(Mặt trận) - Trong khuôn khổ chương trình giao lưu hữu nghị, ngày 22/4, tại Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, đại biểu tham dự Chương trình giao lưu hữu nghị giữa Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc và Mặt trận Tổ quốc - Chính hiệp các tỉnh/khu tự trị biên giới hai nước lần thứ ba đã tham dự Hội nghị trao đổi kinh nghiệm.
 |
Quang cảnh Hội nghị trao đổi kinh nghiệm |
Tham dự Hội nghị có bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bà Hàm Huy, Phó Chủ tịch Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc cùng 90 đại biểu chính thức của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam 7 tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Điện Biên, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu và Chính hiệp 2 tỉnh/khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và tỉnh Vân Nam có chung đường biên giới.
Tăng cường hiểu biết lẫn nhau, làm cho tình hữu nghị ngày càng bền chặt
 |
Ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Trung trình bày tham luận |
Tham luận với chủ đề phát huy tình hữu nghị láng giềng truyền thống Việt Nam - Trung Quốc, ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Trung khẳng định, 75 năm qua mối quan hệ Việt-Trung đã được nâng lên từng bước theo thời gian. Gần đây nhất, Tổng Bí thư Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam hết sức thành công. Đây là sự kiện quan trọng trong quan hệ hai nước nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Lãnh đạo hai bên đã trao đổi ý kiến mang tầm chiến lược nhằm kề vai sát cánh bước tiếp trên con đường xã hội chủ nghĩa của mỗi nước trước tình hình diễn biến phức tạp của thế giới. Hai bên đã ra Tuyên bố chung và ký kết 45 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Hai bên tái khẳng định cần coi dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và Năm Giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc là cơ hội để triển khai tốt chuỗi hoạt động giao lưu nhân văn gắn kết lòng dân, đậm đà và thiết thực, góp phần củng cố nền tảng xã hội.
“Chương trình Giao lưu hữu nghị lần thứ ba giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính hiệp Trung Quốc lần thứ ba nằm trong chuỗi hoạt động giao lưu theo tinh thần thoả thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước” ông Nguyễn Vinh Quang chia sẻ và tin rằng những hoạt động tiếp theo, như giao lưu hữu nghị giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính hiệp cấp địa phương cũng được tổ chức thành công sẽ góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, làm cho tình hữu nghị đoàn kết, hợp tác ngày càng thêm bền chặt, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược trong tình hình mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp xứng đáng cho hòa bình, ổn định, phồn vinh và phát triển của khu vực và thế giới.
 |
Ông Trần Ân, Ủy viên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đề án Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc trình bày tham luận |
Trình bày tham luận tại Hội nghị, ông Trần Ân, Ủy viên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đề án Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc chia sẻ, thời gian qua, Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc tập trung triển khai nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng hiện đại hóa kiểu Trung Quốc và tổ chức thị sát, điều tra, nghiên cứu, tăng cường thông tin phản ánh của người dân đối với xã hội để thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa hạnh phúc cho nhân dân; đồng thời có các giải pháp duy trì sự ổn định của xã hội và triển khai giám sát dân chủ, giao lưu hữu nghị đối ngoại, thể hiện ưu thế, độc đáo của chế độ chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Theo ông Trần Ân, việc triển khai các đề án Chính hiệp nhân dân là những hình thức quan trọng để Chính hiệp triển khai thực hiện hiệp thương chính trị, giám sát dân chủ, thương chính nghị chính và phát huy cơ cấu chuyên môn của Chính hiệp, cũng là phương thức quan trọng để Đảng và Chính phủ lắng nghe ý kiến nhân dân và đề ra các quyết sách dân chủ quan trọng. Tới nay, Chính hiệp Trung Quốc được tiếp thu trên 170.000 đề án, những ý kiến và kiến nghị đã chuyển thành những biện pháp cụ thể để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thể hiện trong các quy hoạch cũng như pháp luật liên quan.
Cùng với đó, với sự dẫn dắt chiến lược của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc đã dành được những thành quả tốt đẹp. Đông đảo Ủy viên Chính hiệp đã thông qua các đề án để đóng góp ý kiến, ngưng tụ trí tuệ để đóng góp cho hợp tác thiết thực, xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Trung - Việt. Tại Lưỡng hội toàn quốc năm nay có Ủy viên Chính hiệp đã đề nghị về cơ chế công tác cấp nhà nước để đẩy nhanh xây dựng cơ sở hạ tầng, trí tuệ nhân tạo hướng tới các nước ASEAN. Ủy viên Chính hiệp cũng đã có ý kiến về việc đẩy nhanh việc xây dựng cung ứng chuỗi qua biên giới Trung - Việt và thúc đẩy phát triển du lịch qua biên giới, thúc đẩy việc giao lưu hữu nghị trong các lĩnh vực như văn hóa, kinh tế, thương mại song phương.
Đẩy mạnh hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng, giới thiệu những địa chỉ đỏ về tình hữu nghị Trung-Việt
 |
Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Hoàng Tùng trình bày tham luận tại Hội nghị |
Chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Hoàng Tùng chia sẻ, đây là hoạt động đặc thù, mang tính Nhân dân, tính xã hội rộng rãi, tập trung vào những vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân và dư luận xã hội quan tâm, bức xúc; góp phần tăng cường quyền làm chủ, sự đồng thuận của Nhân dân trong xây dựng, phát triển đất nước, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
“Trong 5 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Lạng Sơn đã chủ trì giám sát được 3.198 cuộc; thông qua Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng của các xã, phường, thị trấn đã giám sát được 3.506 cuộc, qua giám sát đã kiến nghị xử lý được 14 vụ việc” ông Tùng thông tin và cho biết trong thời gian này Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn đã chủ trì phản biện được 401 dự thảo văn bản của chính quyền cùng cấp. Tại các hội nghị phản biện xã hội MTTQ các cấp đã tổng hợp được 2.149 ý kiến phản biện xã hội.
Bàn về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, ông Nguyễn Hoàng Tùng cho rằng, ngay từ đầu năm, MTTQ các cấp cần xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện sát với tình hình thực tế, lựa chọn đúng và trúng những vấn đề nhân dân quan tâm. Cùng với đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để lấy ý kiến rộng rãi từ nhân dân qua các kênh trực tuyến. Tăng cường phối hợp giữa Mặt trận với các cơ quan Nhà nước để đảm bảo kết quả giám sát, phản biện được tiếp thu, phản hồi và có lộ trình thực hiện cụ thể.
 |
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên Mùa A Vảng trình bày tham luận tại Hội nghị |
Chia sẻ về bài học của tỉnh Điện Biên về công tác vận động, hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên Mùa A Vảng khẳng định, cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp đã bám sát theo quan điểm của Đảng là “giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách” và lấy người dân làm trung tâm trong thực hiện các chính sách.
“Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Điện Biên đã triển khai làm gần 10.000 căn nhà cho các đối tượng hộ nghèo. Những căn nhà đại đoàn kết được dựng lên giúp người dân an cư lạc nghiệp, từng bước vươn lên thoát nghèo” ông Mùa A Vảng thông tin.
Qua thực tiễn địa phương, ông Mùa A Vảng cho rằng thành công của Điện Biên chính là dựa vào dân, nhân dân phải là người quyết định và chủ động khi triển khai làm nhà. Đặc biệt, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, giao trách nhiệm cho từng cơ quan, đơn vị theo dõi từng xã, thôn bản về tiến độ làm nhà. Tại cơ sở, cấp ủy phân công từng đồng chí Đảng viên phụ trách từng hộ gia đình và đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong quá trình triển khai.
“Trong vận động các nguồn lực phải huy động thêm nguồn kinh phí và anh em, họ hàng giúp đỡ ngày công. Từ sự chung tay của cộng đồng các ngôi nhà khi hoàn thành rất đẹp và diện tích rộng gấp đôi quy định” ông Vảng nói.
 |
Ông Thạch Quốc Hoài, Chủ tịch Chính hiệp thị Tĩnh Tây, thành phố Bách Sắc, Quảng Tây trình bày tham luận tại Hội nghị |
Ông Thạch Quốc Hoài, Chủ tịch Chính hiệp thị Tĩnh Tây, thành phố Bách Sắc, Quảng Tây chia sẻ, hợp tác giao lưu giữa Tĩnh Tây và Việt Nam có nền tảng vững chắc. Người dân của Tĩnh Tây và Việt Nam có chung ngày lễ và văn hóa tương đồng, thân thiết như một nhà. Mỗi năm vào dịp Tết Nguyên đán, Chính hiệp Tĩnh Tây tổ chức các nhà thư pháp đến biên giới viết câu đối để tặng miễn phí cho nhân dân Việt Nam, hai bên thường xuyên tổ chức giao lưu văn hóa, hoạt động dân gian, giao lưu thể thao… làm phong phú thêm nội dung hợp tác hữu nghị Trung-Việt.
Để tiếp tục tăng cường hợp tác, giao lưu hữu nghị giữa nhân dân hai nước, ông Thạch Quốc Hoài cho rằng cần thiết lập cơ chế trao đổi, tham vấn giữa Chính hiệp Quảng Tây và MTTQ các tỉnh của Việt Nam; đẩy mạnh trao đổi về các vấn đề như kinh tế, thương mại, du lịch, văn hóa, giáo dục, củng cố và làm sâu sắc hơn nữa tình hữu nghị truyền thống Trung-Việt, thúc đẩy hợp tác, mở cửa toàn diện; đồng thời có thể khám phá, thiết lập cơ chế giao lưu giữa đảng và chính quyền giữa các khu thị trấn biên giới Trung-Việt và cùng tổ chức các hoạt động tuyên truyền chính sách nhân dân Trung-Việt.
Đẩy mạnh hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng, giới thiệu những địa chỉ đỏ về tình hữu nghị Trung-Việt, nâng cao mức độ thuận lợi hóa thông quan, giảm chi phí thương mại thông qua kết nối, khuyến khích doanh nghiệp triển khai mô hình thương mại điện tử qua biên giới, mở rộng mô hình thương mại song phương, hỗ trợ xây dựng qua biên giới, thúc đẩy hợp tác công nghiệp, cùng khai thác tài nguyên, chế biến hàng nông sản, bổ sung thế mạnh công nghiệp cho nhau; tích cực vận động chính sách cho người biên giới hoàn thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ, xây dựng khu tiên phong, khu mẫu mở cửa thu hút doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế khu vực.
“Cần thúc đẩy giao lưu văn hóa, khai thác các sản phẩm du lịch xuyên biên giới, khai thác di tích văn hóa cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Tĩnh Tây, xây dựng tuyến du lịch đỏ và xuyên quốc gia. Hai bên đẩy mạnh hoạt động giao lưu văn hóa như liên hoan nhân dân biên giới Trung-Việt, theo dấu chân cách mạng của Bác Hồ để thu hút nhiều du khách du lịch, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác giáo dục tại các trường trung cấp nghề để bồi dưỡng thêm nhiều nhân tài phục vụ cho sự phát triển của đất nước”, ông Thạch Quốc Hoài nêu ý kiến và cho rằng cần xây dựng lá chắn sinh thái xanh xuyên biên giới Trung-Việt để bảo vệ môi trường sinh thái khu vực biên giới.
Hương Diệp - ảnh Quang Vinh