An Giang phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc

(Mặt trận) -Những tháng đầu năm 2022, hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh An Giang có nhiều nội dung, phương thức đa dạng, sát với thực tiễn, hướng về cơ sở. Hệ thống MTTQ các cấp trong tỉnh phối hợp các tổ chức thành viên thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi nguồn lực chăm lo công tác an sinh xã hội…

Danh sách tài khoản tiếp nhận ủng hộ hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo

Mặt trận Tổ quốc xã Văn Phú thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tân Thạnh - Lan tỏa sâu, rộng các cuộc vận động, phong trào thi đua

 Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang Nguyễn Tiếc Hùng tặng quà cho gia đình chính sách

Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh”, những năm qua, MTTQ và các tổ chức đoàn thể tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền; huy động nhân dân chung sức xây dựng NTM, đô thị văn minh gắn kết chặt chẽ với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị.

Đồng thời, vận động đoàn viên, hội viên tham gia các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động, như: “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…

Ban Thường trực UBMTTQVN các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền trong nhân dân thực hiện các tiêu chí về xây dựng NTM, đô thị văn minh trên địa bàn, nhất là ở các xã đang xây dựng NTM và duy trì, nâng chất các mô hình “Hành lang giao thông thông thoáng, mỗi nhà làm hàng rào cây xanh, cột cờ thẳng tắp”; mô hình “Ấp tự quản bảo vệ môi trường” tại các xã, phường, thị trấn.

UBMTTQVN cấp xã và Ban công tác Mặt trận khóm, ấp duy trì và nâng chất 241 mô hình giúp nhau giảm nghèo bền vững, 305 mô hình xây dựng gia đình hạnh phúc, 252 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; có 246 mô hình chăm sóc, bảo vệ trẻ em; 347 ấp xây dựng mô hình “Ấp tự quản bảo vệ môi trường”, có 216 mô hình về xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; 342 mô hình bảo vệ an ninh Tổ quốc, 448 mô hình bảo đảm an toàn giao thông, 272 mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm và 167 mô hình “Lãnh đạo Đảng, chính quyền lắng nghe góp ý của nhân dân”.

Thực hiện cuộc vận động “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, UBMTTQVN các cấp tổ chức hiệp thương, phối hợp các đoàn thể đăng ký hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo có địa chỉ. Đồng thời, tích cực vận động xây dựng Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Cứu trợ và thực hiện tốt các hoạt động nhân đạo, từ thiện khác nhằm hỗ trợ, chăm lo cho người nghèo, gia đình chính sách, các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. 6 tháng đầu năm 2022, Ban Vận động Quỹ Vì người nghèo các cấp trong tỉnh đã tiếp nhận tiền và hiện vật quy tiền gần 142,5 tỷ đồng (tiền mặt trên 50,5 tỷ đồng; hiện vật quy tiền gần 92 tỷ đồng) chăm lo người nghèo và thực hiện các hoạt động an sinh xã hội.

Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh đã thực hiện tốt các nhiệm vụ, như: Tham mưu cấp ủy, xây dựng văn bản triển khai, hướng dẫn MTTQ cấp huyện, xã giám sát và phản biện xã hội, bố trí con người, tạo điều kiện tốt để phục vụ nhiệm vụ và thực hiện tốt công tác phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội trong hướng dẫn và tổ chức giám sát, phản biện xã hội. Đồng thời, tích cực tham gia các đoàn giám sát, khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang; Thường trực các Ban của HĐND tỉnh và Hội Nông dân tỉnh thực hiện giám sát, khảo sát chuyên đề tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Từ đầu năm đến nay, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh phối hợp Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh và HĐND, UBND, Ban Thường trực UBMTTQVN cấp huyện tổ chức cho đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri trước kỳ họp (lần thứ 3, Quốc hội khóa XV và lần thứ 8, HĐND tỉnh khóa X) tại 111 điểm, với 7.965 cử tri tham dự phát biểu 490 ý kiến phát biểu đóng góp trên nhiều lĩnh vực về pháp luật và đời sống xã hội, tập trung các vấn đề: Giải pháp khôi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19; giá vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng và nhiên liệu tăng bất thường ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế đất nước…

Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang Nguyễn Tiếc Hùng đề nghị, thời gian tới, UBMTTQVN các cấp trong tỉnh tập trung nâng cao năng lực hoạt động đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Tăng cường tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn gắn với hoạt động kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang (1832-2022) và các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Đồng thời, phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh; mở rộng, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động đối ngoại nhân dân. Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội đối với công tác an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng…

TRUNG HIẾU