(Mặt trận) - Ngày 17/4, tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 3 khóa X, nhiều ý kiến phản ánh tình trạng người dân lo lắng, bất an về giá vàng tăng đột biến, tình trạng sữa giả, thuốc giả rất nhức nhối gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
 |
Bà Nguyễn Thị Doan, Nguyên Phó Chủ tịch nước, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị |
Làm rõ trách nhiệm thuộc về ai, không thể để hiện tượng “một mâm cơm 5 người quản lý”
Nhắc tới nội dung vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là đối 600 loại sữa giả vừa qua, hiện tượng thức ăn đường phố, … đang là vấn đề nổi cộm hiện nay, bà Nguyễn Thị Doan, Nguyên Phó Chủ tịch nước, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam kiến nghị cần làm rõ đơn vị quản lý để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, làm rõ trách nhiệm thuộc về ai, không thể để hiện tượng “một mâm cơm 5 người quản lý”.
“Sản phẩm sữa giờ ai chịu trách nhiệm khi Bộ Công thương trả lời không thuộc đối tượng quản lý, thế ai quản lý 600 loại sữa này, ai quản lý thực phẩm thức ăn đường phố khi có 5.000 - 10.000 đồng/que thịt bán ở cổng trường cho các cháu học sinh, thịt bẩn hay thịt sạch, ai quản lý? Đây là vấn đề nổi lên hiện nay cần phải làm rõ ra", nguyên Phó chủ tịch nước nói.
 |
Bà Bùi Thị Thanh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị |
Đồng quan điểm với bà Nguyễn Thị Doan, bà Bùi Thị Thanh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu thực tế hiện nay người dân rất băn khoăn lo lắng bất an về nhiều vấn đề nhất là giá vàng tăng đột biến, tình trạng sữa giả, thuốc giả rất nhức nhối gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Việc sáp nhập sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, người dân băn khoăn tới đây sẽ như thế nào sau khi sáp nhập “ai đi ai ở”, người thì tiếp tục làm, người phải đi xa. Hay thực trạng lừa đảo trên không gian mạng khiến người dân bất an, lo lắng.
Từ thực trạng trên, bà Thanh đề nghị, MTTQ Việt Nam cần kiến nghị với Đảng, Chính phủ sớm có biện pháp ổn định giá vàng giúp cho người dân an tâm tin tưởng. Xử lý nghiêm tội phạm công nghệ cao, tội phạm sản xuất buôn bán hàng giả, hành kém chất lượng.
“Sau khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính và sắp xếp tổ chức bộ máy, Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, lắng nghe ý kiến để phát hiện những vấn đề bất cập để điều chỉnh hợp lý giúp đảm bảo quyền lợi người dân”, bà Thanh kiến nghị.
 |
GS.TS Trần Ngọc Đường, chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị |
GS.TS Trần Ngọc Đường, chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng kiến nghị cần mạnh mẽ lên án, tìm giải pháp quyết liệt, có hiệu quả để giải quyết "nạn" liên quan vụ gần 600 loại sữa giả.
Ông dẫn lại việc hai doanh nghiệp Rance Pharma và Hacofood Group đã "lừa dân" trong 4 năm sản xuất, tiêu thụ 573 nhãn hiệu sữa bột giả các loại dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai, doanh thu gần 500 tỷ đồng.
“Họ dùng quảng cáo nêu thành phần chiết xuất từ tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột mắc ca, bột óc chó..., nhưng thực tế sản phẩm hoàn toàn không có những chất này. Tiếp tay lại là những nhân vật có tiếng trong showbiz, quảng cáo rất rầm rộ, “lừa dân” đến 4 năm liền. Do đó, phải lên án, phải chấm dứt vấn đề này, đề nghị các cơ quan chức năng phải phát hiện sớm và xử lý", GS.TS Trần Ngọc Đường nêu thêm.
Thay đổi để đất nước phát triển
Bà Nguyễn Thị Doan, Nguyên Phó Chủ tịch nước, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đánh giá cao tinh thần làm việc, quyết tâm cao độ và ý chí phấn đấu vì Đảng, vì dân, vì nước của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương và Chính phủ cũng như MTTQ và lãnh đạo MTTQ trong suốt thời gian qua, nhất là trong việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Bà Nguyễn Thị Doan cho biết, bối cảnh quốc tế như hiện nay đã ảnh hưởng trực tiếp đến chúng ta, nhất là công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, khoa học kỹ thuật, biến đổi khí hậu… đã tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế, chính trị xã hội của đất nước. Không có cách nào khác, Việt Nam phải đổi mới. Việt Nam phải có bước đi khác. Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, cuộc cách mạng về sáp nhập, tôi cho là đúng và chúng ta phải thống nhất, quyết tâm để thực hiện.
“Những quyết sách vừa qua của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương, sự triển khai của Chính phủ, MTTQ Việt Nam là việc chúng ta ấp ủ từ lâu rồi, việc mà các cơ quan rất nhiều năm đã xảy ra tình trạng một số công chức sáng cắp ô đi, tối cắp về. Việc này đã được nói từ nhiệm kỳ khóa 8, khóa 9, khóa 10 đến bây giờ mới được giải quyết”, bà Doan nêu ý kiến và cho rằng vấn đề hành chính phức tạp với rất nhiều cửa, đã làm khổ cho các doanh nghiệp, khổ cho dân, bây giờ mới được giải quyết.
Nội dung tiếp theo đó là về vấn đề sách giáo khoa, bà Nguyễn Thị Doan cho rằng, chúng ta đã nói rất nhiều tại sao lại nhiều bộ sách giáo khoa như thế. Khi có các ý kiến này, nhiều người cho rằng cần theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cần có một bộ sách giáo khoa chuẩn, sau đó các tác giả có thể viết các bộ sách tham khảo cho học sinh
“Chúng ta có tận 5-6 bộ sách giáo khoa nên có những tỉnh chọn của tác giả này 3 quyển, tác giả kia 2 quyển. Việc này sẽ rất khổ cho phụ huynh, học sinh”, bà Doan trăn trở.
Đánh giá rất cao việc sắp xếp tổ chức bộ máy mà MTTQ Việt Nam triển khai trong thời gian qua, bà Doan cho rằng, đây là việc làm hợp lý, khi sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về cơ bản không thay đổi về chức năng, nhiệm vụ mà chỉ sắp xếp lại theo hướng hợp lý.
“Việc sắp xếp bộ máy ở Trung ương chính là một hình mẫu cho các địa phương sắp tới triển khai việc sáp nhập để mỗi địa phương sẽ quyết tâm cao hơn, triển khai nghiêm túc hơn. Trong thực hiện quyết tâm cao độ này, MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội, các Hội đoàn thể đóng vai trò hết sức quan trọng. Trong điều kiện “nước sôi, lửa bỏng” trong điều kiện chúng ta thực hiện đổi mới thì chúng ta cũng phải có giải pháp “nước sôi lửa bỏng” như thế”, bà Doan nêu rõ.
Đề cập đến nội dung Nghị quyết 57/NQ-TW về việc thu hút nhân tài, bà Doan cho biết thực tế hiện nay, rất nhiều cháu học sinh đạt huy chương vàng quốc tế hoặc học giỏi các môn toán, lý, hóa nhưng không chọn thi vào lĩnh vực khoa học tự nhiên, nghiên cứu cơ bản mà lại thi vào lĩnh vực tài chính, kinh doanh, … Do vậy trong một thời gian dài, đất nước ta bị “hẫng” một đội ngũ kỹ sư và những người nghiên cứu cơ bản, để gỡ nút thắt cho vấn đề này, bà Doan đề nghị Chính phủ cần có giải pháp để thu hút nhân tài, có chế độ, chính sách ưu đãi cụ thể, phù hợp với nội dung Nghị quyết như: miễn 50% học phí và có học bổng để khuyến khích, thậm chí dành kinh phí để các cháu thi vào lĩnh vực nghiên cứu cơ bản được đi học tập, đào tạo ở nước ngoài.
Liên quan đến học tập suốt đời, bà Doan đề cập tới nội dung 3 bài viết quan trọng của Tổng Bí thư Tô Lâm trong thời gian gần đây. Để quốc gia phát triển, muốn thực hiện được những vấn đề mà đất nước kỳ vọng bà Doan cho rằng phải có kế hoạch để đẩy mạnh phong trào “học tập suốt đời”, phải có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo cụ thể, sớm xây dựng cơ chế, chính sách để tạo nguồn nhân lực xanh trong thời gian tới.
Ông Trần Ngọc Đường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch bày tỏ sư ủng hộ và đồng tình rất cao đối với chủ trương của Đảng tiếp tục xây dựng, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn theo mục tiêu tinh gọn mạnh hiệu năng hiệu lực hiệu quả. Vì vậy việc nghiên cứu để sửa đổi các dự án Luật có liên quan đến chủ trương là việc làm cần thiết và khẩn trương. Tuy nhiên cũng cần thận trọng và đúng với chủ trương của Đảng.
Đối với Luật MTTQ Việt Nam và các Luật liên quan như Công đoàn, Thanh niên cần làm rõ 2 các quan điểm của Đảng về “hợp nhất” và “trực thuộc”.
Ông Đường cho biết, trong Kết luận số 126-KL/TW, Kết luận 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị có đề cập đến hợp nhất các tổ chức chính trị xã hội các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.
“Quan điểm hợp nhất của đảng nên hiểu như thế nào. Có thể hiểu là hợp nhất là hợp nhất bộ phận hành chính của các tổ chức này để tinh giản bộ máy hành chính. Hợp nhất cũng có thể hiểu là hợp nhất nhiệm vụ quyền hạn, tổ chức hoạt động. Ngoài ra cần làm rõ việc các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là thế nào. Vậy các tổ chức này có tính độc tập tương đối hay không hay hòa vào Mặt trận”, ông Đường băn khoăn và cho rằng phải hiểu rõ hai quan điểm này của Đảng thì mới thể chế hóa được các dự án Luật.
 |
Ông Nguyễn Văn Pha, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị |
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Pha, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, việc các tổ chức thành viên, nhất là các tổ chức chính trị - xã hội về với mái nhà chung của Mặt trận là vấn đề có ý nghĩa lịch sử trọng đại. Vì thế việc sửa Luật MTTQ Việt Nam lần này nên nghiên cứu để thể hiện sâu sắc chủ trương này.
Theo ông Nguyễn Văn Pha, tại trang10 dự thảo có đoạn: “Nhân dân phấn khởi về quyết định của Bộ Chính trị thực hiện miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết trung học phổ thông trên phạm vi cả nước, thực hiện từ tháng 9/2025…”. Tuy nhiên, thực tế ở nước ta, bên cạnh các cháu đang học các trường công lập thì còn hàng vạn các cháu do nhiều điều kiện và hoàn cảnh khác nhau mà đang học ở các trường ngoài công lập. Vì vậy, sẽ tốt hơn nhiều nếu Đảng và Nhà nước tiếp tục nghiên cứu để có thể hỗ trợ cho các cháu học ở các trường ngoài công lập được hưởng sự ưu việt của chính sách nhân văn này.
“Cùng một cấp học ở cùng một địa phương, các cháu học ở công lập được miễn học phí bao nhiêu thì các cháu học ở khu vực ngoài công lập cũng được nhà nước hỗ trợ cho một khoản bấy nhiêu”, ông Pha chia sẻ
Về thực hiện Nghị quyết 18/NQ-TW, theo ông Pha, để giải quyết chế độ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp bộ máy các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp, Nhà nước dự kiến sẽ phải chi ra một khoản ngân sách rất lớn với nhiều ngàn tỉ đồng. Vấn đề này cũng gây xôn xao trong dư luận nhân dân và các diễn đàn mạng xã hội. Tuy nhiên, có thể nói, việc tinh giản bộ máy chắc chắn sẽ giúp cho ngân sách tiết kiệm được rất lớn, thậm chí là cực lớn, ít nhất cũng từ 3 nguồn: Không phải trả lương cho những người thôi việc; giảm chi cho bộ máy hoạt động; việc xử lý hàng ngàn trụ sở các cơ quan, tổ chức, đều ở những khu đất vàng sẽ mang lại một nguồn thu rất lớn. Vì vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chức năng sớm tính toán việc tăng thu ngân sách từ các nguồn trên để thông báo công khai nhằm tăng niềm tin và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân vào chủ trương tốt đẹp này.
Góp ý về dự án Luật MTTQ Việt Nam, ông Pha cho rằng, việc các tổ chức thành viên, nhất là các tổ chức chính trị - xã hội về với mái nhà chung của Mặt trận là vấn đề có ý nghĩa lịch sử trọng đại, vì thế việc sửa Luật MTTQ Việt Nam lần này nên nghiên cứu để thể hiện sâu sắc chủ trương này. Do đó, cần xây dựng một chương mới và các điều khoản chi tiết về các tổ chức thành viên của Mặt trận.
Hương Diệp - ảnh Quang Vinh