Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá việc sắp xếp, tổ chức bộ máy Công đoàn toàn quốc

(Mặt trận) - Ngày 21/7, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến tri ân Mẹ Việt Nam anh hùng, người có công, gia đình chính sách tại Hà Nội

Phó Bí thư Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương Nguyễn Thái Học dự Đại hội Đảng bộ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Phát động cuộc thi sáng tác biểu trưng Đại hội đại biểu Đảng bộ MTTQ, các đoàn thể Trung ương lần thứ I

 Ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - chủ trì hội nghị đánh giá kết quả sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố. Ảnh: Bảo Hân

Tham dự có bà Thái Thu Xương - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; các Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Nguyễn Xuân Hùng, Huỳnh Thanh Xuân, Phan Văn Anh, Ngọ Duy Hiểu.

Tại các điểm cầu Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố có sự tham dự của Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, lãnh đạo các ban chuyên môn liên đoàn lao động tỉnh, thành phố; cán bộ công đoàn xã, phường, đặc khu, công đoàn trung tâm xã, phường.

Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, về đoàn viên công đoàn, thời điểm trước 31.5.2025 cả nước có 12.297.344 đoàn viên công đoàn. Sau sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 60-NQ/TW đến ngày 15.7.2025, cả nước còn 8.642.169 đoàn viên công đoàn, giảm 3.665.175 đoàn viên, trong đó có 2.513.569 người thuộc đối tượng thôi là đoàn viên công đoàn, giảm khác là 1.151.606 đoàn viên.

Đối với công đoàn cấp cơ sở (bao gồm công đoàn cơ sở và nghiệp đoàn cơ sở), thời điểm trước ngày 31.5.2025, cả nước có 124.762 CĐCS; sau sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 60-NQ/TW đến ngày 15.7.2025 cả nước còn 62.059 công đoàn cấp cơ sở, giảm 62.703 CĐCS, trong đó kết thúc 61.293 CĐCS khối cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp hưởng 100% lương từ ngân sách nhà nước và lực lượng vũ trang; còn 1.410 công đoàn cấp cơ sở khác giảm do doanh nghiệp phá sản, giải thể, không hoạt động hoặc nghiệp đoàn cơ sở giảm đoàn viên công đoàn không đủ điều kiện hoạt động theo Điều lệ.

 

Đối với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành kết thúc hoạt động 1.073 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, trong đó kết thúc hoạt động 696 liên đoàn lao động cấp huyện.

Về sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan liên đoàn lao động cấp tỉnh: Sắp xếp từ 63 liên đoàn lao động tỉnh, thành phố còn 34 liên đoàn lao động tỉnh, thành phố tương ứng đơn vị hành chính cấp tỉnh từ ngày 1.7.2025.

Đầu năm 2025, tại 63 liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, có 236 ban, đơn vị. Đến nay, thực hiện sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy còn 49 ban, đơn vị (34 tỉnh, thành phố), trong đó: Có 15 liên đoàn lao động tỉnh, thành phố lập 2 ban (ban công tác công đoàn, ban công đoàn các khu công nghiệp), còn lại 19 liên đoàn lao động tỉnh, thành phố lập 1 ban.

Về biên chế, người lao động làm việc tại cơ quan LĐLĐ cấp tỉnh, trước khi chưa sắp xếp tổ chức bộ máy, số người làm việc tại cơ quan LĐLĐ tỉnh, thành phố là 2.571 người, trong đó: 2.201 biên chế, 186 hợp đồng chuyên môn và 184 người hợp đồng theo Nghị định 68, 161, 111.

Sau sắp xếp tổ chức bộ máy, số người làm việc tại cơ quan LĐLĐ tỉnh, thành phố là 1.399 người, trong đó: 1.201 biên chế, 77 hợp đồng chuyên môn và 121 người hợp đồng theo Nghị định 68, 161, 111.

Về thực hiện chính sách cán bộ, thực hiện các thủ tục nghỉ hưu đối với 285 người; có 367 người có đơn nghỉ việc hưởng chế độ theo Nghị định 178/NĐ-CP và Nghị định số 67/NĐ-CP, trong đó có 298 người đã được giải quyết nghỉ việc và hưởng chế độ theo Nghị định 178/NĐ-CP và Nghị định số 67/NĐ-CP; có 287 người được bố trí công tác khác theo nguyện vọng; số hợp đồng lao động do cấp có thẩm quyền cho thôi việc: 59 người...

Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu những ý kiến liên quan đến công tác tổ chức, bộ máy; tài sản, tài chính của tổ chức công đoàn tại địa phương mình. Các Phó Chủ tịch: Nguyễn Xuân Hùng, Phan Văn Anh đã giải đáp những nội dung này.

Ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu

Sau khi nghe báo cáo kết quả sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố và nghe ý kiến của các đại biểu, ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho biết, mục tiêu của Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN khi tổ chức hội nghị này là muốn nghe các địa phương báo cáo những thuận lợi, khó khăn khi triển khai mô hình tổ chức bộ máy mới theo đúng tinh thần các Nghị quyết của Đảng.

Ông Nguyễn Đình Khang đánh giá cao sự chủ động, quyết liệt của các cấp công đoàn trong việc triển khai sắp xếp tinh gọn bộ máy.

"Các cấp công đoàn đã bám sát các chủ trương của Đảng, Trung ương và Tổng LĐLĐVN, đồng thời đã linh hoạt vận dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương để kịp thời báo cáo cấp ủy địa phương, cho đến nay các công việc triển khai tương đối tốt", ông Nguyễn Đình Khang nói.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Khang cho biết, qua ý kiến của các đại biểu trong quá trình thực hiện có sự chưa thống nhất giữa các địa phương về các mô hình cũng như cách thức tiếp cận vấn đề của các địa phương có khác nhau.

Ông Nguyễn Đình Khang đề nghị tổng hợp tất cả các vướng mắc tại địa phương để phản ánh kịp thời tới Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương, từ đó thống nhất chỉ đạo, thực hiện trong toàn hệ thống mặt trận. Các kiến nghị cần phải bám sát vào các hướng dẫn của Tổng LĐLĐVN.

Ông Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh, cần phải thống nhất quan điểm, tư tưởng: Ban Thường vụ, Thường trực Liên đoàn Lao động các tỉnh cần phải chủ động giải quyết các vấn đề nhưng phải trên cơ sở quy định của pháp luật. Cùng với đó, cần bám vào những tồn tại của chính địa phương mình để bàn, chung tay giải quyết...

Đối với công đoàn xã, phường, ông Nguyễn Đình Khang cho biết, ở địa phương nào chưa thành lập được công đoàn xã, phường thì cần chủ động phân công cán bộ Liên đoàn Lao động tỉnh theo dõi; nơi nào đủ điều kiện thì thành lập, giao chức năng, nhiệm vụ cụ thể theo như hướng dẫn của Tổng LĐLĐVN.

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cũng cho rằng, cần có hướng dẫn cụ thể về quản lý các đơn vị sự nghiệp của tổ chức công đoàn ở cấp địa phương.

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN mong muốn, từ thực tiễn, nếu nội dung gì còn khó chưa giải quyết được, thì cần báo cáo để có ý kiến tới các cơ quan có thẩm quyền; trước mắt thực hiện theo những gì đã có quy định.