(Mặt trận) -Ngày 20/5, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội nghị lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 (Hiến pháp năm 2013). Bà Nguyễn Thị Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Ninh chủ trì hội nghị.
 |
Quang cảnh hội nghị. |
Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Ninh, ngày 5/5/2025, Quốc hội khóa XV đã thảo luận và thông qua Nghị quyết số 194/2025/QH15. Theo đó, Quốc hội đã ra quyết định xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Việc sửa Hiến pháp lần này là rất cần thiết để tạo cơ sở Hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy; xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong tình hình mới.
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Kế hoạch và hướng dẫn về tổ chức lấy ý kiến trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với dự thảo Nghị quyết. Đến nay, các tổ chức thành viên, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện đã kịp thời ban hành Kế hoạch lấy ý kiến, tuyên truyền sâu rộng mục đích, ý nghĩa, nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp tới nhân dân và tổ chức các hình thức lấy ý kiến trong hệ thống Mặt trận rất phong phú, sáng tạo, thực chất.
Về phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp tập trung vào 8/120 điều, tập trung vào 2 nhóm nội dung quan trọng nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về sắp xếp cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ; hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, bà Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh đánh giá, ghi nhận công tác triển khai của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Ninh thời gian qua.
Theo bà Giang, trên cơ sở Kế hoạch về lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Ninh đã chủ động báo cáo, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ban hành Kế hoạch và hướng dẫn về tổ chức lấy ý kiến trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên từ tỉnh đến cơ sở và khu dân cư đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 2013.
Bà Giang đề nghị, trên cơ sở Kế hoạch của Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức thành viên của Mặt trận tiếp tục chỉ đạo hệ thống hội từ tỉnh đến cơ sở và khu dân cư tổ chức lấy ý kiến góp ý với nhiều hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với đặc thù mỗi địa phương; đảm bảo phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, góp ý vào 2 nhóm nội dung chính của dự thảo và đa số ý kiến đều thống nhất cao với các nội dung của dự thảo Nghị quyết, đồng thời khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, thực hiện chủ trương tinh giản, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; tạo cơ sở pháp lý cho việc kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Hà đánh giá cao ý kiến của các đại biểu, đồng thời đề nghị các đại biểu, lãnh đạo các tổ chức thành viên, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trên địa bàn tỉnh tiếp tục công tác tuyên truyền, phổ biến, truyền thông rộng rãi bằng các hình thức phù hợp trong quá trình tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết, định hướng tư tưởng để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.
* Sáng cùng ngày, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
 |
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bạc Liêu Trần Văn Út phát biểu tại hội nghị. |
Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 gồm có 2 điều. Điều 1 gồm 8 khoản sửa đổi, bổ sung một số quy định của Hiến pháp năm 2013 về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương; Điều 2 gồm 3 khoản quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.
Với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, đồng thời nhấn mạnh: Việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Hiến pháp năm 2013 về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để làm rõ vai trò cốt lõi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhấn mạnh vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp lại các tổ chức thành viên, giảm bớt sự trùng lặp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm thống nhất và đồng bộ với cơ cấu tổ chức đảng, phù hợp với mô hình tổ chức mới sau khi sắp xếp, tinh gọn các tổ chức chính trị - xã hội vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung đóng góp nhiều ý kiến như vị trí, chức năng, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong mô hình mới sau sắp xếp; đảm bảo tính thống nhất, tránh chồng chéo giữa các quy định; đề xuất chỉnh sửa câu từ cho rõ ràng, dễ thực hiện.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quộc Việt Nam tỉnh Trần Văn Út cho rằng: Hiện nay trong bối cảnh Đảng ta chủ trương sắp xếp, tinh gon tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đảm bảo tính, gọn, hiệu lực, hiệu quả, Nghị quyết số 60 – NQ/TW của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng ( Khóa XIII) ngày 12/4/2025 đã thống nhất xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 là quyết sách đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết tâm đổi mới mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước. Việc sửa đổi không chỉ nhằm khắc phục bất cập của thực tiễn, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, mà còn hướng tới việc phát huy tốt hơn quyền làm chủ của Nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực mới cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quộc Việt Nam tỉnh Bạc Liêu Trần Văn Út ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến rất trăn trở, thể hiện tinh thần trách nhiệm của các đại biểu đã tham gia góp ý tại hội nghị. Đồng thời đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về dự thảo Nghị quyết để Nhân dân được nghiên cứu, được tham gia ý kiến. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh sẽ tiếp tục đa dạng hóa hình thức, triển khai sâu rộng, thực chất việc lấy ý kiến Nhân dân. Từ góp ý của đại biểu và các tầng lớp Nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh sẽ tổng hợp, báo cáo theo quy định.
* Chiều 20/5, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Hội nghị do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị tổ chức, thực hiện theo Kế hoạch số 05/KH-UBDTSĐBSHP ngày 5/5/2025 của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Quốc hội khóa XV; Kế hoạch số 60/KH-MTTW-BTT ngày 6/5/2025 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổ chức lấy ý kiến hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
 |
Quang cảnh Hội nghị. |
Nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội nghị, ông Đào Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị thông tin một số kết quả quan trọng của đất nước sau gần 40 đổi mới.
Qua đó khẳng định, thành tựu hôm nay là kết quả của sự đoàn kết, kiên cường và đổi mới không ngừng của cả dân tộc. Nhưng quan trọng hơn, đó là tiền đề để Việt Nam chúng ta vững bước tiến vào kỷ nguyên mới với nhiều mục tiêu: chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững - tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, thực hiện khát vọng xây dựng một đất nước hùng cường thịnh vượng vào năm 2045 - Kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước, như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, cùng với bối cảnh mới, yêu cầu mới của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một số điều của Hiến pháp cần được sửa đổi, bổ sung nhằm thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Theo đó, ông Đào Mạnh Hùng đã nêu ra một số vấn đề trọng tâm để đại biểu tham dự Hội nghị tập trung làm rõ. Trên tinh thần đó, tại Hội nghị, nhiều đại biểu đại diện các tổ chức chính trị xã hội, Mặt trận các địa phương tại tỉnh Quảng Trị tích cực tham gia ý kiến.
Các đại biểu bày tỏ sự đồng thuận và tham gia một số ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, như: về sửa đổi, bổ sung quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (Điều 9 của Hiến pháp năm 2013); sửa đổi, bổ sung quy định về quyền trình dự án luật, dự án pháp lệnh của các tổ chức chính trị - xã hội (Điều 84 của Hiến pháp năm 2013); sửa đổi, bổ sung một số quy định khác về chính quyền địa phương…
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Dương Tân Long, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị đánh giá cao ý kiến của các đại biểu và cho biết, sẽ tiếp thu, giao Ban Dân chủ - Pháp luật tổng hợp tất cả ý kiến (kể cả ý kiến tại Hội nghị và các ý kiến gửi bằng văn bản về Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh) để báo cáo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
T. L tổng hợp