Ấm tình người trên đường hồi hương

(Mặt trận) - Giữa mưa gió bời bời những ngày qua là cảnh hàng ngàn người dân về quê tránh dịch. Chặng đường dài hồi hương nhọc nhằn nhưng cũng thấm đẫm tình người.

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thanh Hóa: Hỗ trợ người nghèo “an cư” đón tết

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

Đôi vợ chồng trẻ Hà Văn Chắt - Nguyễn Thị Đức trên đường về quê tránh dịch. Ảnh: Nguyễn Thành 

Trắng tay trở về

18h ngày 8/10, hàng trăm người dân đi xe máy từ các tỉnh phía Nam về đến trạm kiểm soát tại Hòa Phước (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) được cảnh sát giao thông yêu cầu dừng lại, tập hợp tại địa điểm dã chiến đã dựng sẵn để ăn uống, nghỉ ngơi chờ có xe dẫn đoàn vào hầm Hải Vân để qua Huế. Lần đầu tiên trong lịch sử, hầm đường bộ Hải Vân mở cửa cho người dân chạy xe máy qua hầm.

Từ Đồng Nai, chị Nguyễn Thị Đức (25 tuổi) mang bầu gần 8 tháng ngồi sau xe máy của chồng là anh Hà Văn Chắt (27 tuổi). Để vợ đỡ mỏi, anh Chắt chế thêm giá để va ly phía sau rồi kê thêm gối cho vợ tựa lưng. Đến Đà Nẵng, hai vợ chồng đã đi được hơn nửa chặng đường về quê Nghệ An. Dừng xe, chị Đức bước xuống, ngồi bệt bên lề đường vì mệt mỏi. Nhận nước uống từ đoàn từ thiện, anh Chắt đổ nước giặt khăn lau mặt rồi đấm lưng cho vợ. Hành trình dài khiến hai vợ chồng mệt lả. “Đêm qua, vợ chồng em phải ngủ ở ngôi nhà hoang gần đèo Cả (Phú Yên). Cũng may vợ em nó khỏe, dọc đường về đây mọi việc vẫn ổn. Biết nguy hiểm nhưng chẳng còn cách nào khác nên phải về quê thôi anh”, anh Chắt nói.

Hai vợ chồng trẻ cùng quê ở xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An), cưới nhau hồi tháng 6 năm ngoái, sống cùng bố mẹ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, cuối tháng 5, hai vợ chồng quyết định Nam tiến để mưu sinh, lập nghiệp. Được giới thiệu, cả hai vào Đồng Nai làm công nhân cho một xưởng gỗ khi chị Đức đã mang bầu con đầu lòng được hơn 2 tháng. Làm việc chưa được bao lâu thì dịch COVID-19 bùng phát, hai vợ chồng cùng thất nghiệp, về bó gối ở phòng trọ. Mấy tháng nay sống nhờ vào sự giúp đỡ của các đoàn từ thiện, nhưng thấy không thể cầm cự được nữa, tàu xe không có, vợ chồng đành quyết định về quê bằng xe máy, dù biết rằng hành trình sẽ vất vả, khổ cực.

Ngồi bên vợ, anh Chắt tâm sự: “Ban đầu, vợ chồng em cũng tính ở lại bám trụ, chờ vợ sinh con xong, em sẽ một mình cáng đáng. Nhưng dịch bệnh làm mọi thứ thay đổi. Tiền trọ không có để trả, vợ lại gần sinh, ở lại ngày nào khổ ngày đó. Giờ về quê dù nghèo khó còn có mẹ cha, bà con lối xóm. Ở xứ người, bơ vơ không biết mai mốt bấu víu vào đâu”.

Cháu Hà Bảo Nhật Ken (3 tuổi) ngồi giữa, trước là cậu ruột cầm lái, sau là bà nội Lô Thị Lương (dân tộc Thái) đi từ Bình Dương về xã Mường Nọc (Quế Phong, Nghệ An). Tại trạm dừng nghỉ, hai bà cháu được đội tình nguyện tặng nước uống, trái cây, bánh kẹo; nhiều người đến cho tiền. Bà Lương kể, bố mẹ cháu đều là công nhân, ở trọ tại Bình Dương, bà vào trông cháu. Dịch xảy ra, con trai, con dâu đều thất nghiệp vì công ty ngừng hoạt động, cắt giảm nhân lực. Cả nhà ở trọ sống lay lắt bằng tiền tích góp được và hàng cứu trợ của các đoàn thể, đội tình nguyện. Thấy tình thế không thể kéo dài, bà Lương về quê mang theo cháu nội. “Ở trọ chật chội, bức bí, thiếu thốn đủ bề. Về quê, còn có vườn tược, bà cháu nuôi nhau. Bố mẹ cháu ban đầu cùng tính về luôn, nhưng đến phút chót, chúng quyết định ở lại. Hy vọng tụi nó sớm có việc làm trở lại, tích góp được để Tết về quê thăm con”, bà nói.

Cũng từ Bình Dương, thợ hồ Vũ Văn Thái (44 tuổi, quê ở Vũ Hội, Vũ Thư, Thái Bình) lái chiếc xe máy cà tàng về quê. Phía sau xe máy, ông chế bình nước 5 lít, rồi cắm dây truyền dịch vào để nước nhỏ giọt làm mát động cơ. Dọc đường xe thủng săm, nổ lốp mấy lần nhưng may đều có các đoàn tình nguyện giúp. “Vừa từ quê vào Bình Dương hồi tháng 6 đã kịp làm gì đâu. Giờ trắng tay, tình thế không thể trụ lại được. Trước mắt về quê, chứ sống lay lắt, xa nhà, người nhà cũng không an tâm. Mai mốt hết dịch, rồi lại vào Nam kiếm việc làm nuôi vợ con”, ông Thái nói.

Anh Nguyễn Đình Phượng nhận tiền giúp đỡ từ người xa lạ tại Bệnh viện đa khoa miền núi phía bắc Quảng Nam. Ảnh: V.A 

Tình người ấm áp

Anh Nguyễn Đình Phượng (36 tuổi, ở xã Bình An, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đang nằm chữa trị tại Bệnh viện đa khoa miền núi phía bắc Quảng Nam (đóng tại huyện Đại Lộc). Mấy ngày trước, anh chở theo anh Nguyễn Đức Mỹ (38 tuổi, ở xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, không biết đi xe máy) chạy từ Bình Dương về quê sau hơn 4 tháng sống lay lắt ở vùng dịch. Lúc 3 giờ sáng, chạy đến huyện Đại Lộc, do mệt mỏi, buồn ngủ, anh Phượng lao xe xuống hố ven đường, chân phải bị gãy.

May mắn, hai anh em được một chị nhà ở bên đường phát hiện. Rồi một nhóm bạn trẻ ở xã Đại Hồng (Đại Lộc) kêu gọi bạn bè giúp đỡ, cưu mang trong những ngày đầu. Hay tin, một nhóm bạn trẻ đồng hương Nghệ Tĩnh (Nghệ An - Hà Tĩnh) tại Quảng Nam và Đà Nẵng nhanh chóng kêu gọi giúp đỡ. Bên giường bệnh, nhận số tiền gần 24,5 triệu đồng mà đồng hương quyên góp được, anh Phượng hết sức bất ngờ và cảm động. “Không may mắn khi gặp nạn giữa đường, anh em ấm lòng và yên tâm hơn khi nhận được sự quan tâm, chia sẻ của những người xa lạ. Những ân tình ấm áp, những giúp đỡ quý giá, anh em không biết cách nào báo đáp”, anh Phượng nói.

Tại trạm trung chuyển hầm Hải Vân (Đà Nẵng) những ngày qua, nhiều nhóm tình nguyện, tổ chức đoàn thể của thành phố túc trực để giúp đỡ, tiếp sức hàng trăm lượt người về quê. Những suất ăn, phần quà, tiền mặt và xăng xe miễn phí giúp người dân vơi bớt nhọc nhằn trên đường hồi hương.

Ngày 9/10, lãnh đạo Đà Nẵng đồng ý gửi văn bản đến các tỉnh thành, giới thiệu hai nhóm “Tình nguyện trẻ Đà Nẵng” và “Bạn thương nhau” chở người dân về các địa phương phía Bắc. Đây là hành động rất thiết thực và kịp thời để giúp người dân vơi bớt nhọc nhằn, rút ngắn đường về quê.

Anh Nguyễn Bình Nam, Trưởng nhóm “Bạn thương nhau”, cho biết đã huy động được nguồn lực từ những người hảo tâm để thuê 7-10 xe loại 45 chỗ, chở phụ nữ có thai, trẻ em, người lớn tuổi, người bệnh. Đồng thời, sẽ có các xe tải chạy song song để chở xe máy và tài sản của người dân về quê. Do phải đảm bảo khoảng cách nên các xe chỉ chở được khoảng 30 người/chuyến. Anh Trần Đình Quốc Khương, Trưởng nhóm “Tình nguyện trẻ Đà Nẵng”, cho biết, đã lên chương trình thuê 25 xe (đợt 1) để đưa khoảng 1.000 người dân về quê.