Ủy ban MTTQ tỉnh: Bình Phước, Lâm Đồng, Hà Tĩnh lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

(Mặt trận) -Sáng 20/5, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Phước tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nam Định và tỉnh Điện Biên lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Bình và Hưng Yên tổ chức gặp mặt

Năm 2025, Hà Nội tiếp tục hỗ trợ 95 nhà đại đoàn kết trên địa bàn 10 huyện

Đại biểu dự hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất với việc Quốc hội ban hành dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; đồng thời tập trung góp ý đối với Điều 9 của dự thảo nghị quyết. Cụ thể: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” nên điều chỉnh thành “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, “Các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” nên điều chỉnh thành “Các tổ chức chính trị - xã hội thành viên nòng cốt Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”. Song, có ý kiến cũng cho rằng: “Các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” trong dự thảo nghị quyết nhằm khẳng định rõ vai trò của MTTQ Việt Nam...

Ngoài ra, các đại biểu cũng góp ý một số nội dung đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Hiến pháp năm 2013 về MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để làm rõ vai trò cốt lõi của MTTQ Việt Nam, nhấn mạnh vị trí của MTTQ Việt Nam là tổ chức trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, góp ý đối với dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Phước Hà Anh Dũng đánh giá cao các ý kiến góp ý sâu sắc, bám sát thực tiễn và mang tính xây dựng của các đại biểu và cho rằng những ý kiến sẽ góp thêm tiếng nói đối với các cơ quan chức năng và Ban soạn thảo trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo văn bản trước khi trình Quốc hội xem xét. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Phước sẽ tổng hợp đầy đủ ý kiến, gửi về Trung ương theo quy định.

* Sáng cùng ngày, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị lấy ý kiến trong hệ thống MTTQ Việt Nam tỉnh đối với Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, các vị đại biểu là thành viên các Hội đồng Tư vấn, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng, các chuyên gia của Tổ tư vấn, các đồng chí là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Quang cảnh hội nghị

Phát biểu điều hành hội nghị, đồng chí Phạm Triều - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh: Hiến pháp năm 2013 là đạo luật cơ bản, có giá trị pháp lý cao nhất, là nền tảng chính trị - pháp lý để tổ chức bộ máy nhà nước, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Trải qua hơn 10 năm thực thi, Hiến pháp đã phát huy hiệu lực trong thực tiễn. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi nhanh chóng, sâu sắc, yêu cầu hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển đất nước bền vững, hội nhập toàn diện... đặt ra yêu cầu cần sửa đổi, bổ sung một số điều trong Hiến pháp để phù hợp với tình hình mới.

Hội nghị hôm nay là bước quan trọng để hệ thống Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lâm Đồng phát huy vai trò đại diện, tập hợp, phản ánh ý chí, nguyện vọng của Nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Là diễn đàn quan trọng để hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh thể hiện trách nhiệm chính trị và quyền làm chủ của Nhân dân trong việc tham gia xây dựng Hiến pháp - đạo luật gốc của Nhà nước ta. Rất mong các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, đóng góp những ý kiến sâu sắc, chất lượng, khả thi và sát thực tiễn.

Hầu hết các ý kiến tại hội nghị đều có sự đồng thuận rất cao về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để tạo cơ sở nhất định thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trọng tâm là sắp xếp MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và hoàn thiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Các đối tượng trong hệ thống MTTQ Việt Nam tỉnh, đại diện các địa phương cũng nhất trí cao về phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và những nội dung cơ bản của dự thảo nghị quyết; đồng thời cho rằng, nội dung của dự thảo nghị quyết đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư…

Các đại biểu tham dự đã góp ý, đề xuất một số nội dung về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (Chương II): Đề nghị bổ sung nội dung về quyền được bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền tiếp cận thông tin và quyền được sống trong môi trường trong lành. 

Về tổ chức bộ máy nhà nước: Cần làm rõ hơn cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp; đồng thời tăng tính độc lập của hệ thống tư pháp nhằm bảo đảm công lý và bảo vệ quyền công dân.

Về chính quyền địa phương: Đề nghị quy định rõ ràng hơn vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở, đặc biệt là chính quyền đô thị và nông thôn theo hướng tăng tính tự chủ, phân cấp mạnh và gắn với trách nhiệm giải trình.

Về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, một số đại biểu đề nghị cần hiến định rõ quyền giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể theo hướng có tính ràng buộc pháp lý, nhằm phát huy dân chủ và tiếng nói của Nhân dân trong hoạt động xây dựng, thực thi pháp luật và chính sách.

Về sửa đổi Hiến pháp, đề nghị nghiên cứu mở rộng hình thức trưng cầu ý dân không chỉ trong sửa đổi Hiến pháp mà cả trong các vấn đề lớn, có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống quốc gia. Việc này sẽ thể hiện rõ quyền làm chủ của Nhân dân...

Các ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu sẽ được Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Đồng tổng hợp, tiếp thu, ghi nhận và gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh, bổ sung, góp phần hoàn chỉnh Hiến pháp và đi vào cuộc sống ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn.

* Sáng cùng ngày, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh Trần Nhật Tân và Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh Phạm Thị Thu Hà chủ trì hội nghị. Tham dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh Trần Nhật Tân và Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh Phạm Thị Thu Hà chủ trì hội nghị. 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh Phạm Thị Thu Hà nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thông qua việc góp ý kiến, hoàn thiện dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013; đồng thời, khẳng định vai trò và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hệ thống MTTQ đối với việc sửa đổi Hiến pháp và thi hành Hiến pháp.

Việc sửa đổi, bổ sung các điều khoản của Hiến pháp nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về thu gọn đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất cao với nội dung dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Một số đại biểu góp ý các nội dung liên quan đến việc bổ sung quy định về vị trí, chức năng, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của MTTQ để bảo đảm phù hợp với mô hình tổ chức mới sau khi sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam.

Đại biểu cũng đề nghị tiếp tục rà soát các nội dung sửa đổi, tránh chồng chéo giữa các điều khoản, tạo cơ sở pháp lý quan trọng giúp MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Góp ý vào dự thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh đi sâu vào một số vấn đề cụ thể liên quan đến vai trò của MTTQ trong các phiên chất vấn; các quy định liên quan đến phát triển đô thị sau kiện toàn. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng đề nghị MTTQ tỉnh Hà Tĩnh tăng cường công tác tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân hiểu và tích cực tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Hà Tĩnh Trần Nhật Tân đánh giá cao những ý kiến của đại biểu. Các góp ý sẽ được tiếp thu đầy đủ, khách quan gửi đến Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, góp phần hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Đặc biệt là việc sắp xếp lại các tổ chức thành viên, giảm bớt sự trùng lặp trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm thống nhất và đồng bộ sau khi sắp xếp, tinh gọn các tổ chức chính trị - xã hội vào MTTQ Việt Nam.

T.L tổng hợp