(Mặt trận) - Chiều ngày 21/5, phát biểu tại Tổ thảo luận, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đã nhấn mạnh tới nội dung đại biểu quan tâm về vấn đề “trực thuộc” trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
 |
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại Tổ thảo luận |
Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà, báo cáo thống kê bước đầu của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, đến thời điểm này, MTTQ các tỉnh, thành phố và các tổ chức thành viên đã tổ chức 6.558 hội nghị với tổng số ý kiến góp ý là 717.712 ý kiến, trong đó có 715.617 ý kiến tán thành (chiếm hơn 99%). Tại các Hội nghị, có một số ý kiến của đại biểu còn băn khoăn về vấn đề trực thuộc.
Lý giải về nội dung này, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà đề cập tới căn cứ chính trị pháp lý được nêu trong Kết luận số 126-KL/TW ngày 14/02/2025, Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đặc biệt là 2 Kết luận của Bộ Chính trị về Đề án sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vào MTTQ Việt Nam và Đề án sắp xếp, tinh gọn cơ quan MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã do Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương trình.
Cùng với đó, tại Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cũng nêu rõ: Đồng ý chủ trương sắp xếp, tinh gọn hợp nhất cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã như Tờ trình và Đề án của Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương; việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy phải bảo đảm sâu sát cơ sở, địa bàn, chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân và đoàn viên, hội viên của tổ chức mình.
“Vấn đề trực thuộc có mâu thuẫn gì với việc phát huy tính chủ động, sáng tạo của các tổ chức không?”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà nêu vấn đề và cho biết, các tổ chức theo Đề án chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam mà Bộ Chính trị đã thông qua có nêu rõ: Các tổ chức hiện nay vẫn có Đại hội, vẫn có điều lệ, vẫn có con dấu, tài khoản riêng, vẫn được tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của mình.
Trong mô hình mới, có những chức năng mang tính chất chung, có giao thoa thì chuyển về các ban chung thuộc Cơ quan MTTQ Việt Nam. Tính chất trực thuộc thể hiện ở việc Mặt trận là đầu mối để quản lý về biên chế, kinh phí và định hướng hoạt động.
“Điều đó sẽ làm cho tổ chức Mặt trận sẽ mạnh lên. Đúng như quan điểm của Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề cập: “khối dân” sẽ mạnh lên”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà nói và thông tin thêm, trong Hiến pháp năm 2013, Điều 96, Điều 101 và khoản 2 Điều 116 vẫn đang giữ nguyên quy định MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với Chính phủ nhằm tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo của các tổ chức chính trị - xã hội. “Trực thuộc” ở đây chỉ mang tính quản lý. Hiện nay các tổ chức đảng đang sắp xếp theo mô hình trực thuộc để đồng bộ, thống nhất giữa tổ chức đảng và về mặt hành chính.
Cũng theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà, tại Hội nghị đánh giá sơ bộ kết quả lấy ý kiến vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 trong hệ thống MTTQ Việt Nam diễn ra chiều ngày 20/5, nhiều đại biểu cho rằng, nếu giữ nguyên bộ máy thì không còn là cuộc cách mạng. Đất nước đang trong giai đoạn sắp xếp, tinh gọn bộ máy, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ tiến hành sắp xếp, tinh gọn hợp nhất để hoạt động mạnh hơn.
“Hiện nay, mỗi tổ chức ở Trung ương chỉ có 5 ban, nhưng theo mô hình mới thì sẽ giữ lại những đơn vị sự nghiệp đang hoạt động hiệu quả, còn lại có 1 đến 2 ban đặc thù và 9 ban chung. Như vậy, các tổ chức chính trị - xã hội thay vì có 1 ban thì giờ có 9 ban chung để thực hiện các chức năng nhiệm vụ của mình. Khi Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiến hành khảo sát thì có đoàn viên, hội viên tham gia đồng thời 3, 4 tổ chức và các hội quần chúng khác. Xuất phát từ yêu cầu tăng thêm sức mạnh cho khối tập hợp, vận động quần chúng, từ văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương đã trình Đề án sắp xếp như vậy.”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ.
Đề cập tới nội dung sửa đổi của Luật Công đoàn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cũng cho biết, một số ý kiến nhắc tới việc tổ chức thực hiện khi Luật được thông qua, trong đó đề cập tới hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân ở những nơi không còn tổ chức công đoàn. Vì vậy tại điều 5 của dự thảo Luật có một điều khoản quy định chuyển tiếp là: “Ở cơ quan, đơn vị mà còn tổ chức công đoàn cơ sở thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Chương 3, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở”.
Cùng với đó, các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn đã cụ thể hóa chủ trương tại Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 về kết thúc hoạt động của công đoàn viên chức, công đoàn lực lượng vũ trang và cụ thể hóa tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo quy định của Hiến pháp 2013 (sau sửa đổi, bổ sung), thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Hương Diệp - ảnh Trọng Hiếu