(Mặt trận) -20 năm qua, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (Ngày hội) được MTTQ các cấp tỉnh Đắk Nông tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, đạt nhiều kết quả ấn tượng.
Lan tỏa tinh thần đại đoàn kết
Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc tỉnh Đắk Nông được các địa phương tổ chức trước hoặc đúng ngày truyền thống của Ủy ban MTTQ Việt Nam (18/11) hằng năm. Ngày hội không chỉ là dịp để ôn lại những truyền thống vẻ vang của MTTQ mà còn trở thành một diễn đàn để các tầng lớp Nhân dân phát huy tính dân chủ, chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của mình đối sau gần một năm lao động, làm ăn.
|
Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc gồm 2 phần phần lễ và phần hội. |
Nhận thức rõ điều đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đều quan tâm bố trí kinh phí, tạo điều kiện để 100% khu dân cư, tổ dân phố, thôn, buôn tổ chức Ngày hội một cách trang trọng, ý nghĩa, đạt hiệu quả cao.
Tại các khu dân cư, người dân phấn khởi hưởng ứng, tham gia, xem đây là ngày hội lớn vui nhất trong năm của mỗi người dân. Ngày hội được tổ chức gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ, người dân trong khu dân cư kính dâng lên bàn thờ Tổ quốc, Bác Hồ những sản vật do Nhân dân địa phương làm ra, nghe báo cáo hoạt động của khu dân cư trong năm qua, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm tới.
Đây còn là dịp để Nhân dân trong khu dân cư đóng góp bổ sung việc thực hiện Quy ước khu dân cư, ký kết giao ước thi đua; biểu dương gương người tốt việc tốt; tổ chức tặng nhà đại đoàn kết, các chương trình an sinh xã hội, tặng quà cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn... góp phần thực hiện tốt phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”.
|
Huy động sự ủng hộ của Nhân dân tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. |
Thông qua Ngày hội, Nhân dân nhận thức rõ hơn về nhiệm vụ xây dựng, phát triển địa phương; thấy được trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình trong xây dựng gia đình, khu dân cư văn hóa. Bữa cơm "Đại đoàn kết" thêm thắt chặt nghĩa tình giữa quê hương và con em học tập, làm việc xa quê có dịp về họp mặt, gắn bó hơn trong cộng đồng dân cư.
Ông Lê Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Đắk R’măng (Đắk Glong) chia sẻ: “Trên địa bàn xã hiện có 19 dân tộc anh em cùng nhau sinh sống. Những năm qua, đồng bào các dân tộc trên địa bàn luôn đoàn kết cùng nhau nỗ lực trong lao động, sản xuất. Hằng năm, địa phương đều luân phiên tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết ở các thôn, bản, cụm dân cư. Người dân tham gia rất đông và ai cũng phấn khởi, đây là dịp để người dân gặp gỡ, giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em”.
|
Hoạt động văn hóa thể thao tại Ngày hội Đại đoàn kết ở bản Đầm Giỏ, xã Thuận Hà (Đắk Song). |
Phần hội là tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian truyền thống tạo không khí vui tươi, thân tình, ấm áp "tình làng nghĩa xóm" sau gần 1 năm vất vả lao động, sản xuất. Ngày hội còn là dịp trình diễn trang phục, ẩm thực, giao lưu văn hóa truyền thống giữa các dân tộc với nhau trong cùng cộng đồng dân cư, địa phương. Đồng thời, qua đó khích lệ bà con chung tay xây dựng nếp sống văn minh, gìn giữ, phát huy những quy tắc ứng xử tốt đẹp trong cộng đồng.
Bà Lưu Thị Ngân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đắk Glong cho biết: “Ngày hội cũng là dịp để các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền sinh hoạt, nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, với tinh thần “gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với Nhân dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” góp phần thắt chặt mối quan hệ gắn bó giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước”.
Phát huy sức mạnh Đại đoàn kết dân tộc
Trên cơ sở phát huy vai trò MTTQ, tính chủ động sáng tạo của các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức thực hiện có hiệu quả phương thức tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước. Qua các phong trào xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo trong đẩy mạnh phát triển kinh tế, an ninh trật tự, nâng cao thu nhập và đời sống cho Nhân dân. Điển hình, mô hình Camera an ninh ở thị trấn Kiến Đức, “Tiếng kẻng an ninh’ ở xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp), “Điện đường thắp sáng an ninh” ở xã Thuận Hạnh (Đắk Song); mô hình “gia đình 5 không, 3 sạch”, “Tổ tự quản, dòng họ tự quản về an ninh trật tự”…
|
Các hoạt động xung quanh Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc. |
20 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ các tổ chức đoàn thể các cấp, nhất là sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân các lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ. Bình quân hằng năm có trên 98% gia đình, 90% thôn, bon, buôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư và có nhiều tiến bộ… Đặc biệt, từ nhiều nguồn lực, Ủy ban MTTQVN tỉnh Đắk Nông hỗ trợ xây dựng hơn 100 nhà Đại đoàn kết, trị giá khoảng 4 tỷ đồng; MTTQ cấp hỗ trợ xây mới 1.323 căn nhà đại đoàn kết, trị giá 211.232 triệu đồng, sửa chữa 3.151 căn, trị giá 2.163 triệu đồng cho hộ nghèo, gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn, đối tượng yếu thế trong xã hội.
Đồng chí Điểu Xuân Hùng, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Nông đánh giá, qua 20 năm thực hiện Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc theo Nghị quyết số 04 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã huy động sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn quân và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh.
Cũng theo đồng chí Điểu Xuân Hùng, để phát huy kết quả đạt được, MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Nông tiếp tục tăng cường chỉ đạo các địa phương nghiên cứu, đổi mới nội dung, hình thức theo hướng đơn giản hóa phần lễ, đa dạng hóa phần hội. MTTQ các cấp thay đổi tư duy trong tổ chức Ngày hội, thống nhất và hài hòa với nhu cầu đời sống Nhân dân và yêu cầu nhiệm vụ chính trị mỗi địa phương. Ngày hội sẽ tổ chức theo hình thức liên khu dân cư nhằm tạo điều kiện trao đổi, học tập lẫn nhau, gắn bó, đoàn kết giữa các thôn, bon, buôn, bản… Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho đoàn viên, hội viên, các tầng lớp Nhân dân về mục đích, ý nghĩa của Ngày hội. Qua đó, nâng cao nhận thức, phát huy ý chí tự lực, tự cường, khơi dậy tiềm năng, nội lực của mỗi gia đình và cộng đồng trong xây dựng, phát triển quê hương.
Mỹ Hằng