(Mặt trận) - Ngày 24/6, đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Chỉ thị số 48-CT/TW của Ban Bí thư về lãnh đạo Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ 2026-2031.
 |
Ra mắt Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X |
Ban Biên tập xin trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị.
Chỉ thị nêu: Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp là sự kiện có ý nghĩa chính trị - xã hội rất quan trọng, được tiến hành ngay sau khi thực hiện chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; là dấu mốc đặc biệt khi đã hợp nhất, sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Để Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ các cấp đạt kết quả tốt, thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, là đại hội của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên, cổ vũ các tầng lớp nhân dân, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến xây dựng và phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
1. Tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đáng, chính quyền và Nhân dân về vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực sự là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng bám sát địa bàn, hướng về cơ sở, thực hiện "gần dân, sát dân", tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân; tuyên truyền, vận động Nhân dân, đoàn viên, hội viên tích cực tham gia các phong trào thi đua, cuộc vận động; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội, phòng, chống tham những, lãng phí, tiêu cực; chủ động, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
2. Chuẩn bị kỹ lưỡng các văn kiện trình đại hội các cấp. Báo cáo chính trị cần bảo đảm tính kế thừa và phát triển; quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo, cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; khẳng định kết quả đạt được, chỉ rõ tồn tại, hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp cụ thể, thiết thực, khả thi, có tính đột phá; khắc phục bằng được những hạn chế, bất cập trong công tác giám sát và phản biện xã hội, trong nắm bắt tình hình Nhân dân... Xây dựng giải pháp phù hợp nhằm tập hợp, đoàn kết đông đảo các tầng lớp nhân dân, huy động mọi nguồn lực, động lực cho mục tiêu phát triển đất nước, tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ. Triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết có tính chiến lược về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật; về phát triển kinh tế tư nhân; về hội nhập quốc tế... Tổ chức tốt việc lấy ý kiến của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên và các tầng lớp nhân dân về những nội dung cốt lõi của Dự thảo Báo cáo chính trị.
Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, điều lệ của các tổ chức chính trị - xã hội, điều lệ của các hội quần chúng phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước1 và chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng, bảo đảm phù hợp với mô hình chính quyền mới; làm rõ mối quan hệ chủ trì hiệp thương, thống nhất phối hợp hành động giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
3. Lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị tốt công tác nhân sự, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp, thường xuyên của cấp uỷ, tổ chức đảng, đúng quy định của Đảng, Nhà nước, Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, điều lệ của các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng. Xây dựng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp nhiệm kỳ mới thực sự là trung tâm của khối đại đoàn kết, có tư duy đổi mới và năng lực tổ chức thực hiện; bảo đảm kế thừa và phát triển; tăng cường các địa bàn, lĩnh vực quan trọng; có cơ cấu, tỉ lệ phù hợp người ngoài Đảng, người dân tộc, tôn giáo, trí thức, văn nghệ sĩ, nhà khoa học, doanh nhân, cá nhân tiêu biểu trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài. Chú trọng phát hiện, giới thiệu người có năng lực, uy tín, tâm huyết, trách nhiệm tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, ban chấp hành các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng các cấp. Cấp ủy các cấp quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của Trung ương, phân công, giới thiệu bí thư hoặc phó bí thư cấp uỷ tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp; phân công các đồng chí cấp ủy viên cùng cấp làm người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội. Đối với các tỉnh, thành phố có từ 3 phó bí thư trở lên thì phân công, giới thiệu 1 đồng chí để hiệp thương cử làm chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, 1 đồng chí ủy viên ban thường vụ làm phó chủ tịch thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc. Đối với các tỉnh, thành phố bố trí 2 phó bí thư thì phân công, giới thiệu đồng chí ủy viên ban thường vụ để hiệp thương cử làm chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc.
Về số lượng Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp: Cấp Trung ương 400 - 500 người, cấp tỉnh 90 - 120 người, cấp xã 50 - 70 người. Một số địa bàn lớn, đặc thù thực hiện theo hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
4. Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyên truyền trước, trong và sau Đại hội. Ban Tổ chức Trung ương tham mưu hướng dẫn về công tác nhân sự theo thẩm quyền và phân cấp quản lý cán bộ.
Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo chính quyền các cấp, các bộ, ngành phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng các cấp tổ chức đại hội bảo đảm trang trọng, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, đúng tiến độ.
5. Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo các đảng ủy tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị tổ chức tốt đại hội của cấp mình; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội của các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp xã.
6. Thời gian tiến hành:
Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiến hành sau đại hội đảng bộ cùng cấp; cấp xã hoàn thành trước ngày 31/10/2025; cấp tỉnh hoàn thành trước ngày 31/12/2025. Đại hội của các tổ chức chính trị - xã hội tiến hành ngay sau Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp.
Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ 2026 - 2031 hoàn thành trong tháng 5/2026; đại hội đại biểu toàn quốc của các tổ chức chính trị - xã hội hoàn thành trong tháng 6/2026.
7. Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương, các ban đảng và Văn phòng Trung ương Đảng giúp Ban Bí thư theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này.
Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ.
-------
1.Hiến pháp, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, các quy định pháp luật có liên quan…