(Mặt trận) -Chỉ trong vòng một năm Hà Tĩnh đã huy động trên 210 tỷ đồng, xây dựng hơn 2.000 nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn từ nguồn xã hội hóa.
|
Ông Nguyễn Xuân Diệng chia sẻ niềm vui nhà mới với cán bộ Mặt trận huyện Lộc Hà, xã Thịnh Lộc. |
Trận lũ lịch sử tháng 10/2020 khiến hơn 42.000 hộ dân ở Hà Tĩnh ngập chìm trong dòng nước bạc, hàng trăm nghìn người phải sơ tán. Sau lũ, vấn đề đặt ra là phải kiên cố hóa nhà ở, giúp người dân vơi bớt khó khăn mỗi khi lũ về.
Chính vì vậy, ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, để giúp người dân vực dậy sau lũ, Ban Thường vụ tỉnh Hà Tĩnh lập tức ban hành nghị quyết 01-NQ/TU ngày 19/11/2020 về “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020; một số định hướng, mục tiêu và giải pháp phòng ngừa, ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra”.
Một trong những vấn đề trọng tâm của Nghị quyết được cả hệ thống chính trị Hà Tĩnh “bắt tay” thực hiện đó là huy động các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo. Từ sự nhạy bén, sáng tạo, nhiệt huyết của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã vận động hơn 210 tỷ đồng, xây dựng 2.019 nhà ở cho người nghèo, hộ khó khăn. Ngoài hỗ trợ mỗi hộ 70 triệu đồng, các tổ chức đoàn thể còn góp công đào móng, lợp mái giúp dân. Những ngôi nhà mang tên Đại đoàn kết vì thế càng ý nghĩa, vừa đảm bảo an sinh xã hội vừa giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Lộc Hà là địa phương khá nhạy bén trong việc kêu gọi nguồn lực xây dựng nhà Đại đoàn kết ở Hà Tĩnh. Theo bà Phan Thị Hương Giang - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lộc Hà, trong năm 2021 vừa qua, toàn huyện đã kêu gọi, hỗ trợ xây dựng được 207 nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 14,43 tỷ đồng. Phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, ngoài hỗ trợ tiền, MTTQ còn giao cho các tổ chức đoàn thể ở cơ sở hỗ trợ ngày công, giúp các đối tượng xây dựng nhà ở khang trang, kiên cố, đảm bảo 3 cứng.
Với cách làm đó, chỉ trong vòng một năm, xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà) đã giúp 57 hộ gia đình thoát khỏi cảnh ở nhà tạm, dột nát. Là xã bãi ngang, mỗi khi biển động hay bão lũ, người dân Thịnh Lộc lo ngay ngáy, tất tả kê cao đồ đạc, chằng chéo nhà cửa rồi ôm đồ đi sơ tán. “Đây là năm Thịnh Lộc kêu gọi, hỗ trợ xây dựng nhà ở được nhiều nhất so với các năm trước đây. Điều đáng quý hơn đây hoàn toàn là tiền xã hội hóa và các đoàn viên, hội viên chung tay hỗ trợ bà con rất đông, góp phần tăng cường tình đoàn kết, sẻ chia trong cộng đồng dân cư” - ông Trần Văn Sỹ - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thịnh Lộc chia sẻ.
Nhà cách biển vỏn vẹn 100 m nên mỗi khi biển động, gia đình ông Nguyễn Xuân Diệng (sinh năm 1950, thôn Nam Sơn, xã Thịnh Lộc) phải lo gói gém đồ đạc để đi sơ tán. Nhà cũ xây dựng từ năm 1973 đến nay đã xuống cấp, dột nát, mối mọt đục khoét khắp nơi nên mưa tới đâu, nước đổ xuống đó. Mỗi khi nghe đài báo bão, ông Diệng chỉ lo ngôi nhà sập xuống.
Mùa mưa bão năm nay, vợ chồng ông Diệng không còn phải lo “chạy bão” nữa bởi ngôi nhà kiên cố rộng 57 m2 đã kịp khánh thành trước mùa bão về. Được ở trong ngôi nhà khang trang, ông Diệng vui mừng khôn xiết.
“Là hộ nghèo, thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, những năm trước được xét làm nhà nhưng do tôi không xoay xở thêm được nên không làm. May mắn năm nay được hỗ trợ 70 triệu làm nhà mà tôi mừng không nói nên lời nữa. Số tiền này đủ trả tiền công thợ. Khi đổ móng, anh em, láng giềng, Hội Chữ thập đỏ đến giúp thêm mấy ngày công. Thật sự tôi biết ơn mọi người rất nhiều…!” - ông Diệng phấn khởi nói.
Ngoài số tiền được hỗ trợ, ông Diệng được anh em cho vay thêm nên xây được ngôi nhà trị giá hơn 300 triệu đồng. Con trai ông là anh Nguyễn Văn Hằng (sinh năm 1982) đi làm công nhân cơ khí ở tỉnh Bình Dương từ đầu năm 2021, sau khi nghỉ việc vì dịch bùng phát 3 tháng, nghe tin bố làm nhà, anh Hằng chạy xe máy suốt 3 ngày 3 đêm về hỗ trợ. Cổng sắt, mái che… đều tự tay anh Hằng làm. “Nếu không có con hỗ trợ, nhà tôi còn phải vay thêm 100 triệu nữa mới đủ tiền công thợ. Giờ nhà của cha mẹ khang trang rồi nên con cái có làm ăn ở đâu cũng yên tâm hơn” - ông Diệng cho biết thêm.
Cách nhà ông Diệng vài trăm mét, 3 bà cháu bà Phan Thị Nhì (sinh năm 1950, thôn Hồng Thịnh, xã Thịnh Lộc) chưa hết phấn chấn khi được ở trong ngôi nhà mới. Từ 70 triệu đồng nguồn hỗ trợ, bà Nhì vay mượn thêm để cất ngôi nhà 320 triệu đồng với 2 phòng ngủ, 1 phòng khách và 1 ngăn bếp nhỏ. Cổng, tường rào, sân, mái che… tất cả được xây dựng tươm tất.
Sống hơn nửa đời người mới được ở trong ngôi nhà mới chan chứa tình cảm của các nhà hảo tâm, bà con lối xóm và cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp nên những người như ông Diệng, bà Nhà càng cảm thấy cuộc sống ý nghĩa, nhân văn hơn, đúng như cái tên - nhà Đại đoàn kết.
HẠNH NGUYÊN