Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

(Mặt trận) - Thảo luận ở Tổ 2 (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tại phiên họp chiều nay, 7/5, một số ĐBQH đề nghị cần bảo đảm để MTTQ Việt Nam phát huy được vai trò, sức hút mạnh mẽ hơn trong tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bộ trưởng Nội vụ thông tin về những đổi mới đột phá trong hai dự án luật

Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013

Sửa đổi để bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội

Quang cảnh thảo luận tại Tổ 2 (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: Hồ Long 

Bảo đảm MTTQ Việt Nam phát huy được vai trò, nhiệm vụ

Tán thành với nội dung sửa đổi, bổ sung tại Điều 9, Hiến pháp năm 2013 trong dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, các ĐBQH cho rằng, nội dung sửa đổi, bổ sung đã làm rõ hơn vai trò của MTTQ Việt Nam, nhấn mạnh vị trí của MTTQ là tổ chức trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp lại các tổ chức thành viên, giảm bớt sự trùng lặp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm thống nhất và đồng bộ với cơ cấu tổ chức đảng, phù hợp với mô hình tổ chức mới sau khi sắp xếp, tinh gọn các tổ chức chính trị - xã hội vào MTTQ trên cơ sở đề xuất của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng, với việc sửa đổi, bổ sung nội dung này, MTTQ Việt Nam sẽ có vai trò, sức hút mạnh mẽ hơn trong việc tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là yêu cầu mà Đảng đặt ra đối với MTTQ Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Dự thảo Nghị quyết giữ nguyên khái niệm MTTQ Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài liên minh.

“Như vậy có nghĩa rằng, MTTQ Việt Nam không phải là một cơ cấu hành chính”. Nêu vấn đề này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, không nên quy định Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam, với lý do MTTQ Việt Nam là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện.

Bởi, theo đại biểu, việc bổ sung cụm từ “trực thuộc” trong quy định này là không cần thiết, vì dự thảo Nghị quyết quy định Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ “phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của MTTQ Việt Nam” là đủ.

ĐBQH Tô Thị Bích Châu phát biểu 

Cũng góp ý vào nội dung này, ĐBQH Tô Thị Bích Châu nhận thấy, so với Hiến pháp năm 2013, nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến MTTQ Việt Nam trong dự thảo Nghị quyết cho thấy vai trò của MTTQ Việt Nam quan trọng hơn, hàm ý bổ sung những nhiệm vụ mới nặng nề hơn đối với MTTQ Việt Nam.

Với vai trò và nhiệm vụ được nhấn mạnh hơn, việc làm sao để tổ chức bộ máy từ Đảng tới chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phải gần dân, sát dân, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hơn là vấn đề đặt ra.

“Vậy làm sao để thực hiện được mục tiêu này? Làm sao để MTTQ Việt Nam tập hợp được nhiều quần chúng nhân dân hơn, mở rộng đối tượng tập hợp sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc?”. Nêu vấn đề này, đại biểu Tô Thị Bích Châu cũng cho rằng, cần tạo điều kiện về tổ chức bộ máy để MTTQ Việt Nam thiết lập, mở rộng mối liên hệ mật thiết với các tầng lớp quần chúng nhân dân và đối tượng, tổ chức nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cần lựa chọn cán bộ làm công tác mặt trận bảo đảm thực hiện được vai trò, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam.

Tại khoản 3 Điều 2 dự thảo Nghị quyết quy định, “Khi kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện trong năm 2025 thì không tiến hành bầu các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng các Ban của HĐND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên UBND tại đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp; không bầu Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hình thành sau sắp xếp… Trường hợp đặc biệt, cho phép chỉ định nhân sự không phải là đại biểu HĐND giữ các chức danh lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, cấp xã hình thành sau sắp xếp”.

Góp ý vào nội dung này, ĐBQH Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh, cần cố gắng không có trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, nếu rơi vào trường hợp đặc biệt, thì ai là người quyết định trường hợp đặc biệt?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị, cần quy định phân cấp, phân quyền luôn trong dự thảo Nghị quyết về việc cấp có thẩm quyền quyết định trường hợp đặc biệt cho phép chỉ định nhân sự không phải là đại biểu HĐND giữ các chức danh lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, cấp xã hình thành sau sắp xếp.

Nghiên cứu phát huy những cơ chế tốt của mô hình chính quyền đô thị

Cũng tại phiên thảo luận tại tổ, các đại biểu Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh đã góp ý vào dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Một số ý kiến cho rằng, với việc tổ chức mô hình chính quyền địa phương gồm hai cấp là cấp tỉnh và cấp xã, chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cấp xã sẽ lớn hơn rất nhiều, khối lượng công việc tăng lên trong khi số lượng Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã hiện nay không thay đổi.

ĐBQH Đỗ Đức Hiển cho rằng, với khối lượng công việc rất lớn, địa bàn rộng hơn sau khi thực hiện sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp xã, cách thức tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương cấp xã cần phải được tính toán phù hợp để bảo đảm gần dân, sát dân. Do đó, đại biểu Đỗ Đức Hiển đề nghị, cần giải quyết thấu đáo vấn đề cơ cấu tổ chức chính quyền cấp xã.

ĐBQH Phan Thị Thanh Phương cũng cho rằng, với việc tổ chức mô hình chính quyền địa phương gồm 2 cấp, nhiệm vụ và đầu mối công việc của lãnh đạo chính quyền cấp xã là rất nhiều, do vậy, đại biểu mong muốn cơ quan soạn thảo nghiên cứu thấu đáo, phát huy những cơ chế tốt của mô hình chính quyền đô thị nhằm bảo đảm hiệu quả giải quyết công việc của chính quyền địa phương cấp xã trong thời gian tới.

ĐBQH Tô Thị Bích Châu đề nghị, bổ sung nguyên tắc tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương theo hướng khi tổ chức cần bảo đảm phù hợp với đặc thù từng vùng, miền nhằm tránh rập khuôn, bất khả thi trong tổ chức thực hiện. Đại biểu Tô Thị Bích Châu cũng mong muốn, dự thảo Luật bổ sung quy định về bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, liên thông, thống nhất giữa các cấp chính quyền.

Cùng ý kiến với ĐBQH Tô Thị Bích Châu, ĐBQH Trần Hoàng Ngân cũng đề nghị, khi tổ chức bộ máy, bố trí nhân sự chính quyền địa phương cấp xã, cần lưu ý tới đặc điểm về dân số, mật độ dân cư để bố trí cho phù hợp.

Tán thành với nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật cho phép UBND cấp tỉnh, cấp xã phân cấp cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình, song ĐBQH Nguyễn Minh Hoàng cũng đề nghị, cần quy định việc phân cấp được thực hiện rõ ràng, minh bạch để nhân dân giám sát.