(Mặt trận) - Chiều ngày 20/5, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị đánh giá sơ bộ kết quả lấy ý kiến vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 trong hệ thống MTTQ Việt Nam.
 |
Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng đại biểu tham dự Hội nghị |
Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Hoàng Công Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các vị Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng là Ủy viên Đoàn Chủ tịch; các Phó Chủ tịch không chuyên trách, các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; đại diện cơ quan thường trực của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013; Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội; Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, lãnh đạo các ban, đơn vị của cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
 |
Chủ trì Hội nghị |
6.558 hội nghị lấy ý kiến góp ý trong hệ thống MTTQ Việt Nam
Trình bày báo cáo bước đầu tổng hợp sơ bộ kết quả lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết trong hệ thống MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy nêu rõ, công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức lấy ý kiến trong hệ thống MTTQ Việt Nam được thực hiện kịp thời, nghiêm túc, bài bản. Đến nay, MTTQ các tỉnh Bình Thuận, Lai Châu, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Điện Biên, Quảng Trị, Thanh Hóa, Đà Nẵng, TP Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức 6.558 hội nghị để thảo luận, lấy ý kiến sâu rộng trong đoàn viên, hội viên, thành viên của mỗi tổ chức, phát huy vai trò và sự tham gia tích cực của các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng tư vấn, các vị nguyên lãnh đạo của Mặt trận tổ quốc; các luật gia, chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực pháp lý….
 |
Đại biểu tham dự Hội nghị |
Trên các báo, tạp chí, báo điện tử, trang Fanpage MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, … đều mở chuyên trang, chuyên mục về lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết, cập nhật thường xuyên các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn liên quan đến việc lấy ý kiến; đăng tải hàng trăm bài viết liên quan liên quan đến quá trình tổ chức lấy ý kiến và các ý kiến góp ý cụ thể vào nội dung của dự thảo Nghị quyết của Mặt trận và các ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị quyết.
Cùng với quá trình tổ chức lấy ý kiến, MTTQ Việt Nam tăng cường tuyên truyền, định hướng tư tưởng để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; động viên đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia góp ý kiến dự thảo Nghị quyết, nhất là tham gia ý kiến qua các ứng dụng VneID do Bộ Công an triển khai.
 |
Ông Hoàng Công Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình bày báo cáo bước đầu tổng hợp sơ bộ kết quả lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết trong hệ thống MTTQ Việt Nam |
Đối với kết quả sơ bộ lấy ý kiến vào dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy cho biết, phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này ngắn gọn, chỉ tập trung vào 08/120 điều của Hiến pháp năm 2013 nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về sắp xếp cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ; hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân tốt hơn.
“Qua theo dõi và tổng hợp, Ban Thường trực nhận thấy ý kiến thảo luận, góp ý rất tập trung, đi thẳng vào các nội dung, điều khoản được sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp; thống kê sơ bộ đã có 717.712 ý kiến góp ý trong hệ thống MTTQ vào các điều khoản được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Nghị quyết. Đa số ý kiến đều bày tỏ sự thống nhất cao về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và mong muốn những điểm mới trong Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp sẽ phục vụ đắc lực cho tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam cũng như chủ trương xây dựng chính quyền địa phương hai cấp”, Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy thông tin.
 |
Đại biểu tham dự Hội nghị |
Đa số ý kiến thống nhất và tán thành cao với các nội dung sửa đổi, bổ sung
Đối với kết quả góp ý kiến vào điều khoản cụ thể của dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy cho biết, đối với các quy định liên quan tới Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổng số ý kiến góp ý vào Điều 9 là 89.998, trong đó có 89.916 ý kiến tán thành, 82 ý kiến tán thành và có đề nghị sửa đổi, hoàn thiện hơn. Tổng số ý kiến góp ý vào Điều 10 là 87.624 trong đó có 87.459 ý kiến y kiến tán thành và 165 ý kiến tán thành và có sửa đổi, hoàn thiện hơn. Tổng số có 82.963 ý kiến góp ý, trong đó có 82.833 ý kiến tán thành, 130 ý kiến tán thành và có sửa đổi, hoàn thiện hơn.
Nhìn chung, đa số ý kiến thống nhất và tán thành cao với các nội dung sửa đổi, bổ sung tại các điều 9, 10, khoản 1 Điều 84 Hiến pháp và đều cho rằng nội dung sửa đổi, bổ sung tại Điều 9 Hiến pháp 2013 đã khẳng định rõ hơn vị thế của MTTQ Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; bổ sung quy định các tổ chức chính trị - xã hội “trực thuộc” Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại khoản 2 Điều 9 và Điều 10 Hiến pháp năm 2013 có tính đột phá, phù hợp với chủ trương, nghị quyết của Đảng trong giai đoạn hiện nay, nhất là với Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
 |
Đại biểu tham dự Hội nghị |
Cũng theo Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy, bên cạnh đó, còn nổi lên một số ý kiến trong quá trình thảo luận, tham gia ý kiến (bao gồm cả ý kiến phát biểu của Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và Hội trường tại kỳ họp thứ 9).
Theo đó, một số ý kiến đề nghị diễn đạt lại nội dung tại khoản 1 ngắn gọn, logic hơn; cân nhắc vị trí đặt cụm từ “do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo” một cách hợp lý, hài hòa với các nội dung khác để bảo đảm tính chặt chẽ và chuẩn mực của Hiến pháp; đề nghị cân nhắc việc đưa nội dung “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo” vào khoản 1 vì tại Điều 4 của Hiến pháp hiện hành đã quy định về nội dung này; đề nghị thay cụm từ “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị…” bằng cụm từ “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận trong hệ thống chính trị…”.
Một số ý kiến còn băn khoăn về việc sử dụng cụm từ “trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” tại khoản 2 vì mang tính chất hành chính, trong khi 5 tổ chức chính trị - xã hội là các tổ chức mang tính liên hiệp tự nguyện; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không có chức năng lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội nên các tổ chức chính trị - xã hội không “trực thuộc” hoặc “thuộc” Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Vì vậy, đề nghị bỏ cụm từ “trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” vì cụm từ “được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” đã thể hiện nội dung này hoặc thay bằng quy định các tổ chức này là “thành viên cốt lõi” của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
 |
Quang cảnh Hội nghị |
Cũng theo Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy, một số ý kiến đề nghị giữ lại quy định về quyền trình dự án luật, pháp lệnh của 5 tổ chức chính trị - xã hội vì các tổ chức chính trị - xã hội này cũng là một bộ phận của hệ thống chính trị. Có ý kiến cho rằng, hiện nay các tổ chức chính trị - xã hội đã tập trung đầu mối về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, do vậy, đề nghị sửa đổi, bổ sung thêm khoản 8 Điều 96 của Hiến pháp năm 2013 quy định về cơ chế phối hợp giữa Chính phủ với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội; việc mời tham dự phiên họp của Chính phủ khi bàn các vấn đề có liên quan để bảo đảm thống nhất trong các nội dung của Hiến pháp.
“Một số ý kiến phát biểu cụ thể về diễn đạt, kỹ thuật thể hiện tại Điều 9, Điều 10 để bảo đảm ngắn gọn, logic hơn, vừa giữ được tính khái quát của Hiến pháp, vừa bảo đảm thể hiện rõ bản chất và vai trò của MTTQ trong hệ thống chính trị.”, Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy nêu.
 |
Đại biểu tham dự Hội nghị |
Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan tới tổ chức chính quyền địa phương, Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy cho biết, tổng số ý kiến góp ý vào Điều 110 là 82.374, trong đó 81.680 ý kiến tán thành, 694 ý kiến tán thành và đề nghị có sửa đổi, hoàn thiện hơn. Tổng số ý kiến góp ý vào Điều 111 có 80.330 ý kiến góp ý, trong đó có 79.998 ý kiến tán thành, 332 ý kiến tán thành và có đề nghị sửa đổi, hoàn thiện hơn. Tổng số ý kiến góp ý vào Điều 112 là 80.140 ý kiến góp ý, trong đó 80.032 ý kiến tán thành, 108 ý kiến tán thành và có đề nghị sửa đổi, hoàn thiện hơn. Tổng số ý kiến góp ý vào Điều 114 là 78.855 ý kiến góp ý, trong đó có 78.766 ý kiến tán thành, 89 ý kiến tán thành và có đề nghị sửa đổi, hoàn thiện hơn Tổng số ý kiến góp ý vào Điều 115 là 79.989 ý kiến góp ý, trong đó có 79.519 ý kiến tán thành, 470 ý kiến tán thành và có đề nghị sửa đổi, hoàn thiện hơn.
Đa số ý kiến thống nhất với các nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo nghị quyết và đã bảo đảm phù hợp với chủ trương sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện. Bên cạnh đó, các ý kiến phát biểu, góp ý còn tập trung vào Điều 110, Điều 115 như: (i) đề nghị quy định rõ đơn vị hành chính 3 cấp trung ương, tỉnh, xã, phường tương tự Điều 110 Hiến pháp năm 2013, không nên sử dụng cụm từ "dưới tỉnh" trong "các đơn vị hành chính dưới tỉnh"; cần tiếp tục quy định "phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương" như khoản 3 Điều 110 Hiến pháp hiện hành để thể hiện sự dân chủ, quyền lợi chính đáng của người dân và thực hiện dân chủ ở cơ sở; đề nghị giữ lại quyền chất vấn đối với Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân vì đây là 2 đối tượng cần được chất vấn, không thể chỉ vì không còn chính quyền cấp huyện mà không giữ quyền này để đảm bảo quyền giám sát của Nhân dân.
Từ những nội dung tổng hợp bước đầu tại báo cáo, Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy đề nghị các cụ, các vị, các đồng chí phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, đề cao trách nhiệm, tiếp tục tham gia ý kiến vào nội dung, điều khoản được sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp năm 2013 và dự thảo Báo cáo kết quả sơ bộ lấy ý kiến trong hệ thống MTTQ Việt Nam đối với dự thảo Nghị quyết.
“Ban Thường trực sẽ chỉ đạo ghi nhận, tổng hợp và thể hiện đầy đủ, khách quan ý kiến góp ý của các cụ, các vị, các đồng chí và hoàn thiện Báo cáo gửi Chính phủ, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 đúng thời hạn yêu cầu.”, Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy nói.
 |
GS.TS Đỗ Quang Hưng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Tôn giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị |
Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận vào các nội dung sửa đổi, bổ sung tại các điều 9, 10, khoản 1 Điều 84 Hiến pháp.
Bày tỏ quan điểm GS.TS Đỗ Quang Hưng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Tôn giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 trong đó có bổ sung những quy định mới nhằm thể chế hóa vai trò, vị trí và chức năng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị.
Đặc biệt việc quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội… tại khoản 1 Điều 9 dự thảo Nghị quyết là rất hợp lý.
Tán đồng với những điểm mới tại khoản 2 Điều 9 Hiến pháp năm 2013, ông Hưng nhận định việc quy định 5 tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, không cần thay đổi vì với vai trò là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, MTTQ Việt Nam chính là mái nhà chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong hệ thống chính trị của nước ta không một tổ chức nào có thể “vươn lên” để đảm nhận được vai trò đó.
 |
Ông Trần Anh Tuấn, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị |
Nhắc đến các điểm mới tại Điều 9, Điều 10 của dự thảo Nghị quyết, ông Trần Anh Tuấn, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, cần có cách hiểu về cụm từ "trực thuộc”. Trên thực tế vẫn có quy định rằng Bộ, cơ quan ngang Bộ là cơ quan của Chính phủ; trong các Bộ có các cơ quan thuộc và trực thuộc. Nếu dùng từ "thuộc" thì cơ quan đó không có tư cách pháp nhân, không có con dấu, không có tài khoản, còn khi là cơ quan "trực thuộc" sẽ có tư cách pháp nhân, có con dấu, có tài khoản. Tiếp cận theo góc độ này, việc sử dụng cụm từ "trực thuộc" là hoàn toàn phù hợp với tình hình hiện nay mà không làm ảnh hưởng đến hoạt động có tính độc lập tương đối của các tổ chức chính trị - xã hội.
Đối với những băn khoăn về việc dùng cụm từ "trực thuộc" trong quy định của Hiến pháp sẽ mang nặng tính "hành chính hóa", ông Tuấn cho rằng, việc sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội, Hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc MTTQ Việt Nam chính là để khắc phục tình trạng hành chính hóa cho hoạt động của các tổ chức này. Thêm vào đó, việc sử dụng cụm từ "dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam" tại khoản 2 Điều 9 cũng không mang tính phân biệt "trên - dưới" như một số ý kiến khác phát biểu tại một số Hội nghị, mặt khác quy định này đảm bảo sự lãnh đạo, tập trung về một mối giữa MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, giúp cho bộ máy trở nên tinh - gọn - mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
 |
Ông Trần Việt Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
|
Ông Trần Việt Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đánh giá rất cao việc hệ thống MTTQ Việt Nam từ Trung ương đến địa phương và các tổ chức thành viên đã tổ chức tổng hợp ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị quyết trên nhiều nền tảng, ứng dụng, gần như tất cả tầng lớp nhân dân đều tham gia đóng góp ý kiến, với số đông ý kiến tán thành.
Dưới góc nhìn cá nhân, ông Việt Anh bày tỏ tán thành và ủng hộ việc sửa đổi 8 điều trong dự thảo Nghị quyết, trong đó Điều 9 đã bổ sung những quy định mới nhằm thể chế hóa vai trò, vị trí và chức năng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị.
Đi sâu phân tích những điểm mới tại khoản 2 Điều 9 Hiến pháp quy định các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Việt Anh cho rằng việc hiến định Mặt trận là tổ chức đứng đầu và 5 tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc là hoàn toàn hợp lý.
“Trong xu thế phát thế phát triển của đất nước, Mặt trận đã khẳng định được vai trò, vị thế của mình. Đơn cử như khi các doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân làm công tác xã hội, người ta nghĩ ngay đến Mặt trận. Từ bà bán xôi hay ông Tổng giám đốc khi làm công tác xã hội đều nghĩ ngay đến Mặt trận. Do đó, tôi nghĩ rằng khoản 2, Điều 9 đề cập các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là hoàn toàn hợp lý,” ông Việt Anh nêu ý kiến và cho rằng, khi có sự đồng thuận trong xã hội thì việc người dân và cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ những điểm mới tại Điều 9 là rất lớn.
Mặt khác, cũng theo ông Việt Anh, vai trò của 5 tổ chức chính trị - xã hội rất quan trọng. Đội ngũ doanh nhân cần sự dẫn dắt rất nhiều của các tổ chức này. Tại TPHCM có Hội doanh nhân Cựu chiến binh và những cựu chiến binh đang làm rất tốt công tác xã hội. Tất cả những hoạt động của các hội doanh nhân tại TPHCM đều thông qua Mặt trận để làm các công tác xã hội, cộng đồng.
 |
Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
|
Thể hiện rõ nội hàm sự vận động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội đối với sự phát triển của đất nước
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành kế hoạch hướng dẫn và tổ chức lấy ý kiến trong hệ thống đúng theo kế hoạch số 05/KH-UBDTSĐBSHP ngày 05/5/2025 của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 về lấy ý kiến nhân dân đảm bảo tính công khai, dân chủ có chất lượng, đúng tiến độ đủ điều kiện để tập hợp gửi đến Chính phủ theo kế hoạch.
“Triển khai Kế hoạch, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã tổ chức 6.558 hội nghị lấy ý kiến với 717.712 ý kiến trách nhiệm tâm huyết trí tuệ tham gia đóng góp, trong đó có 715.617 ý kiến tán thành với dự thảo Nghị quyết, chiếm 99,7%, còn 0,3% tán thành nhưng có góp ý để cho hoàn thiện hơn. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tổng hợp đầy đủ, trung thực khách quan gửi đến Chính phủ và Ủy ban sửa đổi bổ sung hiến pháp để nghiên cứu xem xét.”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông tin.
Gợi mở và cung cấp một số thông tin liên quan đến những nội dung sửa đổi điều 9, điều 10 của Hiến pháp, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, căn cứ Kết luận số 121-KL/TW, ngày 24/01/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 24/01/2025, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quyết định số 245-QĐ/TW thành lập Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương với 22 Đảng bộ, Chi bộ trực thuộc với gần 5.000 đảng viên. Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương thể hiện rõ vai trò lãnh đạo toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác tổ chức, cán bộ, công tác xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức và công tác quần chúng của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng ở Trung ương do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.
Cùng với đó, Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương đã nghiên cứu căn cứ pháp lý để trình Bộ Chính trị Đề án sắp xếp, tinh gọn hợp nhất cơ quan MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã; Đề án về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Cơ quan MTTQ Việt Nam ở cấp Trung ương. Nội dung đề án đã nhận được sự ủng hộ rất cao của các cấp có thẩm quyền và đã được Bộ Chính trị thông qua.
“Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật MTTQ Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện Đề án” Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nêu rõ.
 |
Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị |
Đề cập tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian qua, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến dẫn chứng năm 1986, khi đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, Việt Nam là một trong 20 quốc gia nghèo nhất thế giới. Đến thời điểm này, đất nước đã vươn lên là nền kinh tế nắm trong top 35 của thế giới, thương mại xuất khẩu nằm trong top 20 và là một trong những nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới.
Nhấn mạnh với sự tiến vượt bậc về kinh tế, hạ tầng kinh tế - xã hội thay đổi, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng điều đó cũng dẫn tới sự thay đổi về các giai tầng xã hội, sự thay đổi về hội viên, đoàn viên. Số liệu khảo sát của MTTQ Việt Nam tại 27 tỉnh, thành phố đã minh chứng rõ nét cho sự thay đổi này khi số người tham gia đồng thời 4 tổ chức chiếm 0,5%; số người tham gia đồng thời 3 tổ chức là 87 người chiếm 43,5%; số người tham gia đồng thời 2 tổ chức là 112 người chiếm 56%... Như vậy có thể thấy, thực trạng xã hội đã làm cho hội viên, đoàn viên của các tổ chức chính trị - xã hội có sự thay đổi.
“Chúng ta rất mừng, rất tự hào kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, một ngày hội lớn của toàn dân tộc Việt Nam, nhận được sự quan tâm của thế giới. Trong tất cả khối diễu binh, diễu hành, có một khối diễu hành của MTTQ Việt Nam. Lần đầu tiên có khối này. Tôi dùng một từ đọc trước Quốc hội là "cờ hoa rợp trời, rợp đất, rợp lòng người", Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nói và cho rằng, trong xu thế phát triển chung của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, MTTQ đã có những sự lớn mạnh về tổ chức và khẳng định được vị thế, uy tín.
Cũng theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, tại Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV có 2 nội dung kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp thu và xử lý kịp thời như tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả: “sữa giả”, “thuốc giả”, “thực phẩm kém chất lượng”; giải quyết kinh phí để trả cho những người nghỉ hưu sớm, nghỉ hưu trước tuổi.
Đề cập đến hai từ “trực thuộc” đưa vào nội dung dự thảo, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nêu rõ, cụm từ đã thể hiện rõ nội hàm sự vận động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội đối với sự phát triển của đất nước và điều này được thể hiện rõ nét tại Đề án về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Cơ quan MTTQ Việt Nam ở cấp Trung ương đã được Bộ Chính trị thông qua; đồng thời nhấn mạnh, việc sắp xếp, tinh gọn hợp nhất cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội vẫn giữ vững tính độc lập của mỗi tổ chức.
Tiếp thu ý kiến thảo luận tại Hội nghị, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, đây là những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; đồng thời khẳng định Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tổng hợp đầy đủ và gửi đến Chính phủ, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để nghiên cứu, xem xét trước khi trình Quốc hội thông qua.
 |
Đại biểu thảo luận tại Hội nghị |
Hương Diệp - ảnh Quang Vinh