(Mặt trận) - Sáng 11/5, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa và Xã hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ hai. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh chủ trì phiên họp. Theo nội dung và chương trình kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV, có 9 nội dung thuộc lĩnh vực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phụ trách. Trong đó, trình Quốc hội xem xét thông qua 4 dự án Luật và 2 Nghị quyết; gửi Quốc hội xem xét, nghiên cứu 3 báo cáo.
 |
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh chủ trì Phiên họp toàn thể lần thứ hai của Ủy ban. Ảnh: Hồ Long |
Về 6 nội dung trình Quốc hội xem xét thông qua, tại tuần đầu tiên, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường, cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với 3 dự án luật: Luật Nhà giáo, Luật Việc làm (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về cơ bản, các dự án Luật trên đã được tiếp thu, chỉnh lý nghiêm túc; cơ bản nhận được sự đồng tình của các đại biểu Quốc hội. Thường trực Ủy ban đang phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tiếp thu, chỉnh lý.
Có 3 nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, gửi hồ sơ để Ủy ban thẩm tra chính thức trước khi Quốc hội cho ý kiến vào cuối tháng 5 này, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; Nghị quyết về miễn học phí cho học sinh mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
 |
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy phát biểu tại phiên họp |
Tại Phiên họp, các đại biểu nghe trình bày tóm tắt Báo cáo thẩm tra 3 nội dung trên.
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Ủy ban Văn hóa và Xã hội tán thành sự cần thiết ban hành dự thảo Luật với các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn đã được nêu tại Tờ trình số 29/TTr-MTTW-ĐCT ngày 5/5/2025 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về sắp xếp lại tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị. Việc sửa đổi các Luật có liên quan bảo đảm sự thống nhất với chủ trương của Đảng, phù hợp với Hiến pháp và đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Ủy ban tán thành phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật, cơ bản tán thành với bố cục của dự thảo Luật, gồm 5 điều, trong đó 4 điều sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan, 1 điều về hiệu lực thi hành.
Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, Ủy ban Văn hóa và Xã hội tán thành sự cần thiết xây dựng Nghị quyết, nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; tạo điều kiện cho trẻ em 3 đến 5 tuổi được đến trường, nhằm phát triển toàn diện, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp một. Đây là bước tiến quan trọng trong hiện thực hóa công bằng giáo dục, thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước trong chăm lo cho thế hệ tương lai.
Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Nghị quyết, tán thành việc giao Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách để thực hiện Nghị quyết. Đối với nguồn lực thực hiện (Điều 4), Ủy ban cho rằng, để hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi vào năm 2030, cần có những giải pháp đồng bộ về cơ sở hạ tầng, đội ngũ giáo viên và nguồn lực tài chính... để chính sách đi vào thực tế hiệu quả, khả thi.
 |
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu. |
Ủy ban Văn hóa và Xã hội cũng tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Việc ban hành Nghị quyết nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục và trách nhiệm của Nhà nước đối với người học, chăm lo cho thế hệ trẻ và bảo đảm an sinh xã hội.
Về kinh phí thực hiện Nghị quyết, Ủy ban đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá kỹ lưỡng khả năng cân đối ngân sách của các địa phương, nhất là các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; bổ sung số kinh phí thực hiện đối với học viên học chương trình giáo dục phổ thông tại cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục khác vào tổng tổng nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước để thực hiện miễn học phí và hỗ trợ học phí từ năm học 2025 - 2026 cho các đối tượng theo dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, đề nghị Chính phủ điều chỉnh dự toán ngân sách năm 2025 đối với các nhiệm vụ phát sinh năm 2025 gắn với việc triển khai dự thảo Nghị quyết này.
Ủy ban Văn hóa và Xã hội đề nghị các cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ thuật lập pháp để bảo đảm văn phong, tính quy phạm, tính thống nhất của các dự thảo Luật, Nghị quyết.
Tại Phiên họp, các đại biểu đã cho ý kiến và biểu quyết thông qua Báo cáo thẩm tra dự án Luật và 2 dự thảo Nghị quyết với sự đồng thuận cao.
PV