sinh xã hội, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, những năm qua MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã đưa ra nhiều giải pháp phù hợp, nhiều cách làm mới đã chạm đến trái tim, lòng nhân ái của các tổ chức, cá nhân để huy động các nguồn lực hỗ trợ người nghèo, người yếu thế giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

Trong đó, nhiều “ngôi nhà mơ ước” đã trở thành hiện thực. Chỉ tính riêng từ năm 2021 đến nay, tỉnh Bắc Giang đã vận động được gần 200 tỷ đồng ủng hộ Quỹ Vì người nghèo. Cùng với nguồn kinh phí vận động được đã xây mới, sửa chữa được 3.638 ngôi nhà Đại đoàn kết tặng hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình yếu thế, cô đơn. Hàng nghìn hộ nghèo được giúp đỡ về giống, vốn, tư liệu sản xuất.

 Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang cùng các đại biểu khánh thành và bàn giao nhà Đại đoàn kết tại xã Yên Sơn (huyện Lục Nam). Ảnh: Văn Chức.

Vậy chủ trương, mục tiêu của Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024 và chương trình an sinh xã hội năm 2025 sẽ được MTTQ tỉnh Bắc Giang triển khai như thế nào để tạo nguồn lực giúp đỡ người nghèo tốt hơn, thưa ông?

- Về chủ trương của Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024 và chương trình an sinh xã hội năm 2025, các cấp Mặt trận trong tỉnh quyết tâm vận động xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” đạt và vượt 50 tỷ đồng. Từ số tiền vận động được, tỉnh Bắc Giang sẽ có thêm nguồn lực để xây dựng nhà ở, tặng quà hộ nghèo dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và thực hiện chương trình an sinh xã hội năm 2025.

Để đạt được mục tiêu đó, trong Tháng cao điểm năm nay, MTTQ tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức Lễ phát động với chủ đề “Mái ấm cho đồng bào tôi”. Theo đó, đối tượng được ưu tiên hỗ trợ đầu tiên đó là người nghèo, hộ nghèo để sửa chữa, xây mới nhà ở. Ngoài ra, tiếp tục hưởng ứng phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát động tại tỉnh Hòa Bình.

Ngoài việc xóa nhà tạm, nhà dột nát theo mục tiêu đã đề ra, năm 2025 chương trình an sinh xã hội của tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng tập trung vận động các tầng lớp nhân dân đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; hỗ trợ vật tư, công cụ sản xuất, giống vật nuôi, cây trồng; hỗ trợ cứu đói đột xuất. Bên cạnh đó, các cấp Mặt trận đẩy mạnh phối hợp với các ngành chức năng tham gia giám sát các dịch vụ xã hội cơ bản, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch.

Để đạt các mục tiêu của Tháng cao điểm năm nay, Ủy ban MTTQ - Ban vận động Quỹ Vì người nghèo tỉnh Bắc Giang đã lên kế hoạch triển khai như thế nào, thưa ông?

- Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Ban Thường trực - Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch tổ chức với mục tiêu, nội dung phù hợp điều kiện, tình hình năm 2024. Bên cạnh đó, các cấp Mặt trận đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, mục tiêu, nhiệm vụ của Tháng cao điểm trên các loại phương tiện truyền thông đại chúng, các trang thông tin của MTTQ và các tổ chức thành viên.

Về đối tượng vận động dịp này tập trung vào các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong tỉnh; người lao động trong các doanh nghiệp thông qua trích một phần lợi nhuận của doanh nghiệp để ủng hộ. Đối với cán bộ, công chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp, các đơn vị hành chính sự nghiệp, vận động tối thiểu một ngày lương, ngày thu nhập.

Để đạt được mục tiêu đề ra, MTTQ tỉnh Bắc Giang thành lập các đoàn gồm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh làm trưởng đoàn để trực tiếp tới các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”. Bên cạnh đó định hướng, đề ra chỉ tiêu vận động đối với khối các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cấp tỉnh; khối các huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở về khả năng và điều kiện cụ thể.

Kế hoạch của năm 2025 là các cấp Mặt trận huy động nguồn lực hỗ trợ xây mới, sửa chữa trên 900 nhà Đại đoàn kết. Số lượng nhà cần xây mới, sửa chữa khá lớn. Vậy, tiêu chí về chất lượng nhà được đặt ra như thế nào, thưa ông?

- Theo yêu cầu của tỉnh Bắc Giang, nhà sau khi được hỗ trợ xây mới, sửa chữa phải đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2, đảm bảo “3 cứng” và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên. Ngoài ra, các công trình phụ trợ như: Bếp, nhà vệ sinh phải được bố trí đảm bảo vệ sinh, thuận tiện cho sinh hoạt. Với quyết tâm “Chung sức, đồng lòng” hiện thực hóa giấc mơ an cư cho người nghèo, các cấp Mặt trận tỉnh Bắc Giang quyết tâm vận động, hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh trước dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đó là cách các cấp Mặt trận tỉnh Bắc Giang thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trân trọng cảm ơn ông!

“Năm 2024, chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã cơ bản hoàn thành. Hiện, toàn tỉnh đã xây mới, sửa chữa được 1.393 nhà ở cho các đối tượng. Năm 2025, qua thống kê sơ bộ, toàn tỉnh còn trên 900 hộ gia đình cần xây mới, sửa chữa nhà ở do nhiều yếu tố khách quan trước đó như chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất ở không phù hợp với quy hoạch hay do nhu cầu, phong tục và khả năng đối ứng của hộ dân…

Nguyễn Phượng - Văn Chức (thực hiện)